Làng Canh Hoạch trên đất Xuân Lai
Có tuổi đời gần một ngàn năm, làng Kẻ Thạc (nay là làng Canh Hoạch) ở Xuân Lai là một trong số ít ngôi làng cổ nổi tiếng của huyện Thọ Xuân.
Ông Hoàng Đình Tư, Trưởng làng Canh Hoạch giới thiệu về 4 bức sắc phong - "báu vật" của làng.
Theo sách Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lai (1953-2023), lúc đầu làng có tên là Canh Tạc, theo câu “Canh Tạc nhi lạc”, về sau do đọc chệch mà thành Canh Thạc. Đến thời Lê Thái tổ được đổi thành Canh Hoạch. Nhiều tài liệu lịch sử còn ghi, kể từ năm 1505, đời vua Lê Uy Mục, làng Canh Hoạch thuộc huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Đời Minh Mệnh nhà Nguyễn, làng Canh Hoạch thuộc tổng Phú Hà, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Đưa chúng tôi đến đình làng, ông Hoàng Đình Tư, Trưởng làng Canh Hoạch, giới thiệu: Vào đầu thế kỷ XV, ở làng Canh Hoạch có một cậu bé khôi ngô tuấn tú tên là Phạm Hồng. Khi Bình định vương Lê Lợi đem quân đánh đồn Lỗi Giang có đi qua làng, trẻ con nhìn thấy quan quân, voi ngựa thì hoảng sợ bỏ chạy. Duy chỉ còn lại cậu bé vẫn ngồi trên đê, lấy đất thó đắp thành, quân sĩ đuổi không đi. Thấy lạ Lê Lợi dừng lại hỏi: “Tại sao thấy binh tướng của ta đi đánh dẹp giặc, nhà ngươi không tránh?”, cậu bé trả lời: “Xưa nay, binh tượng phải tránh thành, thành quách không tránh được binh tượng”. Thấy cậu bé thông minh, Lê Lợi đã hỏi thêm một số kế sách đánh giặc. Sau khi đánh đuổi giặc, lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi cho người về làng Canh Hoạch tìm người đã giúp mình để phong thưởng, nhưng cậu bé đã chết. Vua bèn ban sắc phong và cho làng Canh Hoạch lập đền thờ phụng.
Trải qua thời gian, đình làng đã 4 lần được ban sắc phong. Đó là vào năm 1822 niên hiệu Minh Mệnh; năm 1850 niên hiệu Tự Đức; năm 1909 niên hiệu Duy Tân và năm 1924 niên hiệu Khải Định. “Cả 4 sắc phong đều được giữ gìn cẩn thận, dân làng coi như báu vật, là niềm tự hào rất lớn lao”, ông Tư cho biết.
Một điều lạ là trên đất này có bến Thạc, đón Thạc (chợ) lớn nhất vùng, mỗi tháng họp 6 phiên, thuyền lớn từ các nơi tấp nập về “ăn hàng”, nhưng cư dân Canh Hoạch không làm thương nghiệp mà chỉ thuần nông. Lý giải điều này, ông Hoàng Hùng, nhà nghiên cứu lịch sử cũng là người con của đất Xuân Lai cho biết: “Có lẽ vì tập trung vào việc học mà dân làng Canh Hoạch không chú ý đến giao thương. Tuy vậy, ở nơi đất đai màu mỡ, trù phú này, bà con cũng không nghèo, không khổ. Câu ca khoai bãi Đằn, ngô bãi Giấy, là để chỉ hai loại cây lương thực chính và đã từng được đưa vào dâng tiến vua quan nhà Lê ở kinh đô Yên Trường, xã Thọ Lập ngày nay”.
Ở nơi mảnh đất hiếu học này, đã có nhiều người đỗ hương cống trong các khoa thi của nhà Lê như cụ Hà Trọng Diễn (tức Dẫn) đỗ khoa Ất Mão đời vua Lê Thuần tông; Hà Kim Đôi đỗ khoa Đinh Mão, đời vua Lê Hiển tông; Hà Đăng Tuấn, Hà Tông Điển, Hà Thế Lộc và nhiều người khác. Ngoài ra còn hàng chục người đỗ tú tài ở thời nhà Nguyễn. Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng giặc. Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Bình hạ chiếu Cần Vương kêu gọi tầng lớp sĩ phu và Nhân dân tham gia khởi nghĩa. 7 người ở làng Canh Hoạch tham gia khởi nghĩa Cần Vương, là những người có chức sắc trong triều đình nhà Nguyễn hoặc giữ cương vị chỉ huy trong nghĩa quân Ba Đình, Hùng Lĩnh. Khi căn cứ Ba Đình, Hùng Lĩnh thất thủ, một bộ phận nghĩa quân chạy lên Mã Cao, một bộ phận chạy lên Ngọc Lặc, những người ở lại làng thực hiện nhiệm vụ tiếp tế lương thực thực phẩm cho nghĩa quân.
Nhắc đến tinh thần yêu nước và hiếu học ở Canh Hoạch không thể không nhắc tới cụ Hà Duyên Đạt và Hà Duyên Kỳ là hai thành viên tham gia tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng. Cụ Đạt vốn là người dạy học và làm nghề bốc thuốc. Tuy nhiên, khi Đảng ra đời, cụ và một số thành viên khác đã chuyển sang hoạt động trong tổ chức Đảng cộng sản. Năm 1931, cụ đã được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách phong trào cách mạng Thọ Xuân. Cuộc đời cụ là chuỗi ngày hoạt động cách mạng, kể cả sau khi ra tù bị địch quản chế, cụ vẫn liên lạc với cấp trên, thành lập “Hội tương tế ái hữu” làng Canh Hoạch.
