Khi âm nhạc xóa nhòa khoảng cách, kết nối trái tim và tình yêu thương
Ngôi nhà số 134, đường Tân An (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) từ lâu đã là địa chỉ thân thuộc của những tâm hồn yêu thích, muốn tiếp cận, theo đuổi bộ môn piano. Ngoài công việc giảng dạy âm nhạc tại trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Quảng Xương, Thạc sĩ Vũ Huyền Thanh (Trung tâm Đào tạo và Phát triển tài năng âm nhạc Young Artists School) gần như dành trọn thời gian và năng lượng bên những phím đàn, cùng học viên bước vào thế giới âm nhạc.
Thạc sĩ Vũ Huyền Thanh hướng dẫn học viên chơi đàn.
Không nằm ngoài những phác thảo hình dung của tôi, Thạc sĩ Vũ Huyền Thanh thu hút người đối diện bởi sự thân thiện, duyên dáng, hiện đại và “rất piano”. Hay nói cách khác đi, bất kỳ ai dù là lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được “chất nghệ sĩ” trong chị.
Thạc sĩ Vũ Huyền Thanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Bố là nhạc sĩ Vũ Đức Phong mẹ là ca sĩ Kim Dung, chị và em gái cũng học tập và làm việc trong môi trường nghệ thuật... Thanh đến với âm nhạc bằng tất cả tình yêu, niềm đam mê và sự kiên trì khổ luyện. Cô quả quyết: "Năng khiếu là điều ta nói sau tình yêu và niềm đam mê”. Cũng chính vì tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng ấy nên từ năm 2010, bên cạnh công việc giảng dạy âm nhạc tại Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Xuân Nguyên, huyện Quảng Xương, tôi đã quyết tâm thành lập Trung tâm Đào tạo và Phát triển tài năng âm nhạc Young Artists School với mong muốn đưa bộ môn piano đến gần hơn với phụ huynh, học sinh ở Thanh Hóa. Piano là bộ môn âm nhạc mang tính bác học, cần có sự rèn luyện kỷ luật kiên nhẫn và tập trung nên khó trong việc tiếp cận và theo học. Thời điểm ấy, ngay cả các thành phố lớn, việc dạy và học bộ môn này chưa thực sự phổ biến rộng rãi, ở Thanh Hóa lại càng ít hơn”.
Hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn ấy, cô Thanh đã kiên định mục tiêu, xem đó vừa là thử thách vừa mở ra cơ hội cho chính mình.
Vì sự “khó tính” của bộ môn nên những ngày đầu tuyển sinh, trung tâm chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Không vì khó mà nản, không “đặt nặng” số lượng học viên, cô Thanh luôn tâm niệm: “Dù chỉ vài học viên đăng ký theo học thì cũng sẽ dành tất cả tâm huyết, trách nhiệm cho các em”. Cô Thanh tỉ mỉ, kiên trì uốn nắn cho học viên từng ngón đàn, bài nhạc lý đầu tiên. Cô chia sẻ về tình yêu âm nhạc, về tác dụng diệu kỳ của âm nhạc trong cuộc sống. Cô thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc dạy cho học sinh nắm vững, chuẩn kỹ thuật cơ bản là vô cùng quan trọng. Dù với bất kỳ lý do gì mình cũng tuyệt đối không chấp nhận việc hời hợt, “học vẹt”, đốt cháy giai đoạn”...
Mỗi học viên sẽ có nhu cầu, năng lực tiếp nhận, năng khiếu khác nhau, vì thế, cô Thanh không áp dụng giáo trình chung cho tất cả học viên mà có sự phân loại, đánh giá để đưa ra phương pháp dạy phù hợp. Đặc biệt, trước khi cho học sinh luyện bản nhạc nào đó, cô Thanh tận tình hướng dẫn để các em hiểu và cảm nhận về hoàn cảnh sáng tác, câu chuyện, thông điệp được gửi gắm qua từng nốt nhạc. Và rồi, chính học viên sẽ truyền tải những điều mình hiểu, tiếp nhận được qua cách chơi đàn. Điều đó lý giải vì sao, cùng một bản nhạc, cùng cây đàn piano ấy, nhưng tiếng đàn của mỗi người cất lên không giống nhau.
Sự nghiêm túc với nghề cùng phương pháp giảng dạy khoa học, chuyên biệt, “lấy học sinh làm trung tâm”, tôn trọng cảm xúc và cá tính của mỗi người trong âm nhạc chính là “bí quyết” làm nên thành công của cô Thanh. “Hữu xạ tự nhiên hương”, ngày càng có nhiều học sinh đăng ký theo học piano với cô. Hiện nay, trung tâm có khoảng 100 học viên với đủ lứa tuổi, thành phần khác nhau. Nhiều học viên đã có quá trình theo học nhiều năm liền, nhiều thành viên trong gia đình cùng đăng ký theo học. Nhiều học sinh theo học với cô đã đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi.
