(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực từ 2006 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, qua 10 năm thi hành trên địa bàn tỉnh, những quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ dần đi vào cuộc sống. Tuy vậy cũng còn không ít bất cập do hiểu biết của người dân và các tổ chức về Luật chưa thực đầy đủ, một số đối tượng vẫn cố tình vi phạm hay do công tác phối hợp giám sát, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Luật sở hữu trí tuệ: 10 năm đi vào cuộc sống song vẫn còn những bất cập

(VH&ĐS) Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực từ 2006 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, qua 10 năm thi hành trên địa bàn tỉnh, những quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ dần đi vào cuộc sống. Tuy vậy cũng còn không ít bất cập do hiểu biết của người dân và các tổ chức về Luật chưa thực đầy đủ, một số đối tượng vẫn cố tình vi phạm hay do công tác phối hợp giám sát, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng...

10 năm và những kết quả

Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường đưa các văn bản Luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống. Qua 10 năm triển khai, luật trở thành cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong việc xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phục vụ phát triển KT-XH.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đã góp phần không nhỏ tác động tích cực đến nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc đăng kí bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ với gần 500 lượt học viên tham dự và cử nhiều lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức.

Công tác nghiên cứu, góp ý nhằm hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành luật được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Trong giai đoạn từ 2006 đến 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ địa phương bao gồm: Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Các chương trình đã và đang được triển khai đúng mục tiêu, nội dung đề ra góp phần nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống.

Từ 1/7/2006 đến 30/6/2016, tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn, tổ chức cho các cá nhân đăng kí các lập quyền sở hữu trí tuệ và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 718 đối tượng. Đây là điều kiện quan trọng để các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của chính mình và tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.

Còn nhiều những bất cập

Tuy đạt được một số kết quả như trên nhưng trên thực tế, việc đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống vẫn còn nhiều bất cập. Từ số lượng đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ qua 10 năm từ 2006 - 2016 cho thấy sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đối với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ chưa cao. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ chưa cao. Thêm vào đó, hầu hết các đơn đăng kí bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đều được hướng dẫn và nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ, một số thông qua công ty tư vấn sở hữu trí tuệ còn lại một số ít do Sở KH&CN địa phương hướng dẫn thủ tục. Điều này gây ra khó khăn trong việc quản lý của địa phương trong việc nắm bắt và xử lí các vi phạm về sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, quá trình triển khai luật cũng nảy sinh một số bất cập, gây tranh cãi như: tình trạng quá tải về số lượng đơn đăng kí sở hữu công nghiệp dẫn đến thời gian thẩm định đơn, trả kết quả cho chủ đơn vị kéo dài, không thể đáp ứng đúng theo điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ, không đủ sức ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng được thực hiện tinh vi, chuyên nghiệp hơn nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại. Theo số liệu thống kê của ngành QLTT tỉnh Thanh Hóa, tính từ 1/7/2006 đến 30/6/2016 có 217 vụ vi phạm quyền SHTT về nhãn hiệu bị xử lý, phạt hành chính 1,018 tỷ đồng; 42 vụ vi phạm quyền SHTT về kiểu dáng công nghiệp, phạt hành chính hơn 99 triệu đồng. Tình trạng vi phạm quyền SHTT vẫn tái diễn do... vô tình hoặc cố ý!

Chính vì vậy, để Luật SHTT thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ các ban, ngành, đơn vị chức năng cần vào cuộc quyết liệt mà hơn cả cần nâng cao hơn nữa tầm nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sự quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]