(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Kỷ niệm Viên Chăn, đó là kỷ niệm của tôi với nước Lào tươi đẹp. Đó là tình hữu nghị Việt Lào qua mối quan hệ các nhà văn Việt Nam chúng tôi với các nhà văn Lào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm Viên Chăn

(VH&ĐS) Kỷ niệm Viên Chăn, đó là kỷ niệm của tôi với nước Lào tươi đẹp. Đó là tình hữu nghị Việt Lào qua mối quan hệ các nhà văn Việt Nam chúng tôi với các nhà văn Lào.

Đêm Lăm Vông hồng hoang

Ngày xưa, nghĩ về đất nước Lào, tôi nghĩ đến câu hát: Hoa Chăm Pa ơi, dân Lào yêu hoa đã bao năm rồi... Câu hát cứ ám vào tôi như một cái gì thân thiện nhưng xa xôi. Và tôi tự hỏi: Hoa Chăm Pa là hoa gì nhỉ. Mãi sau này tôi mới biết: Hoa Chăm Pa là Hoa đại, thơm trắng tinh khiết như tâm hồn trinh bạch của cô gái Lào xinh đẹp.

Những năm tôi còn học ở Học viện Nguyễn Ái Quốc Hà Nội (bây giờ là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đêm Lăm Vông như một đêm thiên thần với những người bạn Lào đang học ở đây. Nhạc Lăm Vông theo ánh lửa bập bùng. Những học viên thuở ấy, bây giờ họ đã là những cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của Lào rồi. Nhanh quá! Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ trôi qua từ cái đêm Lăm Vông nhịp đi nao lòng trong ánh lửa bập bùng, trong bóng đêm lung linh. Những người học viên của Lào năm ấy, họ nhớ đến Việt Nam là nhớ đến đêm múa Lăm Vông náo nhiệt và đầy chất âm thanh của văn hóa Lào tại Hà Nội mến yêu của tôi. Ước mơ của tôi là được thăm thủ đô Viên Chăn, không biết bao giờ!

Ấn tượng đầu tiên về nước Lào là Bolikhamxay

Thế rồi ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi được đoàn doanh nghiệp Việt Nam mời đi thăm Lào nhân dịp họ đi tìm cơ hội đầu tư tại Lào. Tôi đi còn có mục đích đến thăm Chủ tịch Hội Nhà văn Lào theo lá thư của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và tặng những tập thơ của tôi cho Thư viện Quốc gia Lào, Mrs. Kongdeuane Nettavong, theo Công văn của Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Phạm Thế Khang.

Bolikhamxay, điểm dừng chân đầu tiên tại Lào đầy ấn tượng. Những cánh rừng săng lẻ, những nhà sàn xám gio mái lá nép trong rừng già cổ xưa. Chúng tôi đi xe riêng từ biên giới Việt Lào qua Bolikhamxay. Cuối đông, nắng vẫn vàng tươi. Những người bạn Lào, những doanh nhân tiếp chúng tôi bằng rượu nút lá chuối như Việt Nam. Và lại nhảy Lăm Vông như 25 năm về trước.

Lá thư của nhà thơ Hữu Thỉnh cho Nhà văn Chanthy

Tôi không thể nào quên lần đầu tiên đến Viên Chăn. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có thư giới thiệu tôi với Nhà thơ Chanthy Deuansavanh, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào. Tôi đã chuẩn bị các tập thơ viết về Lào để tặng các bạn thơ Lào nhưng tôi đọc thơ bằng tiếng Việt, nhiều nhà văn Lào vừa vỗ tay vừa cười. Họ nói những câu: Hay lắm, hay lắm. Chả biết có thật hay không nhưng rõ ràng họ quý các nhà văn Việt Nam.

Chanthy Deuansavanh hẹn tôi qua điện thoại, ngày hôm sau đến nhà riêng của ông thăm nhà. Chanthy rất vui, ông kể lại những kỷ niệm được chụp ảnh với Bác Hồ ở Việt Bắc và Thái Nguyên rồi những năm Bác Hồ còn sống cuối đời, Chanthy được đến thăm Bác. Với Hữu Thỉnh anh kể lại nhiều những sự kiện mà tôi lần đầu tiên được biết đến như những lần ông đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam mà ông gọi là đến nhà mình. Hôm nay, rượu bia đầy mâm, vui quá. Cùng tiếp tôi còn có Phó Chủ tịch đối ngoại Hội Nhà văn Lào và Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Lào. Bạn Lào khi có hơi men thật vui. Tôi nói tôi có kế hoạch đi Bắc Lào. Chanthy hứa sẽ cùng đi rồi sau đó ông lại không đi được. Tôi mới nhận ra, Chanthy với Việt Nam như là người nhà rồi. Nói địa phương nào ông cũng biết, nói nhà văn nào ông cũng có kỷ niệm.

