(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiến tranh. Không chỉ là câu chuyện của hôm qua. Giữa thời bình, vẫn còn nguyên ký ức thời chiến - những năm tháng khốc liệt, hào hùng.

Kể chuyện sau ngày 30/4/1975: Người ở lại...

Chiến tranh. Không chỉ là câu chuyện của hôm qua. Giữa thời bình, vẫn còn nguyên ký ức thời chiến - những năm tháng khốc liệt, hào hùng.

Kể chuyện sau ngày 30/4/1975: Người ở lại...

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Loan.

“Đã đi là quyết không được đào ngũ”

Câu nói này vẫn theo ông Nguyễn Văn Loan, ở phố Trung, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho đến hôm nay. Đấy là chuyện của cách đây 55 năm, vào năm 1970, khi ông 20 tuổi. “20 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, lòng vui phơi phới. Gia đình có mình tôi là con trai. Mẹ mất sớm. Khi biết tôi nóng lòng muốn đi bộ đội, bố dặn: “Con đi thì cứ đi nhưng đã đi là quyết không được đào ngũ. Nhục lắm”. Câu nói của bố đã giúp tôi thêm vững bước trên đường hành quân, trong mỗi chiến dịch. Đã đi là không nghĩ đến chuyện sống, chết”, ông Loan nhớ lại.

Là lính trinh sát của Đại đội 20, Sư đoàn 304, ông Loan từng được tham gia nhiều chiến dịch lớn. Với ông, câu chuyện về người lính trinh sát trong thời chiến mà cái khó, cái khổ cũng rất đặc biệt. Theo chia sẻ của ông Loan, thì: “Nhiệm vụ của lính trinh sát là chuẩn bị chiến trường và hoạt động trong lòng địch. Trong lòng địch để nắm tình hình địch, tư tưởng địch, sau đó báo về sư đoàn và chỉ được rút khi có lệnh. Vào lòng địch, chỉ có một bộ áo trong, 1 bộ áo dài, 2 băng đạn, lựu đạn 2 quả... Đã vào lòng địch thì xác định là chết, cũng khó lấy được xác vì vào sâu 10km trong lòng địch thì làm sao mà xác lấy được. Trừ trường hợp, nếu phán đoán được hiện tượng thì phải xử lý nhanh thì may mới còn tồn tại. Vậy mà tôi, nhiều lần đi không chết, chỉ bị thương”.

Cuối 1974, đầu năm 1975, Tiểu đội 1 của ông Nguyễn Văn Loan được lệnh vào Đà Nẵng, lập đài quan sát theo dõi tình hình. Sau đó, ông cùng đồng đội đi vào lòng địch ở Ái Nghĩa cùng với dân quân du kích nắm tình hình địch ở Hòa Cầm và sân bay Đà Nẵng. Thời gian ở đây, đội của ông Loan bị phát hiện và địch đã cho 1 đại đội đi càn. Ông kể: "Chúng tôi cho dân quân du kích cài mìn xung quanh. Địch do sợ mìn nổ vì biết được khu này là của dân quân du kích nên chúng quay đầu. Sau 10 ngày thì chúng tôi có lệnh rút. Ra đến căn cứ 1062, lúc đi qua đoạn đầm lầy thì có 1 đồng chí đánh rơi khẩu súng. Theo quy định, nếu ai làm mất súng mà không tìm được thì xem như không hoàn thành nhiệm vụ. Anh em buộc phải mò tìm thì địch phát hiện sóng nước nên đã bắn pháo khiến 2 đồng chí bị thương, trong đó tôi bị 5 mảnh ở lưng".

Thời chiến - thời bình hay là sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại. 50 năm, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thế hệ thời hậu chiến lại viết tiếp câu chuyện thời bình với niềm tự hào và trách nhiệm...

Ngày 24/2/1975, dù đơn vị cho ở lại hậu cứ để dưỡng thương nhưng nhận thấy vết thương không quá nặng nên ông Nguyễn Văn Loan vẫn theo đơn vị vào Sài Gòn. Ngày 25/4, tiểu đội 1 của ông được nhận nhiệm vụ vào cầu Sài Gòn để nắm tình hình, xem địch có phá cầu. Nếu phá, thì báo về cho sư đoàn để bố trí cầu phao vượt sông. Ông Loan bồi hồi: "Ngày 28/4, đội của tôi được lệnh rút vì cầu vẫn bình thường. Ngày 30/4/1975, đội về đến hậu cứ Long Bình. Tôi cùng một số anh em bắt xe vào Sài Gòn, mừng ngày chiến thắng...".

