(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến xã Hà Đông (Hà Trung) là nhắc tới những câu chuyện gắn liền với lịch sử thời Trần - Hồ, nơi Hồ Quý Ly đã nhận ra vai trò của vùng đất Đại Lại trong mối quan hệ với kinh thành Tây Đô, với Thăng Long và vị thế xứ Thanh trong giai đoạn cuối của vương triều Trần. Hà Đông ngày nay, dù nằm ở vị trí giao thông thuận tiện với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đời sống Nhân dân phát triển nhưng những nét văn hóa truyền thống thì vẫn được bảo tồn, phát huy.

Kim Sơn giàu truyền thống văn hóa

Nhắc đến xã Hà Đông (Hà Trung) là nhắc tới những câu chuyện gắn liền với lịch sử thời Trần - Hồ, nơi Hồ Quý Ly đã nhận ra vai trò của vùng đất Đại Lại trong mối quan hệ với kinh thành Tây Đô, với Thăng Long và vị thế xứ Thanh trong giai đoạn cuối của vương triều Trần. Hà Đông ngày nay, dù nằm ở vị trí giao thông thuận tiện với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đời sống Nhân dân phát triển nhưng những nét văn hóa truyền thống thì vẫn được bảo tồn, phát huy.

Kim Sơn giàu truyền thống văn hóaKim Sơn ngày nay đã là thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Dấu ấn văn hóa truyền thống

Trong các thôn của xã Hà Đông, thôn Kim Sơn có vị trí quan trọng về mặt văn hóa. Theo tài liệu của xã ghi lại, làng Kim Sơn (còn gọi là Kẻ Xã), thế kỷ XIX thuộc xã Thăng Đường, tổng Ngọ Xá; sang thế kỷ XX đổi tên là xã Thượng Phú. Thuở mới lập làng các dòng họ cư trú theo địa vực. Trong làng có một số dòng họ đã lấy họ đặt tên cho các ngõ, như ngõ Mạc, ngõ Đình... Là vùng bán sơn địa, thôn Kim Sơn nói riêng, xã Hà Đông nói chung có địa hình kết hợp giữa 2 yếu tố đồi cao và ruộng sâu. Nhân dân từ xa xưa hầu như đều có thể sử dụng và làm ra những công cụ đánh bắt có hiệu quả cao. Vì thế văn hóa ẩm thực của đất đồng chiêm này khá đa dạng và phong phú. Nhiều món ăn đặc sản từ nguồn thủy sản như lươn om chuối hột; cá rô nướng; ốc nhồi bung chuối; giò ốc... và những bài thuốc dân gian chữa bệnh cũng được bà con “chế biến” từ nguồn tôm, cá...

Ở làng Kim Sơn, truyền thống văn hóa luôn được đề cao. Trước đây, làng có đền thờ Khổng Tử và các bậc thánh hiền... cho thấy ảnh hưởng của Nho giáo và Hán học đến nếp sống, tư tưởng của người dân. Ngoài ra, người dân còn lập miếu thờ Mẫu Thoải ngay gần kề xạ nước. Xung quanh xạ nước được bà con “thêu dệt” những chuyện hư hư, thực thực. Bắt nguồn từ rừng đại ngàn trên núi Chủ, xạ nước ở đây “quanh năm không bao giờ cạn”, dẫu có hạn hán dài lâu. Nguồn nước trong vắt, chảy đều đều đã từng được người dân mang đi kiểm định chất lượng và có kết quả rất đáng mừng. Xạ nước từ đó không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong làng mà nhiều người từ TP Thanh Hóa hay các huyện lân cận đều đặn cuối tuần đi xe đến chở nước về dùng.

Ngoài ra, người dân Kim Sơn rất tự hào vì vẫn giữ được ngôi đình làng có lịch sử hơn 600 năm. Nơi đây thờ Thành hoàng làng là thần Cao Sơn. Tài liệu về đình còn ghi lại vào khoảng thế kỷ XIV những nghệ nhân gốm, thợ mộc người Chăm về vùng đất Đại Lại này đã xây dựng nên đình Phú Thượng tồn tại đến ngày nay. Trải qua những biến cố, thăng trầm lịch sử, theo văn bia năm 1882, triều đình nhà Nguyễn đã trùng tu lớn di tích, giữ gìn cơ bản kiến trúc đặc sắc với những nét chạm trổ tinh xảo của người Chăm trong thiết kế đình, chùa Việt 5 gian, 2 chái.

