(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thực tế rất nhiều người đánh đồng “lỗi đánh máy” với “lỗi chính tả”. Bởi thế, trên một gameshow về tiếng Việt trên truyền hình, người ta thường xuyên tạo ra các lỗi đánh máy giả định rồi yêu cầu người chơi “sửa lỗi sai chính tả”.

“Lỗi chính tả” khác “lỗi đánh máy”

Trong thực tế rất nhiều người đánh đồng “lỗi đánh máy” với “lỗi chính tả”. Bởi thế, trên một gameshow về tiếng Việt trên truyền hình, người ta thường xuyên tạo ra các lỗi đánh máy giả định rồi yêu cầu người chơi “sửa lỗi sai chính tả”.

“Lỗi chính tả” khác “lỗi đánh máy”

Vậy, thế nào là lỗi chính tả, thế nào là lỗi đánh máy?

Nếu như lỗi chính tả thể hiện trình độ tiếng Việt của người viết, thì lỗi văn bản, lỗi đánh máy đơn giản chỉ là lỗi thao tác trên máy tính, máy chữ, hoặc lỗi nhà in (thời còn sắp chữ bằng khuôn đúc chì).

Lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, hoặc không nắm vững quy ước chính tả đã được từ điển chỉ dẫn và cộng đồng thừa nhận. Ví dụ: “bánh chưng” viết thành “bánh trưng”, thì “trưng” là lỗi chính tả. Còn lỗi văn bản, lỗi đánh máy thì muôn hình vạn trạng, và thường thể hiện ở hiện tượng thiếu dấu, thiếu chữ, thừa chữ, lộn chữ, nhầm chữ, nhảy chữ,... Ví dụ nếu “bánh chưng” viết thành “bánh chung” hoặc “bánh chong”, thì ta có thể xác định ngay đây là lỗi văn bản, lỗi đánh máy.

Một người không bao giờ viết sai chính tả, nhưng khi sử dụng máy tính, do đánh máy chưa thạo hoặc đánh máy vội, cẩu thả, thì vẫn mắc lỗi văn bản như thường. Với các bản thảo viết tay mà tất cả từ ngữ đều chuẩn chính tả, thì sau khi qua khâu đánh máy, nếu có lỗi, thì thường là lỗi văn bản, chứ không phải lỗi chính tả.

Sau đây, xin ví dụ thêm về một số “lỗi sai chính tả” mà gameshow về tiếng Việt trên truyền hình đưa ra:

- “thăm thẳm” viết thành “thăn thẳm” là lỗi đánh máy, do gõ nhầm vào phím có chữ N thay vì chữ M (Không ai phát âm “thăm” thành “thăn” cả).

- “vội vã quá” thành “vội vã qá”; “chúng ta” thành “chúg ta”, đều là những lỗi đánh máy (thiếu chữ), chứ không phải lỗi chính tả (khi viết tay, những lỗi này sẽ không xuất hiện; nếu có là do viết “ngoắng” nên thiếu nét).

- “thuở trước”, viết thành “thưở trước” ; “chung quanh” viết thành “trung cuanh”, thì “thưở”, “cuanh”, nếu được xem là “lỗi chính tả”, cũng là lỗi của trẻ con mới học lớp vỡ lòng, chưa biết đánh vần nên viết lung tung, chứ không phải là lỗi chính tả thường thấy của người cầm bút.

Vì lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, hoặc qui ước chính tả, nên người ta có thể dự đoán, nắm được các kiểu sai thường mắc. Và từ điển chính tả căn cứ vào các kiểu sai này để hướng dẫn người ta viết đúng. Còn lỗi đánh máy thì biến hóa khôn lường, không theo một qui luật nào, nên không thể có từ điển sửa lỗi đánh máy. Ví dụ, với từ “năng suất”, thì lỗi chính tả thường mắc là viết thành “năng xuất”, “lăng xuất”. Nhưng với lỗi đánh máy, nó có thể thành “ăng suét”, “năn suất”, “năng sất”, “nang xuât”,... tùy lỗi thao tác.

“Lỗi đánh máy” được xem là lỗi nhẹ nhất trong các lỗi về nội dung, văn phạm, câu từ, chính tả,... của một văn bản. Bởi thế, trong thực tế thường có chuyện mỗi khi gặp sai sót trong công văn giấy tờ gì đó, người chịu trách nhiệm thường giải thích theo hướng nhẹ nhất là “do đánh máy”. Và thế là các thành ngữ mới thời hiện đại đã ra đời: “thằng đánh máy”, “lỗi tại thằng đánh máy”, hay “trăm tội đổ đầu thằng đánh máy”!

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]