Làng Ái và hương vị quê
Được bồi tụ bởi phù sa sông Mã, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt những loại cây trồng như: lúa, đỗ, ngô... rất năng suất. Bởi thế mà từ xa xưa, người dân xã Định Hải (Yên Định) nói chung và Nhân dân làng Ái (nay là thôn Ái Thôn) đã không bị đói, bị khổ.
Đình làng Ái được xây dựng lại nhờ sự đóng góp của Nhân dân trong thôn.
Làng Ái được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, trong đó những dòng họ Trịnh, Lê và Nguyễn đến đây sinh cơ lập nghiệp từ khá sớm. Thuở ban đầu làng có tên là “Khát hương thôn” thuộc tổng Đa Lộc. Vì thế, trong vài thế kỷ, người dân không ai nói đến từ “Khát”, vì sợ phạm húy, sợ bị quan trên khiển trách. Sau này, Khát hương thôn được đổi tên thành làng Ái với mong muốn Nhân dân cùng yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Giới thiệu với chúng tôi sơ lược về các ngành nghề của người dân trong thôn, ông Ngô Văn Quý, Trưởng thôn Ái Thôn, cho biết: Người dân làng tôi sống chủ yếu bằng nghề nông. Làng có các xứ đồng, gồm: Giữa đồng, Chăm trong, Chăm ngoài, Nổ giàng, Bái cốc, Ruộng mã, Cồn kho, Đồng Mỹ, Kỳ Thú, Tho Lo, Mỹ Xu, Bờ Bón, Cồn họ Hoàng, Kho Làng... Trước đây, người dân trong làng chỉ biết làm ruộng, nên những cái tên đất, tên cồn, tên mả đều gắn với công việc của nghề nông.
Làng Ái vốn là nơi tập trung nhiều công trình văn hóa, tâm linh, như: đình, đền, phủ, miếu. Đặc biệt là đình làng Ái - thờ thành hoàng làng; phủ thờ Đô đốc Võ tướng công... là những người có công giữ yên bờ cõi quê hương, đất nước nằm ở chân núi Tiên...
Tuy nhiên, trong những năm kháng chiến chống Pháp các công trình đã bị bom đạn phá hư hỏng hoàn toàn. “Nếu để nói về điều đặc biệt của làng Ái, không thể không nhắc tới sự kiện ngày 10/7/1952 (âm lịch), thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống Xí nghiệp công binh xưởng Phạm Ngũ Lão (khu 3) đã làm 47 người dân làng Ái chết và nhiều người khác bị thương. Trong đó có 3 gia đình tất cả các thành viên đều thiệt mạng. Ngày này hằng năm được người dân trong làng gọi là ngày giỗ bom”, bà Trịnh Thị Duyên, Bí thư chi bộ thôn Ái Thôn, cho biết.
Kể từ sau sự kiện đó, người dân làng Ái phát huy truyền thống yêu nước, nhiều người đã tham gia dân quân du kích, bộ đội chủ lực, tham gia rào làng kháng chiến, đào giao thông ngầm, hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ... Trong khói bom, đạn lửa, nhiều người con ưu tú của làng Ái không chỉ giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng mà sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhân dân Định Hải nói chung, làng Ái nói riêng thực hiện nhiều phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, góp phần hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đồng thời là hậu phương lớn, cùng quân dân miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
Theo gia phả họ Trịnh, người làng Ái có mối quan hệ khăng khít với người làng Hổ và làng Vệ. Tương truyền, xưa ở làng Hổ có gia đình sinh được 3 người con trai. Sau khi trưởng thành, người con cả ở lại làng Hổ, người con thứ hai sang làng Vệ, còn em út ra làng Ái “trấn ải Mã giang”. Vì vậy, theo phong tục, cứ vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, 3 làng tổ chức cúng giỗ tại phủ Hổ để cầu bình an cho các gia đình, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Ngày nay, lễ hội được tổ chức ở đình làng. Ngôi đình cũ đã bị giặc Pháp bắn phá, song đến năm 2021, người dân trong làng đã cùng nhau đóng góp xây dựng lại. “Sau khi xây dựng đình, người dân thôn Ái Thôn tiếp tục dành mọi nguồn lực chung tay xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Nếu không có sự đoàn kết, quyết tâm của bà con thì thôn Ái Thôn không thể hoàn thành được các mục tiêu lớn”.
Chúng tôi về thôn Ái Thôn những ngày này, từ đầu làng tỏa đi khắp các con ngõ đều sạch sẽ, khang trang. Các công trình công cộng như điện, đường, cống, mương đều có sự góp sức của bà con Nhân dân. Bà Trịnh Thị Duyên, Bí thư chi bộ thôn chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở đây, từng ngày tôi chứng kiến những đổi thay về đời sống kinh tế vật chất của làng mình. Có một điều không thay đổi đó chính là nếp sống của làng. Xưa kia các bà các mẹ, ngày hội làng đều mặc áo dài, ngày nay, vào các ngày mùng 4 tháng giêng là lễ thượng thọ, đến lễ hội làng rồi ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các bà, các mẹ và thanh nữ đều mặc áo dài. Thậm chí, ngày vui của người làng người xóm, áo dài cũng là trang phục không thể thiếu. Đó là nét đẹp của làng Ái, quê tôi”.
Một số hình ảnh về thôn Ái Thôn, xã Định Hải (Yên Định).
Đã về đến đây, không ai không muốn một lần thưởng thức món tương làng Ái. Trưởng thôn Ngô Văn Quý cho biết: “Làng có 254 hộ, nhà nào cũng có những chiếc chum, vại sành để làm tương phục vụ đời sống hằng ngày. Có dịp về đây trong thời gian từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 âm lịch thì mọi người sẽ cảm nhận được hương vị làng quê tôi đậm đà thơm mùi đậu tương rang quện hương nếp”.
Gia đình bà Trịnh Thị Thảo đời này nối đời kia giữ nghề làm tương. “Ban đầu chỉ là phục vụ gia đình với những bữa cơm dân dã, nước tương không thể thiếu khi có các món ăn thanh đạm như rau muống luộc, bánh đúc... đến các món thịt dê, cá kho... Và sau những lần đưa tương ra chợ bán, được bà con trong và ngoài xã yêu thích, gia đình tôi đã làm nhiều hơn. Cũng nhờ những chum tương này mà gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định”, bà Thảo cho biết.
Cũng từ đó ở làng Ái không chỉ gia đình bà Thảo, nhiều hộ gia đình khác đã đầu tư quy mô sản xuất lớn hơn, vừa giữ được nghề truyền thống vừa góp phần thay đổi cuộc sống. Hiện nay, thôn Ái Thôn có khoảng 30 hộ đang duy trì phát triển sản xuất tương. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh dịch vụ tương làng Ái đã được thành lập với sự tham gia của 15 hộ nhằm giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, thống nhất kỹ thuật, nâng cao chất lượng và tiến tới bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
“Chúng tôi tự hào sản phẩm Tương làng Ái được công nhận OCOP 3 sao góp phần hoàn thiện các tiêu chí để xã Định Hải (Yên Định) đạt chuẩn NTM nâng cao. Việc sản phẩm được công nhận giá trị, thương hiệu sẽ tạo động lực, niềm tự hào giúp các hộ dân nơi đây vươn lên giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn”, bà Trịnh Thị Duyên, Bí thư chi bộ thôn cho biết.
Làng Ái xưa, nay là thôn Ái Thôn đang ngày một thay đổi, nhưng hương vị quê thì vẫn luôn được người dân giữ gìn. “Cùng với 4 thôn khác, thôn Ái Thôn đã bảo lưu được những giá trị quý báu của văn hóa làng như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau”... Từ đó đã xây dựng Định Hải trở thành xã NTM nâng cao như ngày nay”, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hải khẳng định.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-10-22 16:02:00
Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát, đánh giá tiềm năng một số điểm du lịch miền Tây Thanh Hóa
Thái Lan-Campuchia thúc đẩy triển khai sáng kiến “6 quốc gia, 1 điểm đến”
Thường Xuân phát triển du lịch gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống
Nét đẹp truyền thống làng Mỹ Lâm
[Wow! Thanh Hóa] Huyền bí Động Tiên Sơn: Chuyện xưa tích cũ tại miền đất xứ Thanh
Việt Nam lọt top danh sách 20 quốc gia được du khách toàn cầu yêu thích nhất
Ninh Bình sẽ phục dựng bối cảnh cho phim cổ trang để trở thành điểm đến điện ảnh
Tiềm năng du lịch trên đất Yên Thắng
Du lịch biển mùa đông có gì?
Sau 9 tháng tăng trưởng, du lịch Việt có thể “cán mốc” đón 17 triệu du khách