Hiểu - Đường đến tự do
Osho là một người kỳ lạ. Ông không thuộc trường phái nào nhưng những điều ông thuyết giảng lại có sức hấp dẫn với mọi người. Tờ Sunday Times của Luân Đôn mô tả Osho là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ XX. Còn tờ Sunday Midday của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới. Cuốn sách: “Hiểu - đường đến tự do” của ông nằm trong bộ sách mà công chúng yêu thích nhất.
Sự hiểu biết luôn đi kèm với sự tự do. Người hiểu biết nhất cũng là người tự do nhất.
Trong cuốn sách này, tác giả nói rất nhiều đến một nhân vật nổi tiếng - triết gia người Đức Friedrich Nietsche. Một hình ảnh ẩn dụ ám ảnh được nhắc đi nhắc lại và tạo thành mạch chuỗi liên kết đầy ẩn ý trong cuốn sách đó là: theo quan niệm của Nietsche, đời người có thể được chia thành 3 giai đoạn chuyển hóa liên tiếp của linh hồn. Giai đoạn thứ nhất là lạc đà, giai đoạn thứ hai là sư tử và giai đoạn thứ ba là đứa trẻ. Con người phải băng qua sa mạc như lạc đà với hành trình là nhiều nỗi khổ đau và các cảm xúc khác đan xen. Tiếp đó, sư tử được coi là một phản ứng, một sự nổi loạn, là khi ta nhận thức về nghĩa vụ chủ yếu của mình đối với tính sáng tạo bên trong, đối với tiềm năng sâu thẳm nhất của mình. Khi nỗi sợ lạc đà hoàn toàn biến mất, tiếng gầm của sư tử dừng lại, lúc ấy khúc hát tuổi thơ mới cất tiếng. Đúng là lạc đà có ký ức, sư tử có kiến thức và đứa trẻ có sự thông thái.
Hành trình ấy đã có sự khai mở khai tâm, từ sự nỗ lực đến tự nhận thức, đích cuối là thấu hiểu bản thân trong sự hòa đồng với vạn vật đến độ hồn nhiên vô tư nhất.
Tác giả đã kết luận rằng: Hiểu (understand) là một từ đẹp. Khi bạn thiền, mọi thứ đứng dưới (stands under) bạn, bạn đứng xa ở phía trên nó. Đó là ý nghĩa của từ hiểu. Mọi thứ ở đó, bên dưới bạn để bạn có thể nhìn thấy... bạn có tầm nhìn từ trên xuống. Bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh từ độ cao của mình.
Rất nhiều bài báo đã khẳng định: Osho là một bậc đạo sư không khuôn thước. Hay nói đúng hơn, ông kế thừa những tư tưởng tinh hoa của rất nhiều người đi trước và đến chính ông, ông khai mở và cổ vũ cho một lối sống thuận tự nhiên, tìm về bên trong, thấu hiểu chính bản thân mình để hòa đồng cùng tạo vật. Chính ông đã nói: những tư tưởng của các triết nhân, thánh nhân đi trước đã góp phần dọn sạch cỏ của cánh đồng tâm trí, phần còn lại mỗi người nên tự gieo hạt để vun trồng cho mình những vườn hoa phù hợp với bản thân nhất. Cuộc sống rất đơn giản khi bạn hiểu. Nếu bạn hiểu bạn có thể bỏ hết mọi sự kiểm soát, bạn có thể được tự do bởi vì dù làm gì, bạn sẽ làm bằng sự hiểu biết. Đúng là chỉ đơn giản hiểu bản thân, hiểu thế giới này, hiểu cuộc sống, khi đó dù đang ở đâu, bạn cũng luôn cảm thấy mình đã về đến nhà. Tư tưởng ấy đã khiến Osho được coi là một trong những người kiến tạo của thế kỷ XX.
Những lời lẽ trong cuốn “Hiểu - đường đến tự do”, có thể với nhiều người khi đang mắc kẹt ở trạng thái lạc đà nhọc nhằn hoặc sư tử đang khám phá thì còn đôi chỗ mơ hồ khó hiểu.
