Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát xóa đói, giảm nghèo
Bằng nguồn lực hỗ trợ khác nhau, huyện Mường Lát đã triển khai nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân xã Tam Chung phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế.
Xác định nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi vậy Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Lát đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương.
Gia đình chị Sung Thị Lâu ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi là người được thụ hưởng Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2017-2020. Theo đó, chị Lâu được hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng; được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò sinh sản, cách chăm sóc, phòng chống, xử lý dịch bệnh; kỹ thuật trồng, chế biến thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật xây dựng chuồng trại... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã cũng thường xuyên tuyên truyền, giúp người chăn nuôi tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho bò.
Cùng với mô hình nuôi bò sinh sản, chị Lâu được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để phát triển mô hình đồi rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả như cam, bưởi, lúa lai cho năng suất cao... Đến nay, gia đình chị đã phát triển đàn bò lên 12 con, 300 con gà, 1ha mía, 1ha xoan, 6 sào lúa... trừ chi phí thu lãi khoảng 120 triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình anh Thao Văn Tông ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Thế nhưng, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đã vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua một cặp bò và một con lợn giống để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách thức lựa chọn giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh cho vật nuôi... nên đàn bò của gia đình anh phát triển tốt. Hiện tại, anh đang nuôi 5 con bò thịt và 2 bò giống, nhờ đó điều kiện kinh tế đã dần ổn định, năm 2022 gia đình anh đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, ngoài việc lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 để tạo sinh kế cho người dân, huyện Mường Lát còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình nuôi vịt siêu đẻ, nuôi ếch thương phẩm ở xã Mường Chanh; chăn nuôi bò sinh sản giống bản địa bằng hình thức “ngân hàng bò”; mô hình trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả, với diện tích trên 100ha; mô hình trồng dưa hấu tại xã Quang Chiểu cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha... Ngoài ra, một số mô hình được huyện Mường Lát xác định phát triển thành cây trồng chủ lực, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP như: lúa nếp Cay Nọi, cây lát, trẩu, thông, đào, mận, chuối, măng tre bát độ...
Thông qua các mô hình đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Đó là gia đình anh Vi Văn Đợi ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát với mô hình trồng sắn cao sản, chăn nuôi bò thịt; mô hình nuôi con đặc sản của gia đình chị Lò Thị Quyến ở khu 2, thị trấn Mường Lát...
Qua báo cáo của UBND huyện Mường Lát được biết, từ năm 2016 đến nay huyện đã triển khai thực hiện được khoảng 100 dự án, mô hình phát triển sản xuất, gồm các dự án chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp... Đối với dự án chăn nuôi, đã hỗ trợ khoảng 2.400 con giống sinh sản là trâu, bò, lợn, dê. Đối với dự án trồng trọt, đã hỗ trợ khoảng 3.654 cây giống cam Vinh lòng vàng, 22.596 cây giống đào lai, 2.200 cây giống su su lấy ngọn, 8.000 cây giống táo mèo, 42.500 cây giống khoai sọ, 720 cây giống vải thiều, 5.425 cây giống mận hậu, 15.048 cây giống vầu đắng, 43 tấn phân bón các loại...
Cũng thông qua các dự án, đã có 2.500 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn khoảng 39% (giảm 16,8% so với năm 2021); thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm.
Theo Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca, trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế để góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương, điều quan trọng nhất là phải làm thay đổi tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong một bộ phận người dân. Cùng với đó là khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp Nhân dân, nhất là với hộ nghèo, để nhận thức được công cuộc xóa đói, giảm nghèo là xây dựng cuộc sống cho chính mình.
Đối với cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần thay đổi tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo; không hô hào khẩu hiệu mang tính hình thức, mà phải xắn tay cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động và thực thi những chương trình thiết thực, hiệu quả; trực tiếp cầm tay chỉ việc, giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
Bài và ảnh: Xuân Minh
{name} - {time}
-
2025-04-02 07:00:00
Bản tin Tài chính 2/4: Giá vàng lập đỉnh rồi quay đầu, nhà đầu tư nên mua hay bán?
-
2025-04-02 06:30:00
Dự báo thời tiết 2/4: Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ ấm lên
-
2024-12-10 07:00:00
Bản tin Tài chính (10/12): Giá vàng biến động bất ngờ
[REVIEW OCOP] Tấn Lộc Tài: Tinh hoa dao rèn Tiến Lộc
Vietnam Airlines tăng cường đội bay để phục vụ cao điểm Tết Ất Tỵ 2025
Tài sản trí tuệ - nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế
Diện mạo mới ở Thạch An
Sức vươn ở Piềng Tặt
Bản tin Tài chính 9/12: Giá vàng chốt tuần giảm mạnh, lỗ đậm
Dự báo thời tiết 9/12: Bắc bộ, Trung bộ vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh
Từ những hối hận muộn màng
Tín hiệu tích cực từ những mô hình “con nuôi mới, cây trồng mới” ở huyện vùng biên