“Cô giáo có gọi điện để ra lấy sách giáo khoa nhà trường cho mượn nhưng mấy hôm nay mưa quá, tôi chưa đi được. Năm học trước, con trai tôi cũng mượn sách của nhà trường, cô giáo cũng hỗ trợ bút, vở…”, anh Phạm Bá Kết, 31 tuổi, ở bản Chiềng, xã Trung Sơn (Quan Hóa) chia sẻ về câu chuyện của năm học mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học sinh nghèo và năm học mới

“Cô giáo có gọi điện để ra lấy sách giáo khoa nhà trường cho mượn nhưng mấy hôm nay mưa quá, tôi chưa đi được. Năm học trước, con trai tôi cũng mượn sách của nhà trường, cô giáo cũng hỗ trợ bút, vở…”, anh Phạm Bá Kết, 31 tuổi, ở bản Chiềng, xã Trung Sơn (Quan Hóa) chia sẻ về câu chuyện của năm học mới.

Học sinh nghèo và năm học mớiEm Phạm Minh Khuê ra vườn hái rau cùng bà nội. Ảnh: Vi An

Khi cô giáo bỏ tiền mua đồ dùng học tập cho học sinh

Năm học mới, bao giờ cha mẹ cũng muốn mang lại cho con nhiều cái mới và bản thân con của họ cũng rất hào hứng khi nghĩ đến điều này, là quần áo mới, sách giáo khoa mới… Đấy là tâm lý chung. Nhưng với những gia đình nghèo, đôi khi nhu cầu này lại khó đáp ứng.

Như chia sẻ của anh Phạm Bá Kết đã đề cập ở trên. Hai vợ chồng anh đã ly hôn nhiều năm. Phạm Minh Khuê, 7 tuổi là con trai duy nhất của 2 vợ chồng. Hiện cháu sống cùng bố và ông bà nội. Cuộc sống của gia đình trông nhờ vào vài sào ruộng và thu nhập ít ỏi từ chặt luồng thuê của anh Kết. “Mấy hôm nay mưa, không chặt luồng được. Luồng đang rẻ nên công thuê chặt cũng thấp. Bình quân cả tháng được khoảng 2 triệu thôi. Năm học mới, chưa chuẩn bị được gì cho con cả. Quần áo cũ thôi còn sách thì nhà trường cho mượn rồi”, anh Kết cho biết.

Năm học trước, ở lớp 1A, Trường Tiểu học (TH) Trung Sơn, nơi cháu Khuê con anh Kết theo học có 12/29 học sinh nghèo. Phần lớn, học sinh nghèo có bố mẹ li hôn hoặc đi làm ăn xa, để con cái lại cho ông bà nuôi. Theo chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Sen, những học sinh nghèo trong lớp không chỉ hạn chế về việc học mà đồ dùng cần thiết cho học tập, các em cũng không có. Cô giáo Sen kể lại: “Các em ít được quan tâm, chăm sóc nên vào năm học, thường thiếu rất nhiều đồ dùng học tập. Bảng, vở, bút không có, cô giáo lại huy động các phụ huynh trong lớp hoặc chính cô giáo bỏ tiền ra mua cho học sinh. Về sách giáo khoa, nhà trường cho mượn nhưng số lượng cũng không nhiều. Hoặc phụ huynh đăng ký mua sách còn cô giáo cho mượn tiền, rồi cũng có gia đình không trả được tiền cho cô vì nghèo quá. Thực tế, ở đây chẳng bao giờ hết chuyện để kể…”.

Năm học 2023-2024 này, em Lộc Thị Hà Phương ở bản Táo, xã Trung Lý (Mường Lát) đã được bác ruột mua cho một bộ sách giáo khoa mới lớp 7. Nhà Phương thuộc hộ nghèo ở xã Trung Lý. Bố mất, mẹ đi làm ăn xa, nhà chỉ còn Phương và người anh trai. Lộc Thị Hà Phương cho biết: “So với nhiều bạn nghèo khác, em thấy mình vẫn còn may mắn. Bác dẫn em đi mua sách, vở. Đồ dùng học tập cho năm học này, em không còn thiếu gì”.

