Khi mỗi gia đình không chỉ sinh tối đa hai con
Pháp lệnh Dân số sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đầu tháng 6/2025 trong đó có nội dung bãi bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh tối đa hai con là thông tin vui với nhiều gia đình. Từ câu chuyện mỗi cặp vợ chồng được tự quyết việc sinh số lượng con cũng có không ít điều để ngẫm nghĩ.
Những đứa trẻ đến với cuộc đời này xứng đáng được chăm sóc, nuôi dạy với những điều kiện tốt nhất.
1. Cụ thể, ngày 3/6, tại phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi điều 10, Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12. Theo nội dung Pháp lệnh Dân số sửa đổi được Quốc hội thông qua, các cặp vợ chồng, cá nhân được quyền quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và khả năng nuôi dạy con trên cơ sở bình đẳng.
Thống kê cho thấy, những năm gần đây, mức sinh trong toàn quốc đã giảm. Năm 2021 trung bình là 2,11 con/phụ nữ; năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 là 1,96 và 2024 là 1,91 - mức thấp nhất trong lịch sử. Theo dự báo, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn dân số vàng. Và từ năm 2054 dân số có thể tăng trưởng âm, tình trạng này sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lao động, giảm quy mô dân số, gia tăng tốc độ già hóa...
Theo người đứng đầu Bộ Y tế, việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số nhằm điều chỉnh tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng và nhóm đối tượng, ngăn ngừa mức sinh giảm quá thấp, không đạt mức sinh thay thế. Mức sinh thấp kéo dài có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong tương lai.
Việc Pháp lệnh Dân số được sửa đổi với nội dung mỗi cá nhân, cặp vợ chồng được tự quyết việc sinh số lượng con cũng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Khi nhiều gia đình có điều kiện kinh tế và nhu cầu được sinh nhiều hơn “hai con” thì nội dung sửa đổi trong Pháp lệnh Dân số đã “tháo khó” cho các cặp vợ chồng, để họ không còn bị “vi phạm” quy định.
2. Chị Nguyễn Hà (xã Hoằng Hóa) chia sẻ: “Chồng tôi làm công việc tự do, tôi làm giáo viên, hơn 3 năm trước, khi hai con gái đầu đã lớn, kinh tế gia đình cũng đã ổn định, vợ chồng tôi muốn sinh thêm con. Việc tôi sinh con thứ ba khi đó là vi phạm quy định, tuy nhiên khi đó vợ chồng tôi vẫn quyết định chấp nhận. Do sự phát triển của xã hội mà các quy định cần thiết được điều chỉnh cho phù hợp. Đến bây giờ, theo nội dung Pháp lệnh Dân số được sửa đổi, việc sinh con thứ ba như gia đình tôi đã trở thành điều bình thường. Đây thực sự là thông tin vui với nhiều cặp vợ chồng. Bởi thực tế hiện nay, có không ít gia đình khi điều kiện kinh tế đã vững, họ thực sự muốn sinh nhiều hơn hai con”.
Cùng với việc tự quyết việc sinh số con thì người lớn cũng cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dạy con nên người.
Chia sẻ của chị Nguyễn Hà khiến tôi nhớ lại câu chuyện của người hàng xóm nhà tôi hơn 25 năm về trước. Chú làm việc ở xã, còn vợ là nông dân. Khi ấy kinh tế gia đình không dư dả song khi vợ chú phát hiện có bầu con thứ ba thì cái thai đã lớn. Gia đình đứng trước sự lựa chọn, nếu sinh con thứ 3 thì chồng sẽ... mất việc, còn nếu “làm kế hoạch” thì... không nỡ. Một gia đình chỉ có 3 sào ruộng cấy với 5 miệng ăn là điều không dễ dàng. Thấm thoắt, đến nay, người con thứ ba của gia đình cô chú cũng đã khôn lớn, có gia đình riêng.
“Xã hội không hiếm chuyện hôm qua chưa đúng, hôm nay lại là điều hết sức bình thường, như chuyện sinh con thứ ba chẳng hạn. Khi ấy vợ chồng tôi nghĩ, dù sao đó cũng là con mình, không nỡ nhẫn tâm dứt bỏ, ngày ấy kinh tế nhiều khó khăn, nhà đông con thực sự là áp lực rất lớn. Để một đứa trẻ chào đời vốn đã khó, nhưng làm thế nào để chăm lo, nuôi dạy con nên người, trở thành công dân tốt của xã hội là điều còn khó hơn, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người làm cha mẹ”, chú chia sẻ.
3. Việc các cá nhân, cặp vợ chồng được tự quyết việc sinh con - số con, thời điểm sinh là quy định phù hợp với tình hình thực tế của nhiều gia đình và toàn xã hội.
Dẫu vậy, tự quyết việc sinh số con, thời điểm sinh cần phải được thực hiện với sự trách nhiệm - của người làm cha mẹ, chứ không thể là sự tùy tiện theo quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”. Bởi thực tế, mỗi đứa trẻ đến với thế giới này đều có quyền được hưởng sự chăm sóc, nuôi dạy tốt nhất từ đấng sinh thành. Một gia đình kinh tế eo hẹp, lại đông con sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự lớn lên, phát triển của những đứa trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Con là “tài sản vô giá” với cha mẹ.
Đến giờ, tôi vẫn chưa hết ám ảnh khi ghé thăm những gia đình người Mông ở Mường Lát. Những cặp vợ chồng tuổi chưa đến 30 nhưng đã có tới 4, 5 người con; những đứa trẻ lớn lên trong tình trạng cơm chưa thực no, áo chưa đủ ấm, gầy tong teo, ánh mắt ngơ ngác như đã quen với sự khó khăn, đói nghèo... Những đứa trẻ mới chỉ lên 3, lên 4 tuổi theo cha mẹ vào rừng, lên núi mưu sinh, chúng lăn lóc như củ khoai, củ sắn... Rồi đây, tương lai của các em sẽ ra sao?!
Những đứa trẻ đến với thế giới này ví như “món quà” mà tạo hóa ban tặng cho mỗi gia đình và rộng hơn là xã hội. Với cha mẹ, con cái là “tài sản” vô giá nhất. Việc sinh bao nhiêu con, thời điểm nào sinh con là quyền tự quyết của mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Và chăm sóc, nuôi dạy các con thế nào cũng là trách nhiệm lớn lao của người làm cha mẹ.
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2025-07-04 19:00:00
Dự báo thời tiết 19h ngày 4/7/2025
-
2025-07-04 18:24:00
Nơi biên giới Yên Khương
-
2025-07-04 14:00:00
Bản tin Tài chính - Thị trường 4/7/2025
Chính phủ ban hành Nghị định mới thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế đặc thù
Rủi ro khi chia sẻ thông tin từ VNeID lên mạng xã hội
Sử dụng đồ gia dụng thông minh
Thu hồi nhiều mỹ phẩm vi phạm về nhãn và công thức
Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản gồm những giấy tờ nào?
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè đạt nhiều kết quả nổi bật
[REVIEW OCOP] Bánh gai Bảy Quyên: Đặc sản quê vươn tầm nhờ uy tín thương hiệu
Cảnh báo thiên tai và thời tiết ngày 3/7/2025
Dự báo thời tiết 3/7/2025