Kẻ chiếc vạch trong đầu
Thành phố Thanh Hóa đang lập lại trật tự, an toàn giao thông bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường. Sự thay đổi ít nhiều làm thay đổi hạ tầng giao thông, cảnh quan. Tuy nhiên, từ góc nhìn ý thức, thì vẫn chưa có nhiều sự chuyển biến.
Phải thừa nhận là còn một số biển báo, vạch kẻ khá mới so với người tham gia giao thông ở TP Thanh Hóa. Các đây hơn 1 tháng, tại một số ngã tư xuất hiện những “vạch mắt võng” màu vàng kèm tín hiệu đèn cho phép rẽ phải. Những vạch kẻ này khá phổ biến ở nhiều đô thị lớn. Theo quy định, phương tiện muốn rẽ phải theo hướng chỉ đường phải đi vào khu vực “vạch mắt võng”, mọi phương tiện dừng tại khu vực này sẽ bị phạt. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng phổ biến, tuyên truyền vẫn còn rất nhiều người không chấp hành.
Cách đây ít hôm, tại ngã tư đại lộ Lê Lợi giao với đường Trần Phú, chứng kiến một xe ô tô muốn rẽ phải nhưng bị nhiều xe máy đứng chắn đầu xe. Trong khi lái xe hối thúc bằng còi, thì một số người điều khiển xe máy quay lại chửi đổng. Tôi hạ kính xe giải thích để họ nhường đường, thì lập tức bị ném lại bằng những ánh mắt khó chịu. Một người còn gằn giọng, nói: “Vẽ chuyện. Việc của ông à”. Tôi cũng bất lực như người lái xe đang dừng xe trong “vạch mắt võng” kia. Chỉ chừng 20 giây đèn đỏ còn lại nhưng có cảm giác rất dài.
Những chiếc vạch và biển báo trên đường là hiện thân quy định của pháp luật. Tôi nhớ có lần khu phố nơi tôi ở được cắm biển báo cấm đậu xe ô tô vào một số khung giờ, nhưng vẫn có nhiều người không chấp hành, trong đó có một số người trong phố. Bác trưởng phố sau đó đã họp phố nói rằng, biển báo được cắm bên đường cũng giống như người cảnh sát giao thông đứng ở đó. Nếu các chú tôn trọng công an thì cũng tôn trọng thông báo từ biển báo. Cách nói của bác trưởng phố có phần hài hước, nhưng đúng vấn đề. Tôi luôn cho rằng không phải lúc nào cũng có đủ lực lượng chấp pháp để thực thi pháp luật một cách đầy đủ và nghiêm minh.
Có một bộ phim tài liệu của Nhật Bản với cảnh quay thực địa giao thông ở một con đường thuộc khu vực trường học, dù trong đêm trường học không còn hoạt động, nhưng lái xe đi qua khu vực này đều chấp hành biển báo giảm tốc độ. Từ khi xem phim tôi luôn cho rằng ý thức chính là sức mạnh để thực thi hiệu quả các vấn đề pháp luật và xã hội. Nước Nhật phát triển là bởi kỷ cương nghiêm minh, mọi người bình đẳng và tôn trọng pháp luật.
Trở lại với chiếc vạch trên đường phố ở TP Thanh Hóa, cách đây ít năm nhiều vạch sơn được cơ quan chức năng kẻ trên hè phố nhằm phân cách khu vực được để ô tô, xe máy, kinh doanh di động và khu vực dành cho người đi bộ. Thế nhưng chỉ thời gian ngắn sau người dân đã ngang nhiên vi phạm. Chiếc vạch mờ đi trên đường, ý thức chấp hành cũng mờ dần trong đầu đối tượng mà nó áp dụng.
Lần hiện đại hóa hệ thống thông tin giao thông này, lực lượng chức năng của thành phố cho biết sẽ tuyên truyền để người dân biết, sau đó xử lý nghiêm những người vi phạm. Mong rằng cùng với việc kẻ ra những chiếc vạch trên đường, thì công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành phải được thực hiện thường xuyên để “kẻ” được chiếc vạch ý thức trong đầu của người tham gia giao thông, giúp cho những vạch kẻ trên đường không còn bị phớt lờ nữa.
Hạnh Nhiên
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-03-28 16:26:00
Thêm 6 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hoằng Phụ được nhận đỡ đầu
Cảnh báo hiện tượng giả danh công an hướng dẫn cài app VNeID
“Thị trường” livestream bùng nổ: Người tiêu dùng được hay mất
Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Việt Nam đề xuất về Ngày Quốc tế Vui chơi
Triển vọng từ mô hình trồng cỏ nhung nhật
Du lịch nghỉ lễ 30/4: Tour đường bộ và các sản phẩm combo lên ngôi
Thủ lĩnh đoàn năng động, nhiệt huyết
Lan tỏa hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ vùng biên
Sớm bổ sung hạng mục phòng cháy, chữa cháy cho công trình trường học
Ước mơ về cây cầu kiên cố