Mỗi người dân là một “đại sứ” quảng bá quê hương
Cho dù là người lái thuyền, thợ chụp ảnh hay nhân viên dịch vụ... mỗi người dân của xứ Thanh đều hiểu rằng, mỗi hành động, cử chỉ, lời nói của họ đều ít nhiều là hình ảnh của quê hương. Bởi, chính họ chứ không ai khác là chủ nhân của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này và là những người hạnh phúc hơn khi quê hương mình đẹp hơn trong mắt du khách phương xa.
Du khách và người dân giao lưu văn hóa trong một chương trình văn nghệ tại Pù Luông.
Thấy cái vẫy tay của khách, anh Nguyễn Quang Vinh (TP Sầm Sơn) vội cầm máy ảnh chạy lại. Khách nhờ chụp ảnh cho đoàn nên anh cất máy ảnh của mình, cầm điện thoại chụp nhiều kiểu khiến khách ưng ý. Làm thợ chụp ảnh tại bãi biển Sầm Sơn đã gần 10 năm, rất nhiều lần anh rơi vào tình cảnh “mừng hụt” nhưng lần nào anh cũng vui vẻ thực hiện sự giúp đỡ một cách chu đáo, