Khi bạn trẻ lựa chọn nghệ thuật truyền thống
Nghệ thuật truyền thống đã và đang trải qua giai đoạn trầm lắng với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với tài năng và khát vọng cống hiến, tỏa sáng, những nghệ sĩ trẻ đã lựa chọn và từng ngày thắp lên tình yêu với nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Nghệ sĩ Thanh Ngọc “cháy” hết mình với nghệ thuật cải lương.
1. Cô gái dân tộc Mường, Phạm Thị Ngọc (nghệ sĩ Thanh Ngọc) hiện là một trong những nghệ sĩ trẻ tuổi nhất của Đoàn nghệ thuật Cải Lương - Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn Thanh Hóa. Gọi là trẻ, nhưng Thanh Ngọc đã ngoài 30 tuổi và có “thâm niên” 12 năm gắn bó với nghề, với đoàn.
Sinh ra trong gia đình không có ai theo nghệ thuật song từ nhỏ, với tài năng thiên bẩm, Phạm Thị Ngọc luôn là nhân tố nổi bật trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của trường học và địa phương. Tình yêu nghệ thuật cứ dần được thắp lên trong trái tim cô gái trẻ. Cho đến năm cuối THPT, khi Đoàn Cải lương Thanh Hóa đi “tuyển quân”, Phạm Thị Ngọc đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Trải qua các kỳ tuyển chọn, cô trúng tuyển, bước chân vào con đường đến với nghệ thuật truyền thống - bắt đầu bằng việc trở thành sinh viên chuyên ngành Diễn viên Cải lương khoa Sân khấu Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Ra trường, Thanh Ngọc về công tác tại Đoàn nghệ thuật Cải lương.
Chia sẻ về sự lựa chọn của mình, nghệ sĩ Thanh Ngọc nhớ lại: "Tôi luôn tin, với mỗi người nghệ sĩ, để đến và đi được trên con đường nghệ thuật, ngoài tài năng, nỗ lực thì rất cần đam mê và cả “chữ duyên”. Ngày nhỏ, tôi đặc biệt thích các loại hình nghệ thuật truyền thống, đến khi được lựa chọn, tôi đã chọn cải lương. Nghệ thuật cải lương phổ biến ở các tỉnh phía Nam song lại là loại hình “kén khán giả” ngoài phía Bắc. Thanh Hóa không phải là đất cải lương và vì thế, việc những nghệ sĩ trẻ như tôi lựa chọn cải lương thực sự là một sự “mạo hiểm” trong mắt nhiều người. Dẫu là thế, sau hơn 12 năm sống với nghề, tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình”.
Cũng theo nghệ sĩ Thanh Ngọc: “Ban đầu khi lựa chọn nghệ thuật cải lương, đơn giản chỉ là sở thích. Nhưng khi đến và sống với nghề, tôi càng hiểu và thêm trân trọng tinh hoa văn hóa đã được cha ông sáng tạo, trao truyền, tinh hoa ấy thấm đẫm trong từng giai điệu, lời ca. Tình yêu và trách nhiệm với nghề thôi thúc tôi không chỉ cống hiến mà còn cả sự ý thức về việc bảo tồn, phát huy giá trị. Tôi tin, khi người nghệ sĩ lao động miệt mài và thăng hoa với nghệ thuật thì sẽ hái được “trái ngọt”.
Trái ngọt ấy chính là sự đón nhận nhiệt thành của khán giả trong những vai diễn, vở diễn. Và cả những thành tích mang về. Nghệ sĩ Thanh Ngọc đã giành 1 HCV tại cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023; 2 HCB tại Liên hoan Cải lương toàn quốc (năm 2020, 2024). Những thành tích ấy tăng thêm động lực để nghệ sĩ Thanh Ngọc từng ngày vun đắp tình yêu, cống hiến cho nghệ thuật truyền thống.
Sinh năm 2001, Tuyết Anh hiện là nghệ sĩ trẻ nhất Đoàn nghệ thuật Chèo - Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn Thanh Hóa. Khác với Thanh Ngọc, Tuyết Anh được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cùng với tài năng, tình yêu nghệ thuật của cô gái trẻ được thắp lên từ sớm.
Khuôn mặt xinh xắn, trẻ trung, tài năng nổi bật... Tuyết Anh từng có không ít sự lựa chọn. Dẫu vậy, cô lại chọn nghệ thuật chèo. “Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghệ thuật, tôi thấu hiểu hết những vất vả và thử thách mà bố mẹ - những nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống phải đối mặt. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi cũng cảm nhận được ánh hào quang, niềm vui của người làm nghề. Lựa chọn nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc, tôi muốn được “tiếp lửa” con đường nghệ thuật truyền thống của gia đình”.
