(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời đại số, công nghệ thông tin phát triển, việc tìm hiểu, thích ứng và sử dụng thiết bị công nghệ đối với người cao tuổi là điều cần thiết.

Khi người cao tuổi “sành" thiết bị công nghệ

Trong thời đại số, công nghệ thông tin phát triển, việc tìm hiểu, thích ứng và sử dụng thiết bị công nghệ đối với người cao tuổi là điều cần thiết.

Khi người cao tuổi “sành thiết bị công nghệThiết bị và ứng dụng công nghệ giúp người cao tuổi có thêm “kênh” thông tin, tìm hiểu kiến thức và trò chuyện với con cái ở xa được dễ dàng hơn.

Ở tuổi 72, ông Lê Văn Bình sống tại khu đô thị Đông Sơn, phường An Hưng (TP Thanh Hóa) đã có “thâm niên” sử dụng thiết bị công nghệ (ipad, smartphone) gần 10 năm. Ngoài việc truy cập internet đọc báo, xem YouTube, ông Bình sử dụng thành thạo các ứng dụng mua sắm thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook. Chị Lê Phương Anh, con gái ông Bình cho biết: “Hàng tháng, cứ khi nào ông bà có lương hưu là cả nhà đều biết. Lúc ông đặt mua quần áo, khi mua thực phẩm chức năng, thiết bị gia dụng, đồ dùng cá nhân, thức ăn, thậm chí là cây cảnh… Đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phải hạn chế ra ngoài tiếp xúc thì tần suất mua hàng trên mạng của ông tăng lên rõ rệt”.

Cũng theo chị Phương Anh, điều đáng ngại nhất là việc bố mẹ chị nói riêng, nhiều người cao tuổi sống trong khu dân cư nói chung khi sử dụng thiết bị công nghệ đang có xu hướng đặt mua các loại thực phẩm chức năng (chủ yếu là thuốc xương khớp) do tin những quảng cáo trên mạng xã hội. Cho dù mỗi lần đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ đã thường xuyên cảnh báo về nguy cơ của việc sử dụng thuốc tùy tiện, dù là thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến gan, thận. Nhưng sức hấp dẫn của những quảng cáo trên mạng xã hội vẫn khiến nhiều người cao tuổi không ngần ngại đặt hàng.

Với bà Nguyễn Thị Mạnh, 74 tuổi, sống tại xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa), việc sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) chỉ thực sự bắt đầu gần 1 năm nay. Do dịch bệnh bùng phát, con cái ở xa không thể thường xuyên về thăm nhà như trước kia, nên sau nhiều chần chừ, ngại ngần không muốn sử dụng vì “mắt kém, tay chậm”, cuối cùng bà Mạnh cũng đã biết dùng điện thoại trò chuyện với con cái thông qua Zalo, Facebook. Bà Mạnh chia sẻ: “Khi mới dùng điện thoại thông minh, chỉ khi nào con cái gọi thì tôi bấm nút nghe. Nhưng dùng quen rồi, bây giờ đã biết chủ động mở máy để gọi cho con cháu khi cần; rồi vào mạng xem tin tức, xem YouTube, hóa ra biết dùng thiết bị công nghệ tiện ích thật sự. Nhiều thông tin hữu ích như dạy nấu ăn, bài thuốc nam chữa bệnh, kiến thức chăm sóc sức khỏe tôi đã học được nhờ sử dụng thiết bị công nghệ”.

E ngại tiếp cận, sử dụng thiết bị công nghệ cũng là tâm lý chung của nhiều người cao tuổi. Xuất phát từ hạn chế sức khỏe, mắt kém, tay chân chậm khiến cho một bộ phận người cao tuổi vẫn đang tự đặt mình bên ngoài “cuộc chơi” sử dụng công nghệ. Điều này không hoàn toàn xấu, song nó cũng đồng nghĩa với việc nhiều người có tuổi tự hạn chế mình một “kênh” giải trí, tiếp nhận thông tin để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

Nhìn nhận về việc liệu có thực sự khó khăn khi người cao tuổi sử dụng thiết bị - ứng dụng công nghệ, chị Phạm Quỳnh, nhân viên bán hàng tại cửa hàng Thế giới di động (đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa), cho biết: “Khác với thế hệ điện thoại đời cũ có sản phẩm điện thoại dành cho người già: loa to, chữ lớn…, điện thoại thông minh đã tích hợp tất cả các tính năng ưu việt. Người sử dụng có thể vào cài đặt để tăng cỡ chữ, tăng âm lượng phù hợp với người dùng có tuổi; điện thoại thông minh cũng tích hợp tính năng tìm kiếm giọng nói. Cùng với đó là hạn chế tải các ứng dụng không thực sự cần thiết để người có tuổi không bị “rối” mắt khi dùng. Do nhu cầu không lớn, nên những chiếc điện thoại trong tầm giá từ 3 - 5 triệu đồng trên thị trường hiện nay khá phù hợp với đối tượng sử dụng là người cao tuổi”.

Đến hết năm 2021, Hội Người cao tuổi tỉnh có 468.297 hội viên, đạt tỷ lệ 95,7% người dân từ 60 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt ở các cấp hội. Đánh giá về việc người cao tuổi sử dụng thiết bị - ứng dụng công nghệ trong đời sống, ông Đỗ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, nhìn nhận: “Dù hội chưa có khảo sát, thống kê cụ thể, song tỷ lệ người cao tuổi biết sử dụng thiết bị công nghệ là không nhỏ. Với những người chưa quen dùng, nếu được con cháu tận tình hướng dẫn chắc chắn sẽ vượt qua được tính e ngại cố hữu. Nhưng hiện nay, một bộ phận người cao tuổi sống ở các vùng quê nông thôn, khu vực miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn chưa có điều kiện để sắm sửa thiết bị công nghệ, điện thoại thông minh. Thực tế, việc sử dụng thiết bị - ứng dụng công nghệ sẽ giúp ích cho cuộc sống của người cao tuổi được tốt hơn”.

Bên cạnh sách, báo truyền thống, việc sử dụng thiết bị công nghệ giúp người cao tuổi tiếp cận thông tin nhanh hơn. Có thêm “kênh” để tìm hiểu kiến thức và đặc biệt, nhiều người cao tuổi thông qua việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) đã lập các “hội, nhóm” để giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe, cây cảnh... Trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, những sinh hoạt gặp gỡ thường xuyên phải hạn chế thì những “hội, nhóm” sinh hoạt lành mạnh trên mạng xã hội của người cao tuổi là khá hữu ích.

Việc người cao tuổi tiếp cận - sử dụng công nghệ thành thạo mang lại nhiều tiện lợi. Song cũng có ý kiến rằng, nếu người cao tuổi dành nhiều thời gian, thậm chí bị “nghiện” công nghệ sẽ gây ra hệ lụy không tốt cho sức khỏe. Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, ông Đỗ Xuân Phong cho rằng: “Công nghệ có sức hấp dẫn nhiều đối tượng người sử dụng. Tuy nhiên, việc người cao tuổi “nghiện” công nghệ là có, nhưng không nhiều. Người cao tuổi thường có tính trách nhiệm, kỷ luật cao nên chủ động được thời gian sử dụng. Việc vui vầy bên gia đình, con cháu cũng khiến họ thường chỉ sử dụng thiết bị - ứng dụng công nghệ khi thực sự cần thiết. Thiết bị công nghệ hỗ trợ khá nhiều cho người cao tuổi trong cuộc sống nhưng hơn tất cả, sự quan tâm của con cái với ông bà, cha mẹ vẫn là “liều thuốc bổ” tinh thần quý giá nhất”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]