(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuất phát một phần từ nguyên nhân do nhu cầu đất ở tại các huyện miền núi không ngừng tăng, thêm vào đó là sự quản lý thiếu chặt chẽ từ chính quyền địa phương dẫn tới không ít trường hợp người dân cố tình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp. Hệ lụy kéo dài khiến cho việc xử lý những công trình sai phạm càng trở nên khó khăn hơn.

Huyện miền núi gặp khó trong xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Xuất phát một phần từ nguyên nhân do nhu cầu đất ở tại các huyện miền núi không ngừng tăng, thêm vào đó là sự quản lý thiếu chặt chẽ từ chính quyền địa phương dẫn tới không ít trường hợp người dân cố tình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp. Hệ lụy kéo dài khiến cho việc xử lý những công trình sai phạm càng trở nên khó khăn hơn.

Huyện miền núi gặp khó trong xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệpNhóm hộ ở thị trấn Mường Lát.

Thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp không chỉ là vấn đề nan giải đối với các huyện miền xuôi, mà tình trạng trên cũng diễn biến phức tạp tại các huyện miền núi. Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp là do lịch sử để lại. Các hộ dân trong quá trình canh tác nông nghiệp đã tận dụng một phần đất trống để làm lán, trại, chòi trông coi sản xuất. Từ một vài hộ, theo thời gian hình thành nên nhóm hộ sinh sống bất hợp pháp trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số hộ dân phải di cư chỗ ở do ảnh hưởng của thiên tai (chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo) tự vay mượn, xoay sở để cải tạo đất nông nghiệp thành đất ở, xây dựng nhà cửa và trở thành nơi ở duy nhất của các gia đình nên chính quyền cơ sở rất khó xử lý.

Đơn cử, tại huyện miền núi Quan Sơn, qua rà soát có cả trăm trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, hầu hết những vi phạm trên đều phát sinh từ nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân một phần do sự quản lý thiếu sát sao của các địa phương khi không kịp thời ngăn chặn sự việc từ ban đầu dẫn tới những khó khăn trong xử lý về sau. Trường hợp gia đình bà Lục Thị M. (xã Sơn Điện) là một ví dụ. Sau khi anh con cả lập gia đình, do hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất ở, gia đình bà M. đã tận dụng thửa đất nông nghiệp bỏ hoang lâu nay gần đường liên xã để cất dựng một ngôi nhà vừa để lấy chỗ ở cho con, vừa bán hàng hóa.

Khi căn nhà được cất dựng hoàn tất, nhiều lần chính quyền địa phương về lập biên bản, vận động gia đình tháo dỡ. Tuy nhiên, việc tháo dỡ ngôi nhà khôi phục hiện trạng ban đầu là rất khó khăn. Cương quyết cưỡng chế sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và đẩy hộ gia đình nghèo lâm cảnh không nhà. Để giải quyết vấn đề theo đúng quy định, đồng thời cũng mang nhân văn, chính quyền xã nay đang lên phương án vừa tuyên truyền, vận động hộ dân tìm nơi ở mới, kèm theo hỗ trợ nhân lực để di dời.

Không chỉ riêng trường hợp gia đình bà M., tại địa phương này đang tồn tại cả chục trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Đa phần các hộ dân đều có hoàn cảnh khó khăn do thiếu đất ở, sau khi con cái lập gia đình, tách hộ, dù biết là sai quy định nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Ông Vi Văn Nhớ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Sơn, cho biết: Đợt rà soát gần đây nhất mà phòng thực hiện cho thấy, toàn huyện có 443 trường hợp xây dựng các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp. Đa số những vi phạm kéo dài từ nhiều năm về trước, nguyên nhân một phần do nhận thức của người dân còn hạn chế; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cũng như sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền các địa phương là những nguyên nhân chủ yếu.

Tương tự, tại huyện Mường Lát, thống kê gần đây cho thấy, toàn huyện có tới 1.145 hộ vi phạm xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó, số hộ xây dựng trái phép trước ngày 1-7-2004 là 37 hộ, xây dựng trước ngày 1-7-2014 là 354 hộ, xây dựng sau ngày 1-7-2014 là 752 hộ. Tổng diện tích vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là 151.640m2.

Ông Hà Văn Tế, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát cho rằng, hầu hết các hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện thuộc mấy nhóm đối tượng như: Hộ có nhu cầu thiết yếu tách hộ cho con cái; các hộ thuộc đối tượng di dời của Dự án Thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa); nhóm hộ di dời do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hoặc nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở...

Cũng theo ông Tế, để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Cụ thể, tại Điều 7, Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 8-10-2021 của UBND tỉnh đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã: “Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động xây dựng trên đất không được phép xây dựng trong phạm vi quản lý. Khi phát hiện vi phạm, kịp thời chỉ đạo cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng thông báo, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm đó theo quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn đối với các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, không để vi phạm tiếp diễn sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền”.

Thực tế, công tác quản lý đất đai, xây dựng tại cơ sở còn yếu, thậm chí có tình trạng buông lỏng, thiếu quyết liệt trong xử lý những vi phạm. Khi phát hiện sai phạm thì chưa xử lý kịp thời, triệt để nên hầu hết các trường hợp khi được phát hiện thì đã xây dựng công trình kiên cố gây khó khăn trong việc khắc phục, xử lý. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến luật cũng như những chính sách có liên quan đến đất đai và các lĩnh vực tài nguyên và môi trường đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn chưa thực sự sinh động, đi vào chiều sâu.

Nhằm hạn chế việc chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích trên đất nông nghiệp, UBND huyện Mường Lát xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương và cán bộ phụ trách khi để vi phạm tái diễn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý...

“Hiện UBND huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, phân loại, đối chiếu với quy định của pháp luật, đề xuất hướng xử lý kịp thời đối với từng nhóm trường hợp cụ thể. Đối với các hộ xây dựng nhà tại các vị trí đã quy hoạch đất ở, hoặc đang kiến nghị bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở cho các hộ gia đình” - ông Tế cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.000 vụ vi phạm trật tự xây dựng các công trình nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại... trái phép trên đất nông nghiệp. Đáng nói, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp rất phức tạp, diễn ra qua nhiều thời kỳ, khó xử lý một cách triệt để trong thời gian ngắn.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]