Cô Thanh kể về những “cậu bé vàng” trong làng piano xứ Thanh như em Phạm Khánh Dũng (12 tuổi) giành 3 HCV piano toàn quốc; em Lương Trung Dũng giành 1 HCV và 1 HCB toàn quốc hay “cô bé hạt tiêu” Nguyễn Huyền Anh với 1 HCV và 1 HCB toàn quốc, rồi cậu học trò đặc biệt Lê Duy Bảo xuất sắc giành 2 HCB toàn quốc, 2 HCB quốc tế...
Những ngày tháng gian nan, vất vả đã qua đi, nhưng mỗi lần nhắc đến câu chuyện của Lê Duy Bảo (16 tuổi), cô đều không kìm được nước mắt. Cô thương Bảo, thương những khiếm khuyết về mặt tâm lý, vì vậy, khi nhiều thầy, cô liên tục lắc đầu, từ chối dạy Bảo, thì cô đã dang rộng vòng tay chào đón Bảo, đồng hành cùng em trong suốt 5 năm. Hai cô trò đã trải qua hành trình sống đẹp với biết bao cung bậc cảm xúc, khóc - cười cùng nhau trên những phím đàn. Cùng với sự đồng hành, quyết tâm và nỗ lực gấp nhiều lần của cả cô và trò, Duy Bảo lần lượt đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi piano toàn quốc và quốc tế. Vừa qua, Duy Bảo đã trúng tuyển vào Khoa piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Nhớ ngày đầu cô bé “hạt tiêu” Nguyễn Huyền Anh (8 tuổi) theo mẹ đến tìm gặp cô Thanh xin theo học piano. Mặc dù đã theo học piano từ trước đó nhưng qua bài test “đầu vào”, Huyền Anh chơi đàn không chuẩn cơ bản, thiên về “học vẹt”. Tuy nhiên, cô nhận thấy ở Huyền Anh có năng khiếu, tố chất. Hai cô trò đồng hành cùng nhau rèn luyện lại từ những điều cơ bản nhất. Cô Thanh bảo: “Nhiều khi, dạy mới dễ hơn rất nhiều so với việc phải uốn nắn, rèn giũa lại từ những cái không đúng”. Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian theo học, Huyền Anh tiến bộ vượt bậc. Hai cô trò quyết định “chơi lớn”, cô động viên Huyền Anh đăng ký tham gia cuộc thi Yoshine Music Festival toàn quốc năm 2024 do Viện Khoa học giáo dục Yoshine Melody tổ chức. Tại cuộc thi này, Huyền Anh giành 2 giải thưởng: 1 HCV và 1 HCB. Cô trò ôm nhau trong niềm vỡ òa, hạnh phúc. Huyền Anh chia sẻ: “Em rất thích học đàn với cô Thanh. Cô luôn tận tình chỉ bảo, uốn nắn cho em trong mỗi bài nhạc. Cách cô giảng bài hay, dễ hiểu, tình cảm, nên em và các bạn luôn hứng thú lắng nghe, thực hành bài học cùng cô”.
Đó là một vài trong rất nhiều câu chuyện về tình cảm gắn bó, yêu mến giữa cô Thanh và học viên của Trung tâm Đào tạo và Phát triển tài năng âm nhạc Young Artists School. Ở đó, tiếng đàn piano cứ thế vang lên, khi thì dìu dặt, sâu lắng, lúc lại mãnh liệt, cao trào. Ấy là khi, âm nhạc xóa nhòa khoảng cách, kết nối trái tim và tình yêu thương.
Bài và ảnh: Hương Thảo
- 2024-11-16 13:37:00
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
- 2024-11-16 13:33:00
Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc Việt Nam
- 2024-11-15 20:14:00
Từ “ẩm thấp” đến “ẩm ương”
Xót xa di tích cách mạng đình làng Long Linh Ngoại
Trung Quốc khai quật hơn 90.000 hiện vật thời đồ đá cách đây hơn 5.000 năm
500 nghệ sĩ quy tụ tại chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Cùng nhau giữ nước”
“Vùng đất màu mỡ” cho điện ảnh Việt Nam
Lần đầu tiên một tiểu thuyết về không gian giành giải Booker 2024
Hoa hậu Thanh Thủy đăng quang Miss International 2024
“Tứ tung ngũ hoành” hay “tứ tung ngũ hành”?