Lý Triện - Dũng tướng nơi chiến trận
Là người con của đất Bái Đô, nay thuộc xã Xuân Bái (Thọ Xuân), Lý Triện tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi ban đầu. Ông là dũng tướng nơi chiến trận, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của khởi nghĩa Lam Sơn. Tên tuổi ông gắn liền với những trận chiến lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Nhân dân ta. Vì thế, sau khi mất đã được ban quốc tính, mang họ Lê (Lê Triện)...
Đền Bái Thượng nằm trong không gian di tích lịch sử văn hóa chùa Linh Cảnh.
Làng Bái Đô bên dòng sông Chu là vùng đất cổ có con người đến cư ngụ từ khá sớm. Nơi đây cách Lam Sơn chỉ một quãng ngắn. Vì thế, khi Bình Định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược, Lý Triện đã về đây tụ nghĩa ngay từ buổi ban đầu, tham gia trong đội quân “thiết đột” (được hiểu là quân tinh nhuệ, chủ lực).
“Nhưng đến trận chiến Man Xung ông mới thực sự nổi danh. Tháng 10 năm Canh Tý (1420), sau trận thắng quan trọng ở Bổng Tân, Bình Định vương Lê Lợi hưu binh ở Mường Nanh (nay thuộc Lang Chánh) rồi lại lui binh về giữ Mường Thôi, nhử địch tiến sâu vào rừng núi hiểm trở miền Tây Thanh Hóa. Trấn thủ nhà Minh là Lý Bân và Đô đốc Phương Chính theo lối Quỳ Châu do ngụy quan Cầm Lạn dẫn đường đem quân tiến đánh. Lê Lợi sai Phạm Vấn, Lý Triện, Nguyễn Lý chỉ huy mấy nghìn khinh binh đón đường chặn đánh giặc cốt làm giảm nhuệ khí của chúng, rồi đặt phục binh ở núi Bồ Mộng để đợi Lý Bân, Phương Chính. Giặc tới, Lý Triện cùng các tướng tung quân ra đánh, chúng thua to, chạy tán loạn. Nhưng Lý Bân, Phương Chính vẫn cậy quân đông tướng mạnh, quyết đánh thẳng tới Mường Thôi... Bị Lý Triện, Phạm Vấn, Nguyễn Lý đánh úp tại Bồ Thị Lang, chém đầu hơn ba ngàn tên” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).
Bấy giờ, nước Ai Lao từ trước vốn có giao hảo với nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên, nghe theo sự xúi bẩy và trúng kế phản gián của tướng giặc nên đã ngầm liên kết với quân Minh để vây đánh Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Rồi lại bị tổn thất nặng ở trận Quan Da (được cho là thuộc khu vực Quan Hóa ngày nay) khiến cho tình hình nghĩa quân Lam Sơn bị địch bao vây bốn mặt, vô cùng nguy khốn.
Trước tình thế ấy, Lê Lợi nói với tướng sĩ: “Hiện giờ, giặc bao vây tứ phía, quân ta không còn lối thoát. Đây là chỗ binh pháp gọi là “tử địa”, đánh nhanh thì thắng, chậm trễ thì chết!”. Nói xong Lê Lợi chảy nước mắt khiến tất cả tướng sĩ đều cảm kích. Mọi người quyết liều chết đánh giặc. Bốn tướng Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào và Lý Triện hăng hái đi ngay dẫn quân xông lên trước hãm trận, chém đầu tướng Minh là Phùng Quý (có sách viết Phùng Quỳ) và hơn nghìn tên, thu được trên trăm con ngựa. Lý Triện lấy đầu Phùng Quý cắm vào cây giáo dài giơ lên cao khiến cho quân giặc trông thấy mà hoảng sợ, chạy tán loạn. Tướng chỉ huy quân Minh bỏ chạy về thành Đông Quan, tù trưởng quân Ai Lao cũng theo đường rừng mà trốn về. Nhờ đó mà phá được vòng vây của giặc, thoát khỏi “tử địa”.
Sau đó, nghĩa quân Lam Sơn rút về núi Chí Linh. “Ở đây, vì xa dân chúng, lại bị nghẽn đường tiếp tế, nghĩa quân không có lương ăn, suốt hai tháng chỉ lấy rau củ và măng tre thay cơm. Các tướng thân cận như Lý Triện, Phạm Vấn luôn ở bên cạnh Lê Lợi, giúp chủ soái củng cố đội ngũ, vỗ về quân sĩ... Lê Lợi cho giết thịt bốn con voi và cả con ngựa cưỡi của mình để quân sĩ ăn, khiến mọi người thêm cảm kích, tình thân như cha con” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).
Năm Ất Tỵ (1425) nghĩa quân Lam Sơn vây thành Nghệ An khiến tướng giặc sợ hãi phải đóng cửa thành cố thủ. Khi quân tiếp viện của nhà Minh kéo đến Diễn Châu, Lý Triện được Bình Định vương Lê Lợi sai đi đường tắt đến Diễn Châu để tiếp ứng cho nghĩa quân Lam Sơn. Lý Triện xung trận, tả xung hữu đột truy kích kẻ địch khiến chúng hoảng hốt bỏ chạy vào thành Tây Đô (bấy giờ đang bị giặc Minh chiếm đóng) ẩn nấp.
Dũng tướng Lý Triện xông pha trận mạc không sợ hiểm nguy khiến Bình Định vương Lê Lợi càng thêm tin tưởng giao trọng trách; còn kẻ địch chỉ nghe tên ông đã không khỏi sợ hãi. Nghĩa quân Lam Sơn càng đánh nhuệ khí tướng sĩ trên dưới càng hăng say, liên tiếp thắng trận.
