(vhds.baothanhhoa.vn) - Được sông Hoạt và sông Chiếu Bạch bao bọc; đất đai, đồng ruộng, xóm làng thì được bồi đắp phù sa từ 3 con sông: sông Hoạt, sông Tống và sông Chiếu Bạch. Vì vậy mà đồng ruộng ở đây luôn màu mỡ, cây cối tốt tươi, đồng thời Nhân dân ở thôn Cao Lũng, xã Yên Dương (Hà Trung) có đời sống khá bởi chính những dòng sông này cung cấp nguồn thủy sản to lớn.

Làng cổ Cao Lũng

Được sông Hoạt và sông Chiếu Bạch bao bọc; đất đai, đồng ruộng, xóm làng thì được bồi đắp phù sa từ 3 con sông: sông Hoạt, sông Tống và sông Chiếu Bạch. Vì vậy mà đồng ruộng ở đây luôn màu mỡ, cây cối tốt tươi, đồng thời Nhân dân ở thôn Cao Lũng, xã Yên Dương (Hà Trung) có đời sống khá bởi chính những dòng sông này cung cấp nguồn thủy sản to lớn.

Làng cổ Cao LũngChính điện chùa Thiên Khánh, nhà thờ phật tổ chùa tại làng Cao Lũng, xã Yên Dương, huyện Hà Trung.

Theo một số tài liệu cho biết, làng Cao Lũng có từ thời Tiền Lê. Đây là một dải đất cao chạy dài theo sông Hoạt, dọc hai bên dải đất là những hón, đầm thấp do quá trình kiến tạo địa tầng và phù sa các sông bồi đắp mà thành tên làng Cao Lũng xuất phát từ đặc điểm địa hình đó. Làng cổ Cao Lũng hình thành từ xa xưa, có đông dân cư, với nhiều dòng họ khác nhau đến tụ cư lập làng, ban đầu thưa thớt dần dà đông đúc, phần lớn nhà tranh vách nứa ở kề nhau, nhiều loại cây xanh như dâm bụt, chè mạn, ô rô... làm bờ rào ngăn cách giữa các gia đình, ít nhà có vườn tược, ao chuôm, dân làng sống cố kết bền vững, “tối lửa tắt đèn” có nhau...

Cùng với quá trình phát triển đất nước, làng được mở rộng về lãnh thổ và dân cư sinh sống. Trước làng là một cánh đồng lớn và dãy Hoành Sơn có đỉnh Đá Hỏa cao 250m. Cũng như các làng Việt cổ, làng Cao Lũng có cây đa, bến nước, sân đình mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đầu làng có khu đền thờ tam vị bản thổ đạo thần, chùa thờ Phật tam bảo, phủ miếu thờ Thánh bà Bạch Hoa công chúa và Đào Hoa công chúa. Cuối làng có một ngôi đình thờ Thành hoàng Tô Hiến Thành, vốn là 1 trong 3 ngôi đình to nhất của phủ Tống Sơn xưa. Ngày 15/6 (âm lịch) hàng năm, dân làng thường tế lễ thần hoàng làng, rước kiệu từ đền thờ thần về đình làng. Đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, nhằm ngày 6 tháng Giêng, làng Cao Lũng tổ chức lễ hội vua Nghiêu, vua Thuấn đi cày tại đền, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật bình an. Vào vụ cấy lúa chiêm tháng Chạp, trai gái các nơi về đây cày thuê thường giao lưu với trai gái trong làng hát đúm, hát đối đáp nhau. Rất tiếc là cùng với thời gian, các di tích cũng như sinh hoạt văn hóa đã không còn được giữ gìn và truyền lại.

Ngày nay, về thôn Cao Lũng, xã Yên Dương không thể không đến chùa Cao Lũng (gọi theo tên làng) hay còn gọi là Thiên Khánh tự. Tọa lạc trên khuôn viên đất bằng phẳng, rộng rãi ở vị trí đầu làng Cao Lũng. Khu vực chùa trước kia là cơ sở sản xuất của nhà máy đường, kho dự trữ lương thực quốc gia, bên cạnh sông Hoạt, liền kề với Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam, nhà ga tàu hỏa, cầu đường sắt và khu vực cầu Cừ... với huyền thoại hào hùng thời đánh Mỹ, là nơi hợp lưu giữa 3 nhánh sông: Vạn Bảo - Hoạt Giang - Chiếu Bạch.