57 năm, viên đạn vẫn nằm trong người

Có một số chi tiết rất đặc biệt về cựu chiến binh Trần Văn Vụ ở số 2/17 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa). Ông sinh năm 1950. Năm 1967, khi ấy, ông mới 17 tuổi, vì muốn đi bộ đội nên phải khai lại lý lịch là sinh năm 1949 để đủ 18 tuổi. Về điều này, trong cuốn sổ “hồi ký” cũng rất đặc biệt của mình, ông đã viết: “Tháng 3/1967, lúc này tôi đang học lớp 7. Một phần vì đói, một phần vì bạn bè rủ rê nên tôi và mấy đứa bạn đã xuống xã Quảng Lưu khám sức khỏe đi bộ đội. Cân nặng lúc ấy có 47kg lại bị viêm họng hạt, tuổi thì mới có 17 nên bị đánh trượt. Buồn quá! Mấy hôm sau, anh Mai Văn Sùng - xã đội trưởng gọi tôi ra gốc mít, anh vỗ vai hỏi: “Em có muốn đi bộ đội không?”. Tôi vội trả lời: “Có chứ!”. Anh Sùng lại bảo: “Thế thì phải khai lại lý lịch là sinh năm 1949, còn mọi việc để anh lo”. Mấy hôm sau, anh Sùng báo tin vui: “Đã trúng tuyển, chuẩn bị liên hoan”. Tôi nhảy cẫng lên rồi vội chạy đi báo với bạn bè”.

Kể chuyện sau ngày 30/4/1975: Người ở lại...

Cựu chiến binh Trần Văn Vụ lần giở lại những trang “hồi ký” của một thời khốc liệt, hào hùng.

“Sự” nhập ngũ của cựu chiến binh Trần Văn Vụ tưởng như không thuận nhưng cuối cùng lại rất may mắn. Về cuốn sổ “hồi ký” đặc biệt gần 100 trang, ông đặt tên là: “Những năm tháng không thể nào quên”. Ông đã ghi chép lại toàn bộ những diễn biến, sự kiện về gia đình, bản thân ông, từ lúc hãy còn nhỏ đến khi lên đường tham gia chiến đấu tại các mặt trận và khi thời bình, trở về địa phương... Kỷ niệm ăm ắp qua những trang “hồi ký”. Có mấy ai làm được điều này!

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, hào hùng. Trận đánh mở màn chiến dịch Mậu Thân năm 1968 cũng là trận đánh đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ của chiến sĩ bộ binh Trần Văn Vụ ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Tiếp đó là tham gia trận 372 Hang đá. Tại trận này, Trần Văn Vụ diệt được 5 tên Mỹ và đã được tặng huy hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3”, được tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng Ba”.

Ngày 26/4/1975, bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời điểm này, Đại úy Trần Văn Vụ được phân công về Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 để tham gia đánh trường bộ binh thuộc căn cứ Nước Trong - một căn cứ liên hoàn có địa hình bằng phẳng và có hàng rào dây thép gai. Ông Trần Văn Vụ nhớ lại: “Khi xuất kích, do chưa chuẩn bị kỹ nên đến chân hàng rào, đội hình Đại đội 2 của Tiểu đoàn 4 phải dừng lại vì không có bộc phá đánh. Tôi và đại đội trưởng Lã Ngọc Viên buộc phải nằm trên bãi đất trống bằng phẳng suốt từ 12h ngày 26/4/1975 đến 17h ngày 27/4/1975. Trong quãng thời gian này, cả đội hình của Tiểu đoàn 4 cũng phải nằm phơi nắng và không có nước, nhiều chiến sĩ đã ngất đi...”.

Như phần mở đầu về cựu chiến binh Trần Văn Vụ, cũng đã nói đến một số chi tiết đặc biệt của ông. Sau thời bình, ông còn thêm một số điều đặc biệt nữa, chẳng hạn như vào năm 1994, trong lần đi khám bệnh, qua chụp chiếu, ông mới phát hiện 1 viên đạn nằm ở phần xương chậu. Sự “có mặt” của viên đạn vào lúc trở trời cũng thỉnh thoảng khiến ông đau nhức. Ông xác định, viên đạn này đã “chung sống” với ông trong suốt 57 năm, từ ngày 16/3/1968 tại trận Khe Sanh lần thứ 2. Tuy nhiên, hiện viên đạn vẫn nằm trong người bởi theo như chia sẻ của ông thì nơi viên đạn nằm cũng đang khá “an toàn”, nếu lấy ra có thể lại ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn”.

Thời bình, cựu chiến binh Trần Văn Vụ vẫn cần mẫn với đủ thứ việc. Ông đã có hơn 10 năm đi bán bia vỉa hè, hơn 20 năm làm bí thư chi bộ, hơn 10 năm là tổ trưởng tổ hội viên Câu lạc bộ Hàm Rồng.

Sau 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, họ - những người lính đã có đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng ôn lại những năm tháng khốc liệt, hào hùng, gian khổ mà vinh quang.

Bài và ảnh: Bằng An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]