Vũ Hiền, danh tướng trải bốn đời vua nhà Lê Trung hưng
Về từ đường họ Vũ ở thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường (Quảng Xương) chúng tôi được thêm hiểu về một giai đoạn lịch sử, thêm hiểu một danh tướng của vùng đất này. Ông là Vũ Hiền, danh tướng có nhiều công lao trải bốn triều vua: Lê Trung tông (1549–1556), Lê Anh tông (1557–1573), Lê Thế tông (1573–1600) và Lê Kính tông (1600–1619).
Sau gần 20 năm đóng góp của con cháu dòng họ, từ đường họ Vũ nơi thờ đại tướng quân Vũ Hiền đã khang trang, sạch đẹp.
Đất tụ cư
Là vùng có bề dày lịch sử văn hóa, xã Quảng Trường (Quảng Xương) có thế núi hình sông hữu tình, thơ mộng. Nằm ở khu vực gần kề với ba ngọn núi: Quán Chẹt, Hòa Trường, Văn Trinh tạo thành thế chân kiềng ở vùng phía Nam của huyện, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về mặt quân sự. Nơi đây còn có hệ thống sông Lý được hình thành từ thế kỷ X – XI là tuyến đường thủy từ Bắc vào phía Nam và gần kề tuyến đường bộ Bắc - Nam hết sức thuận lợi. Vì thế, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vùng đất Quảng Trường nói chung, thôn Đồng Tiến nói riêng đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng diễn ra, điển hình nhất là công cuộc khai khẩn đất đai trở thành điền trang thái ấp của Trần Nhật Duật ở thế kỷ XIII.
Theo sơ lược lịch sử làng Đồng Tiến, xưa kia đây là một vùng đất hoang hóa chiêm trũng đồng sâu, bùn lầy, sông nước thủy triều lên xuống... nhưng đã hấp dẫn cư dân các tỉnh ngoài như Thái Bình, Hải Dương, Nam Hà... và các huyện trong tỉnh như Hoằng Hóa, Đông Sơn... lần lượt di cư đến lập ấp sinh sống, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm rau màu, nuôi trồng thủy sản...
Trong tiềm thức người dân, lịch sử làng có từ rất lâu đời, không ai có thể khẳng định chắc chắn. Ngay đến tên làng cũng thay đổi qua các thời kỳ: làng Chơm, làng Trại, làng Láng rồi đến Lương Phúc, Tiên Chiến, Phúc Thái và ngày nay là Đồng Tiến. Nhưng thời điểm Đô đốc đại tướng quân Vũ Hiền từ Hải Dương đến lập ấp cùng các dòng họ khác, thì họ luôn luôn nhớ. Bởi ông là Thành hoàng làng được bà con Nhân dân của cả 3 làng Lương Phúc, Phúc Trung, Tiên Chiếm (nay đều thuộc thôn Đồng Tâm) thờ phụng.
Trên đất này còn lưu lại các địa danh, xứ đồng như: mả cũ, mả tổ, nghè Láng, Khả Lương, Rọc Chuế, cồn Sài, đồng Miên, Vạn Lực... gắn liền với quá trình tụ cư, lập ấp, dựng làng với đổ biết bao mồ hôi, công sức của người dân. Ngoài ra, còn có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo như: đình làng Phúc Thượng, xây dựng vào thế kỷ XVIII để thờ thần tổ Vũ Hiền; đình Phúc Trung xây dựng vào thế kỷ XIX thờ bản thổ thành hoàng làng; đình Tiên xây dựng năm 1946 thờ ông tổ lập ấp; đình Phúc Vưới (còn gọi là nhà thờ đạo do dòng họ Nguyễn lớn nhất trong làng xây dựng); nghè Láng xây dựng năm 1890 và nghè Chơm do Nhân dân 3 làng Phúc Trung, Phúc Thượng, Tiên Long xây dựng năm 1920 thờ thủy thần. “Tiếc là theo thời gian những công trình văn hóa lịch sử hầu hết đã bị phá hủy”, ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, cho biết.
Có danh tướng Vũ Hiền
Về từ đường họ Vũ ở thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường (Quảng Xương) chúng tôi được thêm hiểu về một giai đoạn lịch sử, thêm hiểu một danh tướng của vùng đất này. Ông là Vũ Hiền, danh tướng có nhiều công lao trải bốn triều vua: Lê Trung tông (1549–1556), Lê Anh tông (1557–1573), Lê Thế tông (1573–1600) và Lê Kính tông (1600–1619).
Từ đường họ Vũ ở thôn Đồng Tiến, xã Quảng Trường (Quảng Xương).
Sách “Thanh Hóa chư thần lục” có chép rất cụ thể về Vũ Hiền, Đại tướng quân tôn thần và di tích thờ phụng ông. Còn theo gia phả dòng họ Vũ xã Quảng Trường cho biết: Dòng họ Vũ ở làng Bao Hàm, xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình di cư vào làm ăn sinh sống ở vùng đất Quảng Trường vào thời gian nào chưa rõ, dần dần con cháu ngày càng đông đúc, trở thành một dòng họ lớn ở vùng đất này.