Tôi nhờ anh Lâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào dịch tập thơ của tôi Người núi - Người phố ra tiếng Lào. Nhà văn Chanthy bảo tôi: Không cần dịch ra tiếng Lào đâu, các nhà văn Lào biết tiếng Việt mà. Chanthy nói thế tôi rất cảm động. Ông còn bảo: Sang thăm Việt Nam , đáng lẽ tôiphải nói tiếng Lào và có phiên dịch ra tiếng Việt. Thân thiện như người nhà tôi quên mất thủ tục ngoại giao và nói tiếng Việt như người Việt Nam. Phiên dịch nhắc tôi, tôi cười bảo: Với Việt Nam, tôi không cần thủ tục ngoại giao đâu em ạ. Câu nói thật thân tình. Tôi đọc những bài thơ tôi mới sáng tác cho các bạn Lào nghe. Họ vỗ tay. Nhưng các bạn đọc thơ Lào thì tôi không hiểu.

Quan hệ hữu nghị Việt - Làovới các nhà văn

Bao giờ cũng thế thôi, quan hệ Việt - Lào, bắt đầu từ mối thân thiện của những người đứng đầu Quốc gia. Bác Hồ tạo mối thân thiện, tình đồng chí đặc biệt với Hoàng thân Xu Pha Nu Vông, Cay xỏn Phom Vi Hẳn. Và từ đó, các mối quan hệ khác mở ra. Giải thưởng Sông Mekong thực chất là để tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Lào và Căm Pu chia.

Đến Viên Chăn, tôi nghĩ đến lá thư của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UBTQ liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, gửi cho Nhà văn Chanthy mà tôi cầm tay gửi sang Viên Chăn và được nhà văn mời cơm tại nhà riêng trong một chiều cuối đông nắng đẹp. Quan hệ giữa hai dân tộc bắt đầu từ quan hệ thân thiện của hai người đứng đầu hai nhà nước. Quan hệ giữa hai nhà văn Việt Nam và Lào cũng thế thôi. Tôi nghĩ đến mối quan hệ rất thân thiện của Nhà thơ Hữu Thỉnh và Nhà văn Lào Chanthy.

Khi tôi tặng sách cho Thư viện Quốc gia Lào, Giám đốc thư viện, bà Kongdeuance Nettavong, đã đưa tôi đi xem những tác phẩm của các nhà văn Lào viết về Việt Nam và các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về Lào đã được giải thưởng Sông Mekong. Bà nói đã gặp Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Phạm Thế Khang. Được Giám đốc Phạm Thế Khang mời cơm thân mật ở một nhà hàng sang trọng nhất của Hà Nội. Đấy là những ấn tượng cụ thể của mối quan hệ đặc biệt của Việt Nam Lào.

Ngày tôi được đi cùng nhà văn Đào Thắng và đoàn nhà văn Việt Nam qua thăm biên giới Lào theo cửa khẩu Tây Trang của tỉnh Điện Biên, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Tây Trang và bên kia là các chiến sỹ biên phòngtỉnh bạn Lào, đã tiếp chúng tôi thân tình và vồn vã. Chuyến đi ấy đã chuẩn bị cho Đào Thắng đi Luông Pha Băng để viết bài ký Dấu thiêng Luông Pha Băng, có hình ảnh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi những năm đầu đời đã sống ở cố đô Luông Pha Băng rồi bây giờ, các bạn nhà văn Lào vẫn nhớ ở cố đô Lào,nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi của Việt Nam đã sống những năm đầu đời.

Kỷ niệm Viên Chăn, đó là kỷ niệm của tôi với nước Lào tươi đẹp. Đó là tình hữu nghị Việt Lào qua mối quan hệ các nhà văn Việt Nam chúng tôi với các nhà văn Lào. Mãi mãi tôi không quên Viên Chăn tươi đẹp.

Lê Tuấn Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]