Mạng xã hội và sự phát triển của trẻ
Trong thời đại số, mạng xã hội và Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Sự xuất hiện thường xuyên, liên tục trong cuộc sống hàng ngày đã khiến mạng xã hội và internet có tác động không nhỏ đến sự phát triển của con người, nhất là giới trẻ.
Trẻ em đến mượn và đọc sách tại Thư viện tỉnh.
Sự xuất hiện của mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... đã phản ánh xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Lợi ích của mạng xã hội mang lại là không thể phủ nhận, giúp cho mỗi người có thể mở rộng kết nối bạn bè, giao lưu, trao đổi nhiều thông tin. Đây cũng là không gian để mọi người có thể tìm kiếm, chia sẻ kiến thức, nội dung học tập, kỹ năng sống và là nơi để mọi người có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, quan điểm cá nhân hay vui chơi giải trí.
Thực tế, chúng ta dễ dàng thấy những hình ảnh trẻ lên 3 - 4 tuổi đã có thể sử dụng những từ, câu cơ bản của tiếng Anh thông qua việc xem, tự học từ các clip tiếng Anh trên mạng xã hội. Các em học sinh có thể tham khảo các bài văn mẫu, tìm các đề luyện tập qua mạng. Hay những bạn nhỏ có chung sở thích có thể kết bạn, trò chuyện với nhau thông qua một số nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích mang lại, mạng xã hội và internet còn có nhiều tác hại ảnh hưởng đến sự phát triển của con người, đặc biệt là trẻ em. Hơn thế, nếu không biết kiểm soát thời gian và cách sử dụng, trẻ em có thể cuốn vào những thông tin tiêu cực, thậm chí rắc rối, tổn thương ngoài đời sống thực.
Qua khảo sát thực tế, nhiều trẻ từ 3 - 4 tuổi đã được sử dụng internet và mạng xã hội. Con số này chiếm tỷ lệ cao hơn đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi. Nhiều trẻ sử dụng internet và mạng xã hội 5 - 6 tiếng mỗi ngày và không có sự giám sát của cha mẹ. Việc sử dụng internet và mạng xã hội liên tục đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho trẻ. Đơn cử như học tập giảm sút, bị các bệnh về mắt, thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất... Nhiều trường hợp đã phát sinh mâu thuẫn từ mạng xã hội dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn ngoài đời sống. Thậm chí, nhiều trẻ đã bị lợi dụng, lừa đảo, xâm hại từ mạng xã hội.
Thực tế, nhiều gia đình đã hoang mang lo lắng khi thấy con có biểu hiện nghiện mạng xã hội và làm theo. Chị Hoàng Thanh Phương, TP Thanh Hóa, cho biết: "Con trai 12 tuổi của tôi thường xuyên sử dụng internet và mạng xã hội. Ngoài việc học, cháu còn trò chuyện với bạn bè, giải trí. Do chủ quan để con tiếp xúc với mạng xã hội, nên có thời gian cháu đã học theo những hành vi, lời nói thiếu văn minh trên mạng, thậm chí kết bạn với những người lớn tuổi hơn, trò chuyện nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi".
Gia đình cần đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động vui chơi, giải trí để hạn chế cho trẻ tự tiếp xúc với mạng xã hội. Ảnh: Thùy Linh
Cùng hoàn cảnh với chị Phương, anh Lê Văn Dương, xã Tiên Trang (Quảng Xương), chia sẻ: "Sau kỳ nghỉ hè con trai tôi ít nói hơn, không chịu trò chuyện, vui đùa với mọi người như trước. Mắt liên tục nheo, thỉnh thoảng lại nháy nháy. Thấy con có biểu hiện bất thường, tôi đã đưa cháu đi khám và được bác sĩ cho biết cháu bị mất tập trung, rối loạn hành vi do tiếp xúc với internet và mạng xã hội liên tục trong thời gian dài".
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nếu trẻ sử dụng internet và mạng xã hội liên tục nhiều giờ trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Khi não và mắt trẻ phải tập trung cao độ liên tục vào thiết bị thông minh sẽ gây ảnh hưởng đến mắt và não bộ của trẻ. Nhiều trẻ giảm sút trí nhớ, mất tập trung, giảm chú ý, thậm chí rối loạn giấc ngủ, chán ăn, không muốn trò chuyện, tiếp xúc với mọi người. Nặng hơn, nhiều trẻ rơi vào trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn vận động cần được các y, bác sĩ điều trị và can thiệp.
Có thể thấy, nếu không biết cách sử dụng hoặc không chủ động kiểm soát thông tin và không có sự quản lý của gia đình thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ internet và mạng xã hội. Nhận thức được những nguy hại của môi trường mạng đối với trẻ em, thời gian qua, đã có không ít văn bản luật, nghị định liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được ban hành. Nhiều cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể, địa phương quan tâm đến việc bảo vệ, đồng hành cùng trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội và internet.
Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại rất nhiều trẻ bị ảnh hưởng từ internet và mạng xã hội; nhiều hoạt động lừa đảo, dụ dỗ trẻ em qua mạng vẫn còn xảy ra. Bởi trẻ em đang ở giai đoạn dễ bắt chước, dễ học theo. Trong khi nhân cách, nhận thức, tâm lý của trẻ hầu như chưa được phát triển hoàn thiện nên khó phân biệt được những cạm bẫy. Do đó, để bảo vệ, đồng hành cùng trẻ trong việc sử dụng mạng xã hội và internet cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ cần quan tâm, quản lý, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng internet, mạng xã hội; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những tác hại trên không gian mạng; thường xuyên tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống từ các hoạt động đồng hành cùng bố mẹ.
Bài và ảnh: Thùy Linh
{name} - {time}
-
2024-11-23 11:49:00
Trường xanh, lớp xanh...
-
2024-11-23 08:50:00
Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng hỗ trợ đợt 3 để khắc phục hậu quả siêu bão Yagi
-
2024-10-31 07:39:00
[REVIEW OCOP] Đậm đà vị quê với bánh lá răng bừa Tiến Hưng
Bản tin Tài chính 31/10: Liên tiếp lập “đỉnh” lịch sử, liệu có cú đảo chiều, giá vàng lao dốc?
Dự báo thời tiết 31/10: Sau đợt mưa kéo dài, miền Bắc đón đợt rét đầu tiên trong năm
Thị trường thuốc chữa bệnh online: Cần có chế tài đủ mạnh
Lao động cải tạo ở Trại giam Thanh Cẩm
Bản tin Tài chính ngày 30/10: Giá vàng liên tục biến động như hiện nay, người mua vàng khó quyết
Dự báo thời tiết ngày 30/10: Các tỉnh miền Bắc lạnh hết tuần
Điểm nóng ngày 29/10: Bắt hai đối tượng giả danh nhà báo, cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp
Công bố Hồ sơ di cư Việt Nam 2023: Di cư lao động là loại hình chủ yếu
Ngọc Lặc trồng trên 610km hàng rào xanh