Nhưng Osho liên tục khẳng định: cuộc sống chứa đựng cả hai, nó mang lại nhiều nỗi đau tột cùng và nó cũng mang lại nhiều niềm vui đỉnh điểm. Nỗi đau và niềm vui là hai mặt của một đồng xu. Nếu loại bỏ mặt này, bạn cũng phải loại bỏ mặt kia. Có một hiểu lầm đã tồn tại suốt bao đời nay đó là ý nghĩ bạn có thể loại bỏ đau đớn và giữ lại niềm vui, bạn có thể né tránh địa ngục và chọn thiên đường, bạn có thể loại bỏ những thứ tiêu cực và chỉ giữ lại những điều tích cực.
Osho là bậc đạo sư gây tranh cãi bậc nhất, đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất, luôn khuyến cáo con người: mặt tiêu cực và tích cực ở cùng nhau, một cách tất yếu, không thể tách rời. Chúng là hai khía cạnh của cùng một năng lượng. Chúng ta phải chấp nhận cả hai. Hãy ôm trọn tất cả, hãy là tất cả. Hãy tận hưởng tất cả, hãy tiếp tục làm phong phú cuộc sống của bạn. Hãy nhìn sâu vào nỗi buồn bằng tình yêu thương, sự quan tâm... hãy là người chủ nhà đích thực.
Hãy hình dung, nếu cuộc sống này có một ly nước uống mang tên là cuộc sống. Vậy cách ứng xử của bạn thế nào, thứ nhất có thể có người nhắm mắt từ chối, cũng có người nhấp từng ngụm nhỏ, song cũng có người uống cạn ly nước và nhảy múa. Ngẫm đến cùng, hãy trải nghiệm tất cả những gì có thể xảy ra ở các chiều kích không gian và thời gian. Đó mới là sống thực sự.
Khi tâm trí biết chúng ta gọi đó là kiến thức, khi trái tim biết chúng ta gọi đó là tình yêu và khi bản thể biết chúng ta gọi đó là thiền.
Dành khá nhiều dung lượng khi nói về tôn giáo, tác giả Osho khá tinh tường khi nhận định: một tôn giáo chân chính sẽ khiêm nhường thừa nhận mình chỉ biết một vài điều, còn nhiều điều mình chưa biết và có điều gì vĩnh viễn không thể nào biết được.
Điều gì đó chính là mục tiêu của cả hành trình tìm kiếm tâm linh. Bạn không thể biến nó thành kiến thức, nhưng bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm nó.
Tôi chưa đủ tự tin để dẫn dắt rằng điều gì bạn nên theo hoặc chưa nên theo khi tiếp nhận tác phẩm này. Song có một điều chắc chắn, khi trải nghiệm cuốn sách này, mỗi người dù đã hiểu hay chưa hiểu - dù đang ở chặng nào của hành trình đến với tự do khai phóng, các bạn sẽ nhận ra mình đang ở trạng thái nào: là sư tử chăng, hay còn đang lạc đà; hoặc may mắn đã đến độ trẻ thơ?
Nguyễn Hường (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:07:00
Vinh danh 19 đơn vị, tổ chức đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
-
2024-12-03 14:18:00
“Tâm lý dân tộc An Nam” - Một góc nhìn khác trong nỗ lực tìm hiểu về Việt Nam
-
2024-10-05 08:54:00
Từ “Họa xà thiêm túc”, đến “Như hổ thiêm dực”
Ðể di tích đồng hành với phát triển du lịch
Về thăm những di tích quốc gia đặc biệt
Triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đến với học sinh
Xu hướng mới của giới trẻ mang lại thách thức cho ngành du lịch Việt Nam
Nhiều hoạt động du lịch, văn hóa chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
Trao giải cuộc thi sáng tác kịch bản phim kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng
Nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa biển đảo cùng đồng bào các dân tộc
Việt Nam đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism
Nguyễn Hoàng - Người mở cõi