(vhds.baothanhhoa.vn) - Một trong những điều khác biệt tạo nên chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn đó là cuộc khởi nghĩa này có nhà lãnh đạo tài ba, cùng bộ tham mưu sáng suốt đề ra những sách lược, chiến đúng đắn, tài tình

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 2): Lãnh đạo tài ba và chiến lược đúng đắn

Một trong những điều khác biệt tạo nên chiến thắng của khởi nghĩa Lam Sơn đó là cuộc khởi nghĩa này có nhà lãnh đạo tài ba, cùng bộ tham mưu sáng suốt đề ra những sách lược, chiến đúng đắn, tài tình

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 2): Lãnh đạo tài ba và chiến lược đúng đắn

Hình tượng Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tái hiện lại qua tiết mục sân khấu hóa tại Lễ hội Lam Kinh.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã đập tan ách nô lệ lầm than, khôi phục nền độc lập dân tộc và bắt đầu một kỷ nguyên mới phát triển trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Lê Lợi: “thiên tư tuấn tú khác thường, tinh thần và dáng người tinh anh, mạnh mẽ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, vai có nốt ruồi, tiếng nói như chuông, đi như rồng, bước như hổ, kẻ thức giả đều biết là người phi thường” (Lam Sơn thực lục).

Lê Lợi lớn lên trong giai đoạn đất nước đầy biến động, chứng kiến đủ tội ác của giặc Minh, cùng với tấm lòng thương dân, cảm thông với nỗi khổ đau của dân, lòng yêu nước và chí lớn thay đổi cục diện cứu nước, cứu dân của ông đã được nuôi dưỡng. Lê Lợi đã biến trại Lam Sơn thành nơi trú ẩn cho bao sinh mệnh, giúp họ không phải chịu phu phen, tạp dịch, đe dọa, đánh đập. Đồng thời, ông quyết chuyên tâm đọc sách thao lược và dốc sạch của cải hậu đãi khách nhân, phát thóc giúp dân cơ bần, thu nạp người chống đối giặc Minh, ngấm ngầm nuôi giấu những kẻ sĩ mưu trí. Mặt khác, lại khéo léo thoát khỏi sự để ý, kiểm soát của kẻ cướp nước và bè lũ bán nước...

Nhờ nuôi chí lớn, Lê Lợi đã có thể tập hợp được nhiều bạn bè đồng chí, lãnh đạo họ cũng như lãnh đạo phong trào đi đến thắng lợi vẻ vang. Sự kiện Hội thề Lũng Nhai đã minh chứng cho điều này. Vào một ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân (1416). Lê Lợi cùng 18 người thân tín nhất đã đến làng Lũng Nhai (thuộc hương Lam Sơn xưa, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) - một địa điểm kín đáo ẩn sâu trong rừng núi, thuộc hữu ngạn sông Âm, tả ngạn sông Chu, cách Lam Sơn khoảng 10km về phía Tây - để tổ chức tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em.

Hội thề Lũng Nhai là nơi bộ tham mưu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “dâng lễ vật”, “sinh huyết” và “lập lời thề son sắt” để tấu cáo cùng thần linh, trời đất. Đó là hành động mang “tính thiêng”, dựa trên chữ “tín” của bậc trượng phu và được người xưa hết sức tin tưởng, đề cao, coi trọng. Xuất phát từ điều đó nên hội thề này đã vượt ra ngoài khuôn khổ, phạm vi hạn hẹp và có ý nghĩa cũng như tác động sâu sắc đến lịch sử dân tộc. Thậm chí có nhà nghiên cứu còn ví, Hội thề Lũng Nhai có tính chất quốc gia, dân tộc tương tự như Hội thề Sông Hát được Hai Bà Trưng tổ chức vào mùa xuân năm Canh Tý (40 SCN).