Năm nay, lớp 7C, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) - THCS Trung Lý nơi Lộc Thị Hà Phương theo học có 44 học sinh. Trong đó, gần 90% là học sinh nghèo. Thầy giáo chủ nhiệm Vi Văn Thạch trải lòng: “Học sinh còn thiếu thốn nhiều. Việc học của các em, gia đình trông chờ chủ yếu chế độ hỗ trợ của Nghị định 81 và Nghị định 116”.

Cũng như cô giáo Phạm Thị Sen ở Trường TH Trung Sơn (Quan Hóa), vào năm học mới, thầy giáo Vi Văn Thạch cũng thường bỏ tiền để mua sách giáo khoa cho một số học sinh nghèo trong lớp. Khi nào chi trả tiền chế độ, phụ huynh mới mang gửi lại được cho thầy.

Tấm lòng cộng đồng

Năm học mới, bộn bề nỗi lo, không chỉ từ phía nhà trường mà còn ở phụ huynh và học sinh. Hộ nghèo có nỗi lo riêng, lo nhất là sự thiếu thốn về vật chất, không thể bảo đảm cho việc học của con em mình. Nhưng trong khó khăn, mừng là vẫn tìm thấy sự ấm áp của những tấm lòng.

Học sinh nghèo và năm học mớiEm Lộc Thị Hà Phương được bác ruột mua tặng bộ sách giáo khoa cho năm học mới. (Ảnh gia đình nhân vật cung cấp)

Đã có rất nhiều câu chuyện hay, tấm lòng đẹp đến với học sinh nghèo trong năm học mới. Gần đây nhất, những ngày cuối tháng 8 này, một số trường TH ở TP Thanh Hóa là: Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Minh Khai 1, Đông Thọ và Trường Mầm non Trường Thi B đã gửi gắm tình cảm đến một số trường học ở 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát. Trong đó, có Trường TH Trung Sơn (Quan Hóa) và Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát) đã đề cập ở trên. Món quà mà các trường gửi tặng là gần 4.000 cuốn sách giáo khoa và hàng chục bộ đồ dùng học tập lớp 1, 2 và 3, 300 cuốn vở viết. Ngoài ra còn có hàng chục chiếc quạt trần và gần 100 chiếc chăn bông.

Nghĩa cử này càng thêm ấm lòng với học sinh khó vùng cao. Hiệu trưởng Trường TH Trung Sơn (Quan Hóa), thầy giáo Hắc Xuân Phúc phấn chấn: “Để có được bộ sách giáo khoa cho năm học mới là cả vấn đề với nhiều gia đình. Món quà ý nghĩa này, giáo viên, phụ huynh, học sinh rất xúc động. Do trên này, mấy hôm nay trời mưa nên chúng tôi chưa phát được sách, vở cho các em”. Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát), thầy giáo Nguyễn Duy Thủy cho biết: “Năm học này nhà trường có hơn 500 học sinh thì trong đó hơn 300 học sinh nghèo. Cuộc sống của các em còn rất nhiều khó khăn. Những chiếc chăn bông mà nhà trường được tặng, chúng tôi sẽ lựa chọn học sinh và lên kế hoạch gửi đến các em vào mùa đông năm nay”.

Năm học mới với học sinh nghèo, vẫn biết sẽ còn nhiều trăn trở, lo lắng nhưng từ tình cảm, tấm lòng của cộng đồng sẽ vơi bớt sự khó. Hạnh phúc là được cho đi. Hạnh phúc của học sinh nghèo là tiếp tục được cắp sách đến trường.

Năm học mới, hy vọng sẽ có thêm rất nhiều niềm vui mới...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]