Kỳ nghỉ dài cùng câu chuyện giáo dục giới tính
Nghỉ hè được xem là kỳ nghỉ trưởng thành, là cơ hội tốt để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó, giáo dục giới tính, một trong những nội dung luôn được quan tâm, chú trọng...
Học viên Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Tâm Việt trả lời câu hỏi trắc nghiệm về tuổi dậy thì. Ảnh trung tâm cung cấp
Đón nhận tích cực
Trong các ngày từ 5/6 - 14/6, tại Trung đoàn 270 trực thuộc Sư đoàn 341 và tại Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh, thiếu nhi (TP Sầm Sơn) diễn ra chương trình “Học kỳ trong quân đội” (đợt 1). Đây là chương trình giáo dục tổng hợp, rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội cho học viên. Qua chương trình, các em sẽ được hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng phòng chống đuối nước hay giáo dục giới tính... Riêng vấn đề giáo dục giới tính, học viên được tiếp xúc qua 2 chuyên đề: “Kỹ năng bộc lộ và kiểm soát cảm xúc” và “Tình bạn, tình yêu tuổi học trò” dưới sự truyền đạt của bà Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý giáo dục kỹ năng sống Báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng.
Qua những chuyên đề này đã giúp cho 247 học viên trong và ngoài tỉnh nâng cao sự hiểu biết về giới tính, về tình dục... Theo như chia sẻ của nhiều học viên, có những nội dung mà ở nhà, ở trường các em chưa có được nhiều sự hướng dẫn, chỉ bảo của bố mẹ, thầy cô. Nhưng tại đây, trong chương trình này, chuyên gia sẽ là người trực tiếp chia sẻ về những vấn đề các em quan tâm, đó là phát triển tâm sinh lý hoặc khi nào có thể bộc lộ cảm xúc của mình với người khác hay nếu không may bị xâm hại thì sẽ phải làm gì... Nguyễn Thị Tuệ Minh, 14 tuổi, đến từ quận Hà Đông (Hà Nội) đã có thêm sự hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS từ những buổi giáo dục giới tính này. “Lâu nay, em vẫn nghĩ HIV chỉ lây qua đường máu”, Tuệ Minh nói. “Tuy nhiên, qua lớp học, em biết thêm, HIV còn lây bằng con đường tình dục”. Cũng như Tuệ Minh, Nguyễn Tiến Đạt, 17 tuổi ở phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) cho rằng, giáo dục giới tính là nội dung với nhiều điều bổ ích.
Là một nội dung trong chương trình “Học kỳ trong quân đội”, chuyên đề về giáo dục giới tính đã thực sự mang lại hứng thú, được học viên tích cực đón nhận. Quan trọng, học viên đã hiểu hơn về những thay đổi bình thường của tuổi dậy thì và cả những hành vi bất thường mà bản thân không nhận ra để điều chỉnh sao cho đúng và để lớn lên một cách an toàn. Theo chị Nguyễn Thị Hiền, Quyền Trưởng Phòng Đào tạo nghiệp vụ Trung tâm Hoạt động và Bồi dưỡng cán bộ thanh, thiếu nhi thì chuyên đề về giáo dục giới tính, tình bạn tình yêu cũng là điểm nhấn trong chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm nay. Chị nói: “Nhìn nhận một thực tế, vấn đề giáo dục giới tính, ở nhà bố mẹ không dạy nhiều, các thầy cô ở trường nặng về kiến thức khoa học còn những kỹ năng mềm không dạy. Các bạn ấy gần như phải tự lớn. Thực hiện chuyên đề này, chúng tôi rất mừng khi học viên hào hứng, mạnh dạn, thẳng thắn, tự tin với những điều mà các em muốn quan tâm, chia sẻ...”.
“Nghệ thuật” truyền đạt thông tin
Thực tế cho thấy, để xóa bỏ những ngại ngùng, xấu hổ khi đề cập đến vấn đề giới tính thì phương pháp truyền đạt thông tin, kiến thức của chuyên gia, giáo viên là cả một nghệ thuật. Nếu không có cách dạy hấp dẫn, sáng tạo thì khó thuyết phục được học viên ở một vấn đề rất khó nói này. Theo cô giáo Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Tâm Việt (TP Thanh Hóa): “Điều quan trọng, khi nói một vấn đề rất nhạy cảm thì giáo viên cũng cần phải tạo tâm lý cho học viên. Chính giáo viên cũng phải làm mềm cách truyền đạt, không quá cứng nhắc và thô”.
Hình ảnh về buổi giáo dục giới tính của chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy với học viên chương trình "Học kỳ trong quân đội". Ảnh trung tâm cung cấp
Trong quá trình giảng dạy, theo chuyên gia Nguyễn Lệ Thủy cần có cả sự hài hước bằng ngôn ngữ hình thể, bằng những câu chuyện, hình ảnh dễ thương để xóa những ngại ngùng cho học viên khi nói về vấn đề giới tính. Cần chú ý, không lý thuyết hóa, không khô cứng bằng những cái gạch đầu dòng mà bằng lối ví von so sánh... Đơn cử, khi nói về bộ phận sinh dục, chuyên gia đã chia sẻ: “Với bạn nữ gọi là mấu chốt tình yêu, còn bạn nam gọi là cần tăng dân số. Hai bộ phận này chỉ được kích hoạt đúng chức năng khi bước vào cái tuổi đủ chín chắn, là tuổi công dân rồi. Và chúng ta phải có nhận thức và trách nhiệm với những việc làm của mình, quan trọng phải thực hiện đúng thời điểm và gặp đúng người...”.
Một thực tế đau lòng khi tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên ngày càng tăng. Bên cạnh đó, không ít trường hợp học sinh làm mẹ ở tuổi 12 - 13. Gần đây nhất, một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội đã bị xâm hại, phải sinh con... Từ những buổi chuyên đề về giáo dục giới tính, góp phần giúp học sinh hiểu hơn về giá trị bản thân, các vấn đề liên quan đến sinh lý, tình dục, giới tính và xã hội.... “Tôi tin rằng, qua những chuyên đề này, các em sẽ hiểu bản thân hơn, từ đó có cách điều chỉnh hành vi cũng như cảm xúc để vượt qua giai đoạn dậy thì một cách an toàn nhất. Khi đã trang bị cho mình những kỹ năng, các em sẽ tự tin hơn trong phòng tránh hành vi xấu, biết cách bảo vệ chính mình...”. Bà Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý giáo dục kỹ năng sống Báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng cho biết.
Vi An
- 2024-09-18 10:28:00
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật trong trường học
- 2024-09-18 10:19:00
Chương trình ngoại khóa ở Trường PTDT nội trú THCS huyện Bá Thước
- 2024-06-19 14:05:00
Thi tốt nghiệp THPT: Triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn
Như hoa hướng dương
Thủ khoa đầu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn: Yêu con số, thích thể thao
“Nới lỏng” nhưng liệu có “lạm phát”
Ngành giáo dục Như Thanh tích cực chuyển đổi số
Sĩ diện mùa thi
Lan tỏa phong trào thi đua từ Hội thi cán bộ, hội viên làm khuyến học giỏi
Thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả giai đoạn “nước rút"
Ngày hè của trẻ em vùng cao