Làng Canh Hoạch hôm nay đã nhiều đổi thay.
Nói thêm về dòng họ Hà Duyên, tại làng Canh Hoạch, xã Xuân Lai đến nay đã là đời thứ 20. Trong các cuộc kháng chiến, dòng họ Hà Duyên có hàng trăm lượt người tham gia bộ đội, dân công hỏa tuyến, TNXP; có 2 gia đình ân nhân cách mạng được Nhà nước tặng Bằng “Gia đình có công với nước”; 2 cán bộ lão thành cách mạng; hàng chục gia đình có chồng, con là liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhiều người được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến,... Hiện, dòng họ Hà Duyên ở Canh Hoạch nhiều người có học hàm, học vị cao, đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị. Ngay tại địa phương những người con dòng họ Hà Duyên cũng luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, tích cực thi đua, lao động sản xuất, có cuộc sống khá giả, con cháu thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động...
Làng cổ Canh Hoạch có nền văn hóa truyền thống và tín ngưỡng đa thần giáo. Trước kia, ngoài đình thờ Thành hoàng, làng còn có hai chùa: Kim Lâu tự (hay còn gọi là chùa Num) có từ thời Lý, và Thanh Long tự. Đến đầu thế kỷ XX, người dân trong làng còn xây dựng khu phủ Mẫu ở phía Tây của Thanh Long tự, tạo thành một khu văn hóa tâm linh đặc sắc. Làng có 2 ngày lễ lớn trong năm: ngày hội làng, hay còn được gọi là lễ tế xuân, lễ kỳ phúc được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, và kỵ Thành hoàng làng được tổ chức trang trọng vào ngày 14 tháng 7. Vào những ngày này, cả làng cùng vui hội bài điếm, nấu cơm thi, hát bội, hát chèo, cờ người... Riêng thi cờ người, trong 32 người tham gia thì người được chọn làm tướng ông, tướng bà tiêu chuẩn kén chọn rất cao: có đủ nếp, tẻ, con cái đuề huề, phương trưởng và hạnh phúc. Ông Trịnh Văn Y, người sinh ra và lớn lên ở làng Canh Hoạch, năm nay 82 tuổi nhớ lại: “Đầu năm 1945, khi ấy tôi mới được 4 tuổi, nhưng đã chứng kiến lễ tế của làng. Người ta rước kiệu và sắc phong từ nhà ông Lý trưởng đi vòng quanh làng. Vui lắm”. Ông cũng không quên: “Khi tôi còn trẻ, trước những ngày lễ, trong làng vang tiếng bà con luyện tập hát chèo, hát bội. Riêng làng có một phường chèo để phục vụ bà con Nhân dân và đi diễn ở các làng khác, tổng khác”.
Nói về cái khác lạ của làng Canh Hoạch thì phải nhắc tới giọng nói. Gần đây nhất, NXB Đà Nẵng đã xuất bản công trình nghiên cứu “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của tác giả Andrea Hoa Pham (Đại học Florida, Mỹ). Trong quá trình tìm hiểu, tác giả Andrea Hoa Pham cho rằng: “Nghệ An và Thanh Hóa đã sớm có cái duyên với đất Quảng Nam, là nơi xuất thân của di dân ngay từ đầu, là quê hương gốc gác của các quan tướng, và của các di dân nghèo. Khi vào đất Quảng Nam, những người này đã mang theo giọng nói từ quê cha đất tổ”. Trong bức tranh nghiên cứu rộng lớn ấy, tác giả Andrea Hoa Pham luận giải, đưa ra một góc nhìn, một cách hiểu “hợp lý nhất” từ những dữ liệu và chứng cứ hiện có đã cho rằng giọng Quảng Nam “không giống ai” “một mình một chợ” có nguồn gốc và xuất phát từ một số thổ ngữ ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) và thổ ngữ làng Thạc ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). “Thổ ngữ ấy ngày nay chỉ còn ở trong một số nguyên âm, nếu nghe kỹ thì có thể nhận ra được”, ông Hoàng Trung Dũng, công chức văn hóa xã, cho biết.
Ông Hoàng Đình Tư, Trưởng làng cho biết: Xã Xuân Lai hiện có 7 thôn, 2 làng. Riêng làng Canh Hoạch là 5 thôn với 3.400 nhân khẩu. Số lượng dân cư đông nhưng người dân ở đây luôn biết đoàn kết, sẻ chia với nhau vì thế thu nhập ổn định, khoảng trên 60 triệu đồng/người/năm; an ninh chính trị ổn định...
Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Lai (1953-2023), NXB Thanh Hóa, 2023; Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, NXB Đà Nẵng, 2022.
Bài và ảnh: HUYỀN CHI
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2023-11-17 09:40:00
Trên đất Trường Giang
Khám phá du lịch Quan Sơn
Về thăm Kẻ Trịnh
Cùng chiêm ngưỡng những tuyến cáp treo dài nhất Việt Nam
Trên vùng đất cổ Bản Thủy
Mảnh đất của những công trình tâm linh
Hội An, Đà Lạt chính thức trở thành Thành phố Sáng tạo UNESCO
Du lịch miền quê kiểu mẫu
Nham Thôn, nét quê hồn làng
Về phố Đông Thôn thăm đền Thánh Cả