“Lạc” bước giữa quê nhà: Đi tìm... hộ nghèo
Bản chất trong XDNTM nói chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, điều này cũng có nghĩa, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần và thậm chí không có hộ nghèo (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội). Một bức tranh no ấm đã và đang dần hiện lên...
Cây bưởi Luận Văn mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình ông “Tư râu”.
Năm 2021, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thời điểm này, tỉ lệ hộ nghèo của xã là 3,3%. Nếu nhìn lại hơn 10 năm về trước, vào năm 2010 với hơn 50% hộ nghèo thì càng thấy rõ sự vượt khó trong câu chuyện giảm nghèo ở Thọ Xương.
Vẫn biết, công tác giảm nghèo chưa bao giờ là dễ. Và để làm được và làm có hiệu quả cần nhiều giải pháp, cách làm. Một xã vùng trung du với hơn 2/3 dân số là đồng bào giáo dân thì lại càng đặt ra nhiều cái khó cho Thọ Xương, nhất là trong phát triển kinh tế. Nếu xác định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế thì sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và chất lượng cuộc sống theo đó sẽ được nâng lên. Khi đã giải được bài toán việc làm thì công tác giảm nghèo chắc chắn sẽ có nhiều tín hiệu vui...
Hướng đi của Thọ Xương là ưu tiên phát triển nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất... Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh đa dạng hóa ngành nghề, phát triển hoạt động dịch vụ thương mại... Mục tiêu cụ thể đã tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2024, bình quân thu nhập đầu người tại đây là 69 triệu đồng/năm.
Nói đến Thọ Xương là nói đến đặc sản bưởi Luận Văn, sản phẩm đã được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, đây cũng là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Bưởi Luận Văn đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo? “Đúng như vậy”. Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, ông Phạm Đình Lực trả lời chắc nịch. Ông nói: “Dựa vào một số yếu tố để khẳng định giá trị kinh tế của giống bưởi này. Đó là địa phương đã thực hiện tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất tập trung và đã giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Hiệu quả trong sản xuất bưởi Luận Văn đã tác động tích cực trên nhiều mặt của đời sống xã hội...”.
Bưởi Luận Văn là sản vật quốc gia từ thời Hậu Lê và được cung tiến cho vua, triều đình vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Bưởi có hình bầu dục, đỉnh quả lồi, vỏ quả khi chín màu đỏ tươi, cùi đỏ hồng, tôm bưởi đỏ sẫm, giòn, múi đều, ngọt và chua nhẹ, hơi the và có mùi thơm đặc trưng. Hiện nay, giống bưởi đặc sản này được trồng chủ yếu theo hình thức vườn đồi trong hộ gia đình với tổng diện tích 56,2ha, trong đó có 20ha đã cho quả, sản lượng bưởi hàng năm ước đạt 400 tấn.
Ở Thọ Xương, người ta nói nhiều về ông Nguyễn Văn Tư (hay còn gọi ông “Tư râu”) ở thôn Thủ Trinh. Sở dĩ nhắc nhiều, nói nhiều cũng bởi ông đã từng “cưỡi mây lên tiên”. Đấy là theo cách nói ví von của ông. Chuyện xảy ra đã lâu, vào năm 1996, khi ông “Tư râu” mới 29 tuổi. Thời của tuổi trẻ với những cuộc vui đã “đẩy” ông dính vào tệ nạn. “Tư râu” phải vào trại cai nghiện. Vì ông, của cải trong nhà cứ thế “đội nón ra đi”. Gia đình ông khó khăn từ đấy. Hoàn lương, ông về quê chăn nuôi gà, vịt... Khi giống bưởi Luận Văn được khôi phục thành công vào năm 2012, trong khi một số người không hưởng ứng thì “Tư râu” lại hào hứng nhận trồng giống cây đặc sản này. Từ thí điểm trồng 0,5ha bưởi thì đến nay diện tích đã được mở rộng lên 3ha, cho lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/năm. “Mở mắt ra, tôi đã nhìn thấy bưởi vì trước đây, bố tôi đã từng trồng. Khi giống bưởi Luận Văn được khôi phục, tôi lại quay về để gắn bó... Nhờ cây trồng đặc sản này, từ chỗ trắng tay thì giờ tay đã không còn trắng, cuộc sống đã đủ đầy...”, ông “Tư râu” cho biết.
Với cách thoát khó, thoát nghèo nhờ cây đặc sản địa phương để làm giàu như ông “Tư râu”, ở Thọ Xương có nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là trong câu chuyện giảm nghèo ở Thọ Xương chỉ có cây bưởi Luận Văn mới mang lại sự thay đổi trong thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, phải khẳng định, cây bưởi Luận Văn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao, đã góp phần đẩy lùi cái nghèo ở Thọ Xương.
Không có cây đặc sản như Thọ Xương, với một xã đã từng là xã đặc biệt khó khăn như xã Phượng Nghi (Như Thanh) thì câu chuyện giảm nghèo còn khó gấp nhiều lần. 12 năm với cuộc hành trình XDNTM, Phượng Nghi với điểm xuất phát thấp, chỉ đạt 2/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người dừng ở 7,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%... 12 năm sau, địa phương đã có sự “lột xác” với thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1%...
Sẽ bắt đầu từ đâu trong câu chuyện giảm nghèo ở Phượng Nghi? Trước tiên, phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho Nhân dân. Phát triển sản xuất theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao, chất lượng... Xã đạt chuẩn NTM đã về với Phượng Nghi và thực tế để đến được đích này thì xã nhà chủ yếu đi lên bằng nội lực. “Với đơn vị đạt NTM kiểu mẫu hay NTM nâng cao thì Phượng Nghi không dám so sánh nhưng trên cái nền của mình với tiềm năng, lợi thế hạn chế như vậy nhưng đã có những bứt phá thì xem như thành công lớn”, ông Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi nhấn mạnh.
Vậy nên, mới có được câu chuyện giảm nghèo thành công ở xã Phượng Nghi, từ trên 50% tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 4,1% (chủ yếu nghèo thuộc diện bảo trợ). Khi đạt tiêu chí hộ nghèo trong XDNTM nói chung cũng đồng nghĩa một bức tranh no ấm đã và đang dần hiện lên...
Bài và ảnh: Bằng An
{name} - {time}
-
2024-11-30 07:44:00
Câu chuyện hé lộ từ dấu chân 1,5 triệu năm tuổi
-
2024-11-30 07:00:00
Bản tin Tài chính 30/11: Chuyên gia đưa cảnh báo, giá vàng chính thức ngắt đà tăng?
-
2024-11-29 20:35:00
Ra khơi mùa biển động
[Infographics] - Cảnh giác lừa đảo tải, cài ứng dụng VNeID giả mạo
Người dân bất an vì biển xâm thực mạnh
Hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu
Yêu cầu tinh gọn
“Lạc” bước giữa quê nhà: Chạm ngõ...
Bản tin Tài chính 29/11: Giá vàng giằng co, chưa có nhiều biến động
6 trường hợp được chọn hưởng lương hưu hoặc Bảo hiểm xã hội 1 lần