Đến với chèo, nghệ sĩ Tuyết Anh “thừa nhận” mình được sống trọn vẹn và thăng hoa trong từng khoảnh khắc với nghề. Tuyết Anh chia sẻ: “Dù là nghệ sĩ trẻ, nhưng tôi luôn tự ý thức, muốn được khán giả đón nhận thì bản thân mỗi người nghệ sĩ luôn phải tự nỗ lực mỗi ngày. Tôi nghĩ mình sinh ra để “sống” với chèo. Với người nghệ sĩ, được sống, cống hiến và cháy hết mình với lựa chọn nghệ thuật của bản thân là điều hạnh phúc. Và tôi hạnh phúc với con đường nghề mà mình đang đi. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn chèo”.
Nghệ sĩ trẻ Tuyết Anh được khán giả yêu mến gọi là “cô Mầu” của làng chèo xứ Thanh.
Chính tinh thần “sống trọn vẹn” với nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc đã mang về cho nghệ sĩ trẻ Tuyết Anh không chỉ những huy chương, bằng khen mà còn cả sự ghi dấu trong lòng khán giả. Nhắc đến Tuyết Anh, khán giả yêu chèo nhớ đến một “cô Mầu” của làng chèo xứ Thanh.
2. Có một thực tế, trong xu thế hiện nay, trước “sức ép” của nhiều loại hình nghệ thuật mới, các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung đang phải đối mặt với “bài toán” tồn tại - gìn giữ và phát huy giá trị, trong đó không thể không nhắc đến câu chuyện tìm kiếm khán giả. Những buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, những chương trình nghệ thuật truyền thống dần thưa vắng khán giả; sân khấu cũng ít sáng đèn hơn... Vắng khán giả không chỉ là “bài toán” khiến các đoàn, các sân khấu nghệ thuật truyền thống nhiều năm qua phải “đau đầu” tìm cách tồn tại. Mà đó còn là câu chuyện làm thế nào để có thể sống được với nghề của những nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ?!
Như chia sẻ của nghệ sĩ Cải lương Thanh Ngọc: “Thực sự, đồng lương của một nghệ sĩ nhà hát rất khó để đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện nay. Bản thân tôi, bên cạnh thời gian chủ yếu dành cho cải lương thì vẫn phải tranh thủ “chạy sô” với các chương trình bên ngoài khi được mời. Và thẳng thắn, với bản thân tôi, nếu cải lương là nghề “tay phải” thì những “sô diễn”, chương trình bên ngoài nhà hát - với các loại hình nghệ thuật khác ví như nghề “tay trái”. Và trong giai đoạn khó khăn của nghệ thuật truyền thống hiện nay, tiền kiếm được từ nghề “tay trái” đã phần nào giúp người nghệ sĩ sống và bám trụ được với nghề “tay phải”.
Chia sẻ của nghệ sĩ Cải lương Thanh Ngọc cũng là thực tế của nhiều nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống hiện nay. Bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”, nếu không “xoay xở” thì rất khó để người nghệ sĩ có thể sống và bám trụ lâu dài với nghề.
Dưới góc nhìn của một người làm nghề lâu năm và làm công tác quản lý, NSND Hàn Văn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn Thanh Hóa, cho biết: “Những năm qua và cả giai đoạn hiện nay, nghệ thuật truyền thống đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức. Không chỉ thiếu vắng khán giả mà nhiều bạn trẻ có tài năng cũng không dám “mạo hiểm” lựa chọn nghệ thuật truyền thống. Với các đoàn nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương) thuộc Nhà hát Nghệ thuật Lam Sơn hiện nay đa phần đều là các nghệ sĩ đã có tuổi, những tài năng nghệ sĩ trẻ như Thanh Ngọc, Tuyết Anh thực sự rất ít. Có thể hiện nay các đoàn chưa thiếu người, tuy nhiên nhìn về lâu dài, câu chuyện thế hệ nghệ sĩ trẻ kế cận, tiếp nối nghệ thuật truyền thống sẽ là “bài toán” cần được nghĩ đến”.
Bài và ảnh: Thu Trang
{name} - {time}
-
2025-05-18 14:30:00
Về thăm quê Bác làng Sen
-
2025-05-18 12:34:00
Những ký ức không quên về Bác
-
2025-05-18 08:52:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn trên thế giới
“Nước non vạn dặm”: Bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới
Lỗi chính tả thường mắc khi sử dụng một số thành ngữ, tục ngữ
Team building: Xu hướng du lịch lên ngôi trong dịp hè
4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được công bố đặc biệt thế nào?
Chương trình nghệ thuật đặc biệt tôn vinh Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình
Khán giả rơi lệ trước hình ảnh Bác Hồ trong “Quà tháng 5 dâng Người”