(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi là người rất thích các tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lý do là khi đọc các tác phẩm của thiền sư, tôi tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa bình an trong tự thân với bình an trên Trái đất. Nhân duyên ấy đã dẫn lối khi đọc cuốn: “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”, tôi thực sự bình an khi chìm sâu suy ngẫm vào vấn đề mà con người thao thiết nhất: sự sống và cái chết.

Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi

Tôi là người rất thích các tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lý do là khi đọc các tác phẩm của thiền sư, tôi tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa bình an trong tự thân với bình an trên Trái đất. Nhân duyên ấy đã dẫn lối khi đọc cuốn: “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi”, tôi thực sự bình an khi chìm sâu suy ngẫm vào vấn đề mà con người thao thiết nhất: sự sống và cái chết.

Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi

Thích Nhất Hạnh thực sự là một con người thánh thiện, một học giả thông tuệ. Thích Nhất Hạnh cũng có lòng tin vững chắc vào khả năng đạt tới hiểu biết của con người. Lòng nhân hậu và từ bi xuất phát từ suối nguồn thâm tuệ của Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim tất cả chúng ta.

Ai mà chả từng đớn đau, dứt day trước sự ra đi mãi mãi của người mình thương yêu, người mà mình thấy nếu đi xa như chết cả tâm hồn. Nhưng chúng ta hãy lắng lòng nghe lời chú giải của Thích Nhất Hạnh. “Sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não”. “Khi nào chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ”. Đó là sự giải thoát và chúng ta có thể trải nghiệm đời sống một cách mới mẻ.

Trong suối nguồn yêu thương và từ bi, Thích Nhất Hạnh đã kể lại một hình ảnh thật đẹp đẽ. Đó là người con khi mất đi mẹ của mình nhưng trong mỗi bước chân chạm đất luôn cảm nhận như có mẹ ở bên. Bước chân ấy có sự tiếp nối của mẹ, của cha, của ông bà, của cụ kị, của tổ tiên. “Tôi và mẹ cùng để lại những dấu chân trên mặt đất ẩm ướt đó”. Đó là sự nhận thức rất sâu, đạt đến sự tỉnh thức và thấu hiểu của sự vô sinh, bất diệt. Một biểu hiện mới đó, chúng ta hoàn toàn có thể tu tập được, nếu mỗi ngày, mỗi giây phút con người có thể ngừng lại, nhìn sâu, bình tâm, bình an và thấu hiểu.

Những mối quan hệ giữa hiện hữu và không hiện hữu; giữa trên và dưới, giữa đến và đi, ngẫm đến cùng cũng là vì con người tự trói buộc vào những ý niệm cũ kỹ. Chính điều này làm con người ngột ngạt, khổ đau và phiền lụy.

Rất giải thoái và cũng rất con người, Thích Nhất Hạnh đã dùng một hình ảnh ví von về trái quýt và trái sầu riêng để giải thích về cái gọi là vượt qua các ý niệm... Đó là khi bạn chưa từng ăn trái quýt và sầu riêng thì dù cho người kia thương bạn mấy, cố gắng mấy cũng không thể diễn tả được hương vị trái quýt ra sao. Thực tại của trái quýt và sầu riêng vượt lên trên mọi ý niệm. Niết bàn cũng vậy. Phải thực chứng, phải tự kinh nghiệm, đó là con đường mà mỗi người tự phải đi.

Thích Nhất Hạnh cũng cho rằng, khi chúng ta nhìn cho sâu vào bên trong sẽ nhận ra: mọi vật đủ nhân duyên thì sẽ hiển hiện, thiếu nhân duyên thì sẽ ẩn tàng. Sự biểu hiện này không tới từ đâu cả. Và khi nó ngừng biểu hiện thì nó cũng không đi đâu hết. Khi sống mà có hiểu biết về vô thường, ta sẽ biết nuôi dưỡng tình yêu, luôn chăm sóc và nuôi dưỡng thì tình yêu mới lớn lên được. Đó chính là thông điệp nhân văn lớn nhất mà tôi cảm nhận được khi đọc những trang sách của thiền sư vừa thánh thiện và thông tuệ Thích Nhất Hạnh.

Vậy thế nào là vô ngã? Thế nào là vô thường?

Hãy tự tìm cho mình cuốn sách này để trả lời những câu hỏi trên bạn nhé. Tôi luôn tưởng tượng vẻ đẹp của cuốn sách tinh khiết như những giọt sương mai. Hiện hữu tinh khôi nhưng cũng thật mỏng manh không dễ gì nắm bắt. Ranh giới giữa hiểu biết thật sự và vô minh thật khó nói. Có người cả đời mình dùng để giác ngộ. Cũng có người cả đời vẫn mệt mỏi quẩn quanh và mắc kẹt trong muôn vàn hố sâu ý niệm mà mình tạo ra. Giác ngộ. Niết bàn. Ngẫm đến cùng là sự tỉnh thức khi có đủ nhân duyên và cũng là trải nghiệm tự thân mà mỗi người đều phải tự bước đi bằng đôi chân giác ngộ của mình.

Hành trình ấy không đơn giản, nhưng không hề mệt mỏi và đơn côi. Hy vọng những trang sách thánh thiện, đánh thức tâm an của Thích Nhất Hạnh như ánh tâm đăng thắp lên ngọn đuốc tuệ minh trong mỗi người. Với ý nghĩa đó, bản thân khi được biết và đọc những trang sách này chính là một duyên lành, cần được biết ơn và lan tỏa!

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]