(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay Đảng ta vẫn lấy tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ở hai bài viết trước chúng tôi đã nêu vấn đề về học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Ở bài viết này chúng tôi đi vào nội dung học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả mà Bác đã dành trọn đời mình để cống hiến đều nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân với mục tiêu cao cả độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh

(VH&ĐS) Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay Đảng ta vẫn lấy tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ở hai bài viết trước chúng tôi đã nêu vấn đề về học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Ở bài viết này chúng tôi đi vào nội dung học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả mà Bác đã dành trọn đời mình để cống hiến đều nhằm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân với mục tiêu cao cả độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động ứng xử hằng ngày. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn. Phong cách ấy được rèn luyện, hun đúc từ lúc Bác lên đường ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, Người đã nghiên cứu chủ nghĩa Lê nin và khẳng định: “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản (CNCS) mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” (Hồ Chí Minh: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê nin” Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, t8, tr701). Từ thực tiễn cách mạng ở các nước và thực tế ở Việt Nam, Bác đã bổ sung luận điểm mới về cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa là độc lập dân tộc và CNXH. Chính tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo đó của Người đã giúp Đảng ta lãnh đạo cách mạng thành công từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự bổ sung, sáng tạo này đã trở thành chân lý của thời đại. Để làm cách mạng đòi hỏi những người cộng sản phải được trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận cách mạng. Song, lý luận đó phải được đúc kết từ thực tiễn vô cùng sinh động, phong phú. Ngay từ năm 1927 trong cuốn “Đường cách mệnh” Bác đã khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động, chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”, Người cũng chỉ rõ: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Phong cách làm việc của Bác luôn thể hiện sự dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn. Bác kêu gọi mọi người dân Việt Nam cùng chung sức đồng lòng với công việc của đất nước: “Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dẫu phải hy sinh tính mệnh cũng không hề” (Kính cáo đồng bào, 6/6/1941. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr 148-149).

Để tạo thành sức mạnh tổng lực của mọi tầng lớp nhân dân Bác đã kêu gọi cần phải nhanh chóng thành lập các tổ chức hội cứu quốc “Nông dân phải vào “Nông dân cứu quốc hội”. Trẻ con vào “Nhi đồng cứu quốc hội”. Công nhân vào “Công nhân cứu quốc hội”. Binh lính vào “Binh lính cứu quốc hội”. Các bậc phú hào, văn sỹ vào “Việt Nam cứu quốc hội. Những hội ấy do Việt Nam độc lập đồng minh lãnh đạo. Người có tiền giúp tiền, kẻ có sức giúp sức. Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Hỡi đồng bào! Cơ hội giải phóng đến rồi, mau mau đoàn kết lại” (Thế giới đại chiến và phận sự dân ta 21/12/1941. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr 161).

Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trước quốc dân đồng bào Người đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Để làm việc có hiệu quả đòi hỏi phong cách làm việc phải khoa học. Bác thường nói “Sau khi có đường lối phải đặt kế hoạch thật tốt... nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần (Hồ Chí Minh, tuyển tập, tập 10, tr 15). Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao cả của Người là sự hội tụ, kết tinh của sự ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người, nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.

Với Nam Bộ và nhân dân miền Nam luôn là nỗi niềm đau đáu trong trái tim nhân hậu của Bác: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, “ Miền Nam Việt Nam sẽ được thống nhất. Bác thường nhắc: Nói và viết cho ai? Để làm gì? Các chú hay viết dài, lại hay dùng chữ khó hiểu. Loại trừ cái phải viết dài Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 Bác đã thể hiện rõ quyết tâm bằng những lời lẽ rất súc tích: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong thư chúc tết Việt kiều ở Lào, Xiêm, 1/1/1946 Bác viết: “Đoàn kết chặt chẽ thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi”.

Chính quyền cách mạng mà Bác và Đảng ta xây dựng là chính quyền của dân, do dân, vì dân bởi vậy mọi việc làm của Đảng, Chính phủ trước hết hãy vì lợi ích, quyền lợi của người dân. Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng 17/10/1945 Bác viết: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, 23/10/1946 Bác đã thể hiện tấm lòng, tình cảm của mình với nước, với dân, với những người đã hy sinh vì sự nghiệp cứu quốc: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các liệt sỹ và xin lỗi những đồng bào đương khổ sở hy sinh. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận, tháng 8/1962 Người nói: “Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân; tổ chức, giáo dục, động viên nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Chúng ta phải thật sự dân chủ với nhân dân và chuyên chính với bọn phản cách mạng, bọn phá hoại lợi ích của nhân dân”.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân của Bác hầu như Người chẳng bao giờ nghĩ đến lợi ích riêng của bản thân mình. Người là biểu tượng của phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị, phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương. Những ngày sống và làm việc ở hang Pắc Bó (Cao Bằng) phải chịu bao khó khăn vất vả nhưng Người vẫn miệt mài làm việc ”...Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Người vẫn theo sát diễn biến của từng chiến dịch, động viên, khen thưởng, phê bình nhắc nhở kịp thời cán bộ, chiến sỹ trong các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải coi trọng của công, chống tham ô. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, 24/7/1963 Người nói: “Của công của nhà nước và của tập thể là “bất khả xâm phạm”, tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta”.

Người cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch.

Ở Hồ Chí Minh luôn toát lên phong cách ung dung tự tại, chân thật và không giả tạo. Người rất nhanh nhẹn và hoạt bát, luôn giữ nếp sống kiệm cần, ngăn nắp, gọn gàng. Người thường xuyên luyện tập thể dục tự trồng cây, chăm bón hoa trong những lúc giải lao. Phong cách đó còn thể hiện ở việc Người không ngừng chăm lo việc đào tạo con người từ tuổi mầm non, vun đắp những cái hay, cái đẹp của mỗi con người, biểu dương những anh hùng, chiến sỹ thi đua, nêu gương những người chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, những người tốt, việc tốt trong các phong trào cách mạng của quần chúng. Trong công tác xây dựng Đảng, Bác thường xuyên nhắc nhở phải đề cao tính tiền phong gương mẫu, tự phê bình và phê bình. Năm 1947 Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” và nêu cụ thể: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểmtự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Hiện nay khi nước ta hội nhập sâu vào khu vực và thế giới thì bên cạnh việc tiếp thu thành tựu của khoa học công nghệ, tinh hoa văn hóa nhân loại thì nhiều luồng tư tưởng độc hại, trái thuần phong mỹ tục cũng thâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường. Các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch đã làm tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngay cả ở một số cán bộ cấp cao. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã làm giảm lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước. Đại hội XII của Đảng đã thành công tốt đẹp chọn lựa được những cán bộ đủ đức, đủ tài đảm đương trách nhiệm ở các bộ, ngành, địa phương. Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và mới đây là Nghị quyết TƯ4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, với sự quyết tâm nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhất định chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]