Theo tài liệu Lịch sử làng Cao Lũng và Lịch sử Đảng bộ xã Hà Dương, chùa nhìn về hướng Tây Nam, trước mặt chùa là dòng sông Hoạt, phía Bắc là làng Cao Lũng trù phú, phía Đông là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, xa hơn là dãy Hoành Sơn với nhiều ngọn núi cao thấp trập trùng. Trên dãy núi án ngữ trước làng có nhiều cây xanh, thảm thực vật, cây cổ thụ vươn cao, nhiều loại cây lương thực, cây màu của người nông dân quanh năm cần cù chăm bón vun trồng...

Làng cổ Cao LũngNhà văn hóa làng Cao Lũng.

Địa chí huyện Hà Trung có viết: Dưới thời Lý, vào khoảng đời vua Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084), có trưởng lão tên là Sùng Tín (tức Mãn Giác thiền sư) thầy học đạo Thiền của vua Lý Nhân tông và mẫu hậu Ỷ Lan, vào quận Cửu Chân (Thanh Hóa) mở mang giáo hóa, được Thái úy Lý Thường Kiệt tổng trấn Thanh Hóa cùng đến núi Ngưỡng Sơn xây dựng chùa tháp. Lúc này, đạo Phật tuy xuất thế mà vẫn nhập thế, khắp mọi nơi, dân chúng lập chùa. Chùa Cao Lũng xây dựng từ khi nào, chưa ai biết rõ. Tuy nhiên, dựa vào tư liệu ít ỏi truyền lại: Chùa được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (J), gồm 3 gian tiền đường kết cấu bởi 4 vì kèo gỗ (làm theo kiểu vì kèo truyền thống của người Việt), rui, mè, đòn tay làm bằng gỗ và luồng, mái lợp ngói mũi liệt phía trong; hậu cung (còn gọi là Thượng Điện) làm theo kiểu cuốn vòm, trên mái lợp dán ngói mũi... Cách bài trí thờ tự: Từ hậu cung ra ngoài, bên trên đặt các pho tượng phật 3 lớp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Lớp bàn thờ cao nhất, ở vị trí trên cùng là 3 pho tượng Tam thế; lớp thứ 2 là tượng phật A Di đà Tam tôn... Bên trái là tượng Phật Quan Thế Âm, bên phải là tượng Phật Đại Thế Chí; lớp thứ 3 là Tượng Cửu long (đức phật Thích Ca lúc sơ sinh), bên trái tượng cửu long là tượng Đế Thích, bên phải là tượng Phạm Vương. Gian giữa của tiền đường, được bài trí một ban thờ, trên ban thờ Ngũ vị tiên ông. Hai bên thờ 2 pho tượng Hộ pháp dáng cao, uy nghi, vẻ mặt trang nghiêm... Do thời gian bào mòn, chiến tranh hủy hoại toàn bộ ngôi chùa hư hỏng nặng, những pho tượng quý, đồ thờ cúng bị mất mát, thất lạc. Với tinh thần “mỗi người một ly một lai”, bà con trong làng đã sưu tầm được một số di vật còn sót lại đem trả về chùa như: chân tảng kê cột, đá lăn giai...

Nét quê cổ, hồn làng xưa có thể đã dần dần mờ nhạt, nhưng riêng ở Cao Lũng, khi ai đó đến đây sẽ dễ dàng “thả hồn” vãn cảnh khám phá những giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống, đồng thời bổ sung năng lượng tích cực sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc, tiếp tục lao động, học tập, công tác góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

(Bài viết có tham khảo tư liệu lịch sử trong sách Chùa xứ Thanh, tập 4, NXB Thanh Hóa, 2016; Lịch sử Đảng bộ xã Hà Dương 1954-2012, NXB Văn hóa Thông tin).

Lê Như Cương (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]