Ông Lê Văn Thanh, bí thư chi bộ thôn Kim Sơn kể lại: Những năm tháng bom đạn ác liệt, xung quanh đây chìm trong khói lửa, nhà cửa đều tan hoang. Riêng có ngôi đình này được sự phù hộ của thần Cao Sơn nên không hề bị bom đạn. Tin vào điều đó, Nhân dân coi đây là địa điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp và lễ hội lớn của địa phương. Có giai đoạn đình còn được dùng làm bệnh viện, trường học, là kho chứa lương thực, vũ khí, có khi được dùng làm nơi tổ chức các sự kiện trọng đại của huyện, xã, như: đại hội đảng bộ huyện, đại hội đảng bộ xã...

Kim Sơn giàu truyền thống văn hóaCổng làng đã được xây dựng lại.

Tuy vậy, không gì có thể chống đỡ với sự tàn phá của thời gian, những năm gần đây đình làng xuống cấp nặng. Nền đình sụt lún, khiến mái đình xô về phía trước khoảng 20 - 30cm, hệ thống cột gỗ quý giá như lim, sến cũng bị mối mọt nhiều.

Và vùng quê đang phát triển

Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Phạm Văn Bình, trưởng thôn cho biết: Thôn Kim Sơn hiện có gần 315 hộ với 1.120 nhân khẩu. Để tạo nên diện mạo mới cho quê hương, một trong những giải pháp quan trọng được chúng tôi thực hiện tốt là xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với phong trào XDNTM bằng việc thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương, đặc biệt là xây dựng khu dân cư “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Diện mạo vùng quê này từ đường làng, ngõ xóm đã khang trang, rộng rãi; dọc hai bên đường nhiều ngôi nhà mới được xây dựng, cùng với đó là nhiều tuyến đường trồng hoa, cây xanh. Trong mỗi gia đình, chủ yếu người lớn tuổi làm nghề nông, còn người trẻ hầu hết làm việc cho các công ty, thu nhập trung bình đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Với việc xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”, các hộ gia đình ở đây đã chỉnh trang, sắp xếp nhà cửa, cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đây cũng là điều kiện để thôn đạt NTM kiểu mẫu năm 2023.

Kim Sơn giàu truyền thống văn hóaĐình Thượng Phú, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và cộng đồng của người dân thôn Kim Sơn, xã Hà Đông (Hà Trung).

Cũng là người con của làng, ông Phạm Thế Chinh, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Hà Đông, cho biết: Để nói về sự phát triển kinh tế - xã hội ở xã Hà Đông thì thôn Kim Sơn chính là điển hình. Bên cạnh đời sống được nâng cao, các thiết chế văn hóa luôn được bà con trân trọng giữ gìn. Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng, lễ hội làng Kim Sơn là nét sinh hoạt độc đáo.

Ông Trần Văn Nam, người trông coi đình Thượng Phú, nhớ lại: Trước đây, dịp hội làng bao giờ cũng có gánh hát tuồng biểu diễn. Gần 25 năm trông đình, tôi chứng kiến biết bao sự đổi thay của từng gia đình, từng nếp nhà. Điều mừng vui nhất là thấy người trong thôn vẫn yêu thương và chia sẻ với nhau.

Theo thông tin từ Bí thư Đảng ủy xã, ông Phạm Văn Vĩnh, cho biết: Dự án tôn tạo và trùng tu đình Thượng Phú đã được phê duyệt 8,6 tỷ. Hiện nay cơ bản xong phần thẩm định, đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu. Khoảng chừng 3 tháng nữa đình sẽ hoàn tất việc trùng tu. Đây là điều bà con trong thôn Kim Sơn nói riêng và xã Hà Đông nói chung chờ đợi từ rất lâu rồi. Ngôi đình chính là không gian văn hóa, là ngôi nhà chung của bà con trong làng trong xã. Vì thế chúng tôi thường nói với nhau, chưa đến đình Thượng Phú thì chưa biết gì về thôn Kim Sơn và người Kim Sơn.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]