“Tháng 8 năm Bính Ngọ (1426) Lê Lợi bổ sung thêm lính và voi cho quân thiết đột, sai Lý Triện và Phạm Văn Xảo đem 3.000 quân, một thớt voi đi tuần các xứ Thiên Quan, Quảng Oai... Đà Giang, Tam Đái... Lý Triện đem quân đi đường tắt đến đánh Đông Đô, tham tướng nhà Minh là Trần Trí rất hoảng sợ. Nhưng thấy nghĩa quân ít, lại từ xa đến, Trần Trí dùng kế “dĩ dật đãi lao” (lấy nhàn hạ để đối phó với khó nhọc) đem hết quân ra đánh. Lý Triện lấy kế “điệu hổ ly sơn” để đối phó. Ông cho quân lính vừa đánh vừa lui, nhử địch ra khỏi hang ổ thật xa. Đến Ninh Kiều, Lý Triện gặp các tướng Trịnh Khả, Đỗ Bí cũng vừa mang quân tới, liền cùng nhau phối hợp tấn công địch, đuổi Trần Trí thua chạy” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).
Lý Triện được người dân Xuân Bái thờ phụng tại đền Bái Thượng.
Trước tình thế ấy, quân Minh từ Nghệ An phải vội vàng vượt đường biển rút về Đông Đô để “cứu lấy chỗ căn bản”. Thừa thắng, Lê Lợi đưa quân đuổi theo, tới Thanh Hóa thì vây thành Tây Đô khiến giặc Minh càng thêm hoảng sợ. Sách Đại Việt thông sử, viết: “Dân các phủ huyện nghe tin Bình Định vương đã về tới Thanh Hóa, đua nhau tới cửa quân, xin ra sức tỏ lòng trung nghĩa. Thanh thế quân ta càng nổi, đó là do công Lý Triện đánh Đông Đô trước vậy”.
Về phía thành Nghệ An, khi Lý An, Phương Chính rút chạy về Đông Đô để cứu viện, tướng giặc là Thái Phúc sợ hãi đành phải mở cửa xin hàng nghĩa quân Lam Sơn. Các sử gia nhìn nhận, nhờ có công Lý Triện “đánh gần mà thắng xa”, từ đó tạo thời cơ cho quân ta làm chủ hoàn toàn xứ Nghệ. Bấy giờ, tại Đông Đô, Lý Triện dẫn theo tướng sĩ giao chiến với Đô ty nhà Minh là Vi Lượng ở cầu Nhân Mục, bắt sống tướng giặc cùng nhiều binh lính.
Trước sự nguy khốn của quân Minh tại nước ta, nhà Minh phải phái hơn 5 vạn binh cùng hàng nghìn ngựa sang Đông Đô cứu viện. Lý Triện cùng Đỗ Bí phục binh voi ở cánh đồng Cổ Lãm, chém và bắt sống hơn một nghìn quân giặc. Sau đó ông hợp quân với các cánh quân để phá giặc ở Tốt Động, Ninh Kiều, giết tướng giặc là Trần Hiệp và hàng vạn tên địch. Đây là chiến thắng to lớn có ý nghĩa chiến lược quân sự quan trọng và Lý Triện là người có công lao đáng kể. Sang mùa xuân năm 1427, Lý Triện được Bình Định vương Lê Lợi tin tưởng sai đem quân đóng ở cửa Bắc thành Đông Đô (Đông Quan) - một cửa ngõ quan trọng bậc nhất.
Đáng tiếc sau đó, trong một trận chiến bị giặc bất ngờ đánh úp, vì tương quan lực lượng quá lớn, dũng tướng Lý Triện đã dốc sức chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Thương tiếc vị tướng tài hy sinh vì việc nước, sau khi lên ngôi, vua Lê Thái tổ đã ban cho ông quốc tính (họ vua). Sau đó, ông được truy phong Nhập nội Tư Mã. Đến thời vua Lê Thánh tông, ông được phong Hữu tướng quốc, sau đó được tặng Thái Bảo kỳ Quận công, rồi gia phong Tây Kỳ vương. Ông được người dân Bái Đô lập đền thờ phụng.
Trải qua biến thiên thời gian và lịch sử, đền thờ Lý Triện ngày nay không còn. Ông Phạm Văn Sơn, Công chức Văn hóa xã hội xã Xuân Bái, cho biết: “Hiện nay, danh tướng Lý Triện được người dân Xuân Bái thờ tại đền Bái Thượng (thuộc di tích lịch sử văn hóa chùa Linh Cảnh). Hằng năm, vào ngày 9 tháng 2 (âm lịch) tại di tích diễn ra Lễ hội Kỳ Phúc đầu xuân chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp”.
(Bài viết tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Địa chí huyện Thọ Xuân; Thọ Xuân di tích và danh thắng; Các vị thần thờ ở xứ Thanh).
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2023-12-16 10:27:00
Nghệ nhân trẻ Kim Thoa và những mũi thêu trên lá bồ đề
Gương thanh niên đạt giải thưởng “15/10”
Người phụ nữ cao chỉ hơn 100cm và nghị lực vượt lên chính mình
Phạm Lê Phương Vỹ - Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác
Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang: Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi
Vũ Hiền, danh tướng trải bốn đời vua nhà Lê Trung hưng
Cô gái Gen Z năng động, tài năng
Bí thư chi đoàn dám nghĩ, dám làm
Gương sáng vùng biên
Cô học trò người Mường với lý tưởng học Bác suốt đời