(vhds.baothanhhoa.vn) - Môn Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Nhưng tài liệu cho môn học này lại phát hành chậm nhất so với các môn học khác. Đến nay, sách tài liệu GDĐP bậc trung học đã được phát hành đến lớp 6, 7 và 10.

Khi sách tài liệu giáo dục địa phương về với nhà trường

Môn Giáo dục địa phương (GDĐP) là nội dung bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Nhưng tài liệu cho môn học này lại phát hành chậm nhất so với các môn học khác. Đến nay, sách tài liệu GDĐP bậc trung học đã được phát hành đến lớp 6, 7 và 10.

Khi sách tài liệu giáo dục địa phương về với nhà trường

Tiết GDĐP của cô và trò Trường THCS Xuân Hồng.

Niềm vui có sách

Cũng như nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh, năm học này, các khối lớp 6 và 7 ở Trường THCS Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã có sách tài liệu GDĐP. Hai năm học trước đó, sách cho môn học này vẫn chưa có khiến cho việc dạy và học của cô và trò nhà trường gặp nhiều khó khăn. Không có sách, hạn chế trong việc truyền đạt thông tin, tìm hiểu nội dung kiến thức. Giáo viên phải nhờ đến mạng internet để tải tài liệu, soạn giáo án. Năm học này, sách về, thuận lợi hơn cho giáo viên, học sinh. “Sách định hướng rõ ràng hơn, đi vào trọng tâm của môn học, nhiều nội dung được học sinh chủ động khai thác thông tin”, hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Hải, thầy giáo Lê Văn Tuấn cho biết.

Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT mới đối với bậc THPT. Năm học trước đó, 2022-2023, lớp 10 chưa có sách tài liệu GDĐP thì năm học này, học sinh đã có sách. 2 năm dạy môn GDĐP lớp 10, cô giáo Đỗ Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) cũng cho rằng, có sách thì chắc chắn cả cô và trò đỡ vất vả hơn, đặc biệt học sinh hứng thú hơn trong việc học. Theo chia sẻ của cô giáo Đỗ Thị Huệ, thì: “Sang năm thứ 2 dạy môn học này, bản thân cũng đỡ bỡ ngỡ hơn. Với học sinh, ở mỗi chủ đề, từ mục tiêu bài học, các em sẽ được khám phá những nội dung bổ ích. Qua tiếp nhận nguồn tri thức này, ở phần luyện tập và vận dụng đã giúp học sinh có những trải nghiệm sâu sắc, tích cực chủ động để hoàn thành những sản phẩm khoa học, giáo dục trách nhiệm tình yêu với quê hương, đất nước”.

Niềm vui có sách đồng nghĩa học sinh sẽ có được những trải nghiệm thú vị ở trong từng chủ đề, nội dung. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn đặt ra.

Bất cập trong phân công chuyên môn

Tài liệu địa phương tỉnh Thanh Hóa từ lớp 2 đến lớp 12, mỗi khối lớp 1 cuốn. Mỗi cuốn gồm 8 chủ đề, xoay quanh những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử, địa lý, xã hội... của Thanh Hóa. Môn học với các chủ đề mở để giáo viên và học sinh khám phá những nội dung bổ ích, lý thú về văn hóa, lịch sử con người xứ Thanh. Từ trọng tâm của Chương trình GDPT 2018, chương trình GDĐP tăng cường việc giáo viên cập nhật kiến thức địa phương.

Tuy nhiên, do đội ngũ giáo viên thiếu nên bất cập trong sắp xếp, phân công chuyên môn. Ở Trường THCS Hoằng Hải (Hoằng Hóa), ở khối lớp 6 và lớp 7, với 8 chủ đề của môn GDĐP được phân công cho 4 giáo viên dạy. Trong đó hiệu trưởng nhà trường là thầy giáo Lê Văn Tuấn cũng đồng thời là người dạy môn GDĐP. Hiệu trưởng Lê Văn Tuấn cho biết: “Do thiếu giáo viên nên nhà trường phân công giáo viên dạy bộ môn này theo chủ đề, phù hợp với trình độ chuyên môn. Nếu không có giáo viên thì có những nội dung sẽ dạy chéo ban. Khó khăn hơn, khi mỗi người một chủ đề nên sẽ ảnh hưởng đến việc sắp xếp thời khóa biểu”.

Còn ở Trường THCS Xuân Hồng (Thọ Xuân), do thiếu giáo viên nên có những người phải dạy xuyên suốt cả 8 chủ đề như cô giáo Nguyễn Thị Xinh là ví dụ. Trường THCS Xuân Hồng có 3 cơ sở. Cô giáo Nguyễn Thị Xinh dạy ở cơ sở 2, vừa là giáo viên dạy môn Toán kiêm môn GDĐP. Đây cũng là giáo viên dạy môn GDĐP duy nhất ở cơ sở 2. “Thực tế thiếu giáo viên, bản thân cũng ít tiết nên được sắp xếp để kiêm dạy môn GDĐP. Dạy 8 chủ đề nhưng năm học này, do lớp 6 và 7 đã có sách tài liệu nên việc dạy cũng thuận lợi hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Xinh cho biết.

Khi sách tài liệu giáo dục địa phương về với nhà trường

Giờ lên lớp dạy môn GDĐP của thầy giáo Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Hải.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nội dung GDĐP được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, thực tế của một tỉnh trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa..., của tỉnh, gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn.

Tại Thanh Hóa, việc biên soạn tài liệu bảo đảm tính khoa học, liên thông, tích hợp. Hội đồng thẩm định làm việc nghiêm túc khách quan để có những tài liệu địa phương như những cuốn sách giáo khoa về địa phương. Ông Trịnh Trọng Nam, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: “Hội đồng tư vấn của Bộ GD&ĐT đã đọc và phê duyệt nghiêm túc. Tuy nhiên, do đội ngũ biên soạn cao tuổi nên sức khỏe không tốt, ảnh hưởng đến tiến độ. Vì vậy việc in ấn, phát hành chậm so với chương trình học. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy thiếu nên bất cập trong phân công chuyên môn”.

Cũng theo ông Nam, hiện nay tài liệu lớp 2, 3, 6, 7, 10 đã phát hành đến các cơ sở giáo dục. Các lớp 4, 8, 11 phát hành trong tháng 3/2024. Lớp 5, 9, 12 đang biên soạn và sắp dạy thử nghiệm.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]