Ông Vũ Hiền vốn là danh tướng từ thời vua Lê Trung tông. Đến thời vua Lê Anh tông, ông theo Trịnh Kiểm đánh quân Mạc lập nhiều chiến công và được phong tước Vĩnh Quốc công. Từ đó về sau ông tham gia nhiều chiến trận, từng chỉ huy quân Trịnh tiến ra đánh phá quân Mạc ở Mỹ Lương, Bất Bạc (Sơn Tây), Hữu Lũng, Phượng Nhân (Kinh Bắc) (nay thuộc Hà Nội và Bắc Ninh)... Đến đời vua Lê Thế tông (1573-1600), ông dốc lòng vì việc quân, một lòng tôn phò phụng sự cơ đồ sự nghiệp nhà Lê trung hưng. Năm 1581, ông đã chỉ huy đội quân đánh thắng đại quân Mạc Đôn Nhượng ở Đường Năng. Năm 1592, đánh quân Mạc Mậu Hợp, bắt sống tướng Nguyễn Quyên thu phục Đông Kinh (Thăng Long). Đến năm 1593, vua Lê Thế tông trở lại kinh đô, do có nhiều công lao, ông được vua phong chức Hữu tướng. Rồi cũng không lâu sau đó, vào năm 1598, ông đem quân đánh Mạc Kính Cung ở Lạng Sơn. Từ đó, ông được thăng chức Đại tướng quân. Đặc biệt, năm 1602, vua Lê Kính tông sai ông đi kinh lược xứ Hải Dương. Trong thời gian lưu trấn ở Hải Dương, ông đã đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, đồng thời chiêu dụ dân lưu tán trở về quê cũ làm ăn, khuyến khích dân chúng khôi phục sản xuất. Vì thế cuộc sống của dân chúng trong vùng được yên ổn.
Khi ông xin về an dưỡng tuổi già đã được vua ban cho quyền cai quản 1.000 hộ dân ở trên đất thôn Đồng Tiến hôm nay với 2 mục đích là vừa ghi nhớ công ơn ông trong việc trung hưng nhà Lê, mặt khác cũng là trông nom một vùng đất được xem là “phên dậu” phía Nam đất nước. Lấy vùng đất mới làm quê hương thứ hai, ông còn đưa hài cốt cha mình từ thôn Bao Hàm, xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình theo đường thủy về táng. Đất Đồng Tiến được ông khai phá, lập trang ấp là vì vậy.
Sau khi ông mất, dân chúng trong vùng lập đền hương khói phụng thờ và tôn làm Thành hoàng làng. Nhà vua ban sắc gia phong cho ông là “Đốc đồng tướng quân”, có công “Dực bảo trung hưng” tức là phò vua giúp cho sự hưng thịnh của đất nước (theo sắc phong được ban vào thời Thành Thái).
"Đứng trên đất làng Đồng Tiến, từ đường họ Vũ hôm nay được xây dựng lại trên khu đất cũ với diện tích khoảng 200m2, gồm 3 gian theo kiểu “tiền Âu – hậu Á” khang trang, sạch đẹp là nhờ quá trình đóng góp 20 năm của bà con trong dòng họ. Từ việc mua lại đất của người dân, đến tôn tạo nhà từ đường, rồi xây lại lăng mộ. Tất cả cũng là sự tri ân của thế hệ sau dành cho những bậc tiền bối. Cũng với lòng thành kính ấy, hằng năm cứ đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, con cháu hậu duệ dòng tộc họ Vũ ở mọi miền đất nước và khách thập phương lại trở về nơi này để chung tay tổ chức lễ tế tổ", ông Vũ Công Đầu, hậu duệ của danh tướng Vũ Hiền cho biết.
Ông Vũ Ngọc Chỉnh, cũng là hậu duệ của cụ Vũ Hiền cho biết thêm: "Từ đường họ Vũ thờ đại tướng quân Vũ Hiền đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 3/8/1998 theo quyết định của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Sau 25 năm, con cháu dòng họ chúng tôi rất mong muốn di tích được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Bên cạnh đó, xã Quảng Trường đã có nghị quyết về lập quy hoạch xây dựng và tôn tạo khu di tích song lại chưa ban hành quyết định phê duyệt sử dụng vì thế dòng họ chúng tôi chưa bao giờ nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Thiết nghĩ, sự quan tâm dù rất nhỏ cũng là cách để tôn vinh và tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công với nước với dân".
Bài viết có sử dụng tư liệu Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Trường (1953-2018).
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2023-11-27 09:52:00
Cô gái Gen Z năng động, tài năng
Bí thư chi đoàn dám nghĩ, dám làm
Gương sáng vùng biên
Cô học trò người Mường với lý tưởng học Bác suốt đời
Thầy giáo Đỗ Xuân Cát: Danh sĩ xứ Thanh được vua Nguyễn mời ra làm quan
Chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc
Hai vợ chồng là Nghệ sĩ Nhân dân
Trịnh Khắc Phục, từ vị khai quốc công thần đến cái chết oan trái
Vườn mẫu điển hình của cựu chiến binh tuổi thất tuần
Nữ giảng viên được tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”