(vhds.baothanhhoa.vn) - Thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm... nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên chính quê hương của mình. Đó là câu chuyện làm kinh tế và cả những khát vọng của những phụ nữ như chị Lộc Thị Thoa, Phạm Thị Huệ...

Làm kinh tế trên đất quê hương

Thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm... nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên chính quê hương của mình. Đó là câu chuyện làm kinh tế và cả những khát vọng của những phụ nữ như chị Lộc Thị Thoa, Phạm Thị Huệ...

Làm kinh tế trên đất quê hươngMô hình nuôi trai lấy ngọc trên hồ Khe Dài của gia đình chị Phạm Thị Huệ xã Xuân Phúc (Như Thanh) đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Cách trung tâm huyện Quan Hóa hơn 40km, Hiền Kiệt là xã vùng biên của xứ Thanh. Nơi đây, có những con suối, dãy núi bao bọc và dưới những tán rừng nơi bản làng Hiền Kiệt, có một loại chè xanh - “sản vật” được mẹ thiên nhiên ban tặng cho đất và người Hiền Kiệt, được gọi tên chè Tán Ma.

Không ai biết cây chè xuất hiện ở núi rừng Hiền Kiệt từ bao giờ, cũng chẳng biết, ai đã đặt tên là chè Tán Ma?! Nhưng người già trong làng thì vẫn kể cho cháu con nghe, chè Tán Ma có nghĩa là chào mừng khách quý đến nhà.

Từ thuở xa xưa, cây chè Tán Ma mọc tự nhiên trong những cánh rừng, ngọn núi, hấp thụ khí trời, đất mẹ vùng biên viễn. Suốt hàng trăm năm qua, người dân bản ở Hiền Kiệt đã biết vào rừng hái chè về chế biến và sử dụng trong gia đình, mời khách khi đến nhà.

Cây chè và sản phẩm chè Tán Ma gắn liền với sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ dân tộc Thái ở Hiền Kiệt. Là các bà, các mẹ, đôi chân chẳng quản ngại băng rừng, lội suối vào rừng hái từng búp trà non đầy gùi mang về nhà. Rồi với “bí quyết” vò, ủ, phơi cầu kỳ theo kinh nghiệm truyền đời của người xưa, từ đó mà cho ra hương vị chè khác biệt.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây chè Tán Ma, từ năm 2020, chị Lộc Thị Thoa - người phụ nữ dân tộc Thái ở Hiền Kiệt, khi đó là Chủ tịch Hội LHPN xã đã quyết định thành lập tổ HTX chè Tán Ma Hiền Kiệt. Chị kêu gọi các chị em, hộ gia đình trồng chè ở địa phương tham gia tổ HTX nhằm liên kết, tạo nên “sức mạnh” tập thể, để cùng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè quê hương.

“Ban đầu, tổ HTX chỉ có 11 hộ gia đình tham gia, đến nay đã có 25 hộ tham gia. Khi tham gia tổ HTX, bên cạnh kinh nghiệm vốn có, các hộ gia đình đều phải tuân thủ quy trình về việc thu hái, chế biến. Có như vậy mới tạo sự đồng nhất về chất lượng, uy tín của sản phẩm truyền thống, cũng là cách để nâng tầm giá trị, tạo thương hiệu cho sản phẩm chè Tán Ma Hiền Kiệt. Với trách nhiệm là chủ nhiệm tổ HTX, tôi tuyên truyền thường xuyên để bà con, chị em tham gia tổ hợp tác hiểu rõ, cùng nhau cố gắng” - chị Lộc Thị Thoa chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, chè Tán Ma Hiền Kiệt đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Giá chè trên thị trường từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho các hộ dân trồng chè ở xã vùng biên Hiền Kiệt. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, sản phẩm chè Tán Ma còn giúp cho nhiều chị em phụ nữ ở Hiền Kiệt thoát nghèo, kinh tế ổn định, như gia đình chị Lộc Thị Hoài; Lộc Thị Thơm; Ngân Thị Hiệp... Để có những kết quả đó, có đóng góp không nhỏ của Chủ tịch Hội LHPN xã Hiền Kiệt, cũng là chủ nhiệm tổ HTX chè Tán Ma Hiền Kiệt, Lộc Thị Thoa.

“Nếu như sản phẩm chè Tán Ma của bà con Hiền Kiệt trước đây chủ yếu chỉ dùng trong gia đình và tiêu thụ tại chỗ thì giờ đây đã được mở rộng đi khắp huyện Quan Hóa, đưa đi các huyện trong tỉnh và một số tỉnh ngoài. Tuy nhiên, với diện tích 50ha chè Tán Ma trên địa bàn xã, mỗi năm cho thu hoạch 3 lần (tháng 2, tháng 5, tháng 10) thì số lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế so với sản lượng thực tế. Sản phẩm chè Tán Ma Hiền Kiệt của tổ HTX chúng tôi hiện đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, có bao bì, đóng gói đẹp mắt. Để mở rộng việc tiêu thụ, với trách nhiệm là chủ nhiệm tổ HTX, trong thời gian tới, tôi đang tính toán đến việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Thời gian đầu xác định nhiều khó khăn nhưng về lâu dài đây sẽ là giải pháp để phát triển bền vững, giúp bà con, chị em phụ nữ ở Hiền Kiệt thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế bằng chính sản vật quê hương mình” - chị Lộc Thị Thoa chia sẻ.