Từ sau Hội thề Lũng Nhai, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được đẩy mạnh và khẩn trương hơn. Thời gian đầu cuộc khởi nghĩa, biết lực lượng mình thua kém địch rất nhiều, nhưng trong “những cái thua vẫn có nhiều cái được”, nên Lê Lợi cùng nghĩa quân đã chủ động phất cờ, không cho địch tấn công mình trước. Rồi trong suốt thời gian chống đỡ, khi ở thượng du Thanh Hóa, khi phát triển lực lượng kháng chiến vào Nam ra Bắc, ông đã luôn luôn thực hành chiến lược tiến công, không hề lui bước. Chọn đúng thời cơ vào Nghệ An, ra Thanh Hóa rồi vụt vào Tân Bình, Thuận Hóa chỉ trong vòng một năm là tiến ra Đông Quan, nghĩa quân Lam Sơn đã tỏ rõ chí quyết tâm hành động tấn công cả hai mặt quân sự và chính trị. Đặc biệt, Lê Lợi đã nắm chắc nghệ thuật khởi nghĩa một cách tài tình, linh hoạt.

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 2): Lãnh đạo tài ba và chiến lược đúng đắn

Hội thề Lũng Nhai được tái hiện lại qua tiết mục sân khấu hóa tại Lễ hội Lam Kinh.

Cùng với nhà lãnh đạo tài ba, bộ tham mưu sáng suốt, khởi nghĩa Lam Sơ còn nổi bật với những sách lược chính trị và quân sự cho hợp với điều kiện khởi nghĩa. Đó là phát động khởi nghĩa đúng lúc, cầu hòa vào thời gian thích hợp, xây dựng căn cứ mới đúng thời cơ, chuyển quân mở rộng địa bàn hoạt động lúc có điều kiện; hoạt động khi bí mật, lúc công khai, khi tấn công, khi thoái thủ...

Một điểm nổi bật thể hiện tài lãnh đạo và nghệ thuật quân sự độc đáo của Bình Định Vương Lê Lợi và bộ tham mưu của ông trong khởi nghĩa Lam Sơn là kế hoạch “vây thành diệt viện”. Từ cuối năm 1426, trên chiến trường Đại Việt, tương quan lực lượng đã nghiêng hẳn về nghĩa quân Lam Sơn. Sau thắng lợi của ta ở Tốt Động - Chúc Động (cuối năm 1426), những cố gắng giành lại thế chủ động cho nhà Minh của Vương Thông đã thất bại và thành Đông Quan hoàn toàn bị bao vây. Vương Thông một mặt cho tăng cường khả năng phòng thủ, mặt khác cho người đưa thư xin giảng hòa với nghĩa quân.

Khi 15 vạn viện binh của nhà Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy tiến vào nước ta (tháng 10-1427), việc cùng lúc phải đối phó với cả hai cánh quân là rất khó khăn đối với nghĩa quân. Lê Lợi và bộ tham mưu quyết định lựa chọn tấn công cánh quân do Liễu Thăng chỉ huy. Đó là quyết định đúng đắn dựa trên những phân tích và thể hiện tư duy quân sự sâu sắc của Lê Lợi và bộ tham mưu. Chiến thắng của chiến dịch đánh 15 vạn viện binh có ý nghĩa quyết định, đã buộc quân Minh ở Đông Quan, Tây Đô và Cổ Lộng phải đầu hàng. Từ đó, tạo tiền đề dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Nhân dân ta.

Không chỉ lãnh đạo tài ba, sáng suốt trong cuộc kháng chiến chống lại ách xâm lược của nhà Minh, mà trong suốt quá trình lên ngôi vua, Lê Lợi luôn anh minh, có tài dùng binh, nhu cương hài hòa làm nên trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Sách “Đại việt sử ký toàn thư” có đoạn: “Vua trí thức hơn người, sáng suốt mà cương quyết, không thể lấy quan tước mà dụ dỗ được, lấy uy thế mà dọa nạt được.

Có thể khẳng định, tài trí và những sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của Lê Lợi cùng bộ tham mưu đã tạo nên những chiến công oanh liệt cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh dấu son rực rỡ trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nhóm PV thời sự

(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Lê Lợi và đất Lam Sơn”; Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).


Nhóm PV thời sự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]