Nếu như, chị Lộc Thị Thoa - người phụ nữ dân tộc Thái trăn trở với việc phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu cho “sản vật” chè quê hương. Thì thị Phạm Thị Huệ, người Mường, xã Xuân Phúc (Như Thanh) lại ấp ủ khát vọng đến một ngày có thể xây dựng nên một “thương hiệu” ngọc trai của người xứ Thanh.

Là người dân tộc Mường ở huyện Bá Thước, hơn 20 năm trước chị Phạm Thị Huệ về làm dâu xã Xuân Phúc. Vốn là người hay lam hay làm, không ngại học hỏi cái mới, chị Phạm Thị Huệ thường xuyên trăn trở với việc “trồng gì, nuôi gì” cho hiệu quả kinh tế, làm giàu trên quê hương.

Chị Phạm Thị Huệ cho biết: “Gia đình tôi nhiều năm nay thầu diện tích mặt nước hồ Khe Dài để chăn nuôi cá. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi cá gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều lần đứng trước hồ Khe Dài mênh mông, đẹp tựa bức tranh, tôi cứ nghĩ mãi về việc phải thay đổi... Năm 2020, tôi bàn với chồng tận dụng diện tích mặt nước có sẵn để nuôi vịt Cổ Lũng. Do việc nuôi vịt Cổ Lũng cần đầu tư giống ban đầu lớn, giá bán lại cao nên mọi người đều khuyên tôi nên tính toán cẩn thận vì sợ đầu ra khó khăn...”.

Làm kinh tế trên đất quê hươngChị Lộc Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã, Chủ nhiệm Tổ HTX chè Tán Ma Hiền Kiệt giới thiệu sản phẩm chè Tán Ma với khách hàng.

Với quyết tâm, từ 100 con vịt Cổ Lũng ban đầu, đến nay, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Huệ đã xuất bán đến gần 10.000 con với giá ổn định, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng trong năm 2020, cùng với việc quyết định nuôi vịt Cổ Lũng, chị Phạm Thị Huệ cũng có một quyết định táo bạo - nuôi trai lấy ngọc. “Khi đó, cả gia đình, chồng, người thân của tôi đều phản đối. Nếu như ở các tỉnh khác, việc nuôi trai lấy ngọc không còn xa lạ, thì tại Thanh Hóa, đây vẫn là điều khá mới. Chưa kể, trước đó cũng có một số người thử nghiệm song đều thất bại. Tuy nhiên, sau khi đi tham quan, học hỏi một số mô hình, tìm hiểu kỹ thì tôi vẫn quyết định mình phải thử” - chị Phạm Thị Huệ nhớ lại.

Và như thế, chị lại đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi thử nghiệm 3.000 con trai trên hồ Khe Dài. Sau 4 năm, tỷ lệ trai còn sống đạt 75% và đã bắt đầu cho thu hoạch ngọc. Tuy nhiên, khi trai đã bắt đầu cho ngọc thì chị Phạm Thị Huệ lại có những dự tính riêng. Chị chia sẻ: “Giờ đây, nếu khai thác trai lấy ngọc, nhập cho các đầu mối thu mua thì quá đơn giản, cũng đồng nghĩa là hiệu quả kinh tế không cao. Xuân Phúc nằm ở “vùng đệm” của Vườn Quốc gia Bến En, tôi dự định, từ ngọc trai thu hoạch được, có thể mở cửa hàng chế tác, thuê những người thợ có tay nghề về để tạo nên những sản phẩm ngọc trai mang “thương hiệu” của người Thanh Hóa”.

Dẫu vậy, là người từng trải, chị Phạm Thị Huệ cũng hiểu: “Nuôi trai lấy ngọc đã khó, mở cửa hàng chế tác - xây dựng thương hiệu ngọc trai khó hơn bội phần. Nên cần phải tính toán thật kỹ. Nếu tìm được nhà đầu tư, người có kinh nghiệm cùng hợp tác thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dù có mạo hiểm, có vất vả nhưng tôi thấy vui vì mình đã chọn đúng, đi đúng hướng”.

Bà Mai Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh, đánh giá: “Chị Phạm Thị Huệ là hội viên năng nổ, dám nghĩ, mạnh dạn thay đổi “lối mòn” tư duy. Mô hình nuôi vịt Cổ Lũng kết hợp nuôi trai lấy ngọc của chị đã bước đầu cho hiệu quả, được đánh giá khá cao. Từ những hội viên phụ nữ mạnh dạn, sáng tạo trong làm kinh tế như chị Phạm Thị Huệ, hy vọng có thể tạo sức lan tỏa đến các chị em phụ nữ, đặc biệt là với chị em phụ nữ là người dân tộc thiểu số trong việc thay đổi tư duy, mạnh dạn làm kinh tế trên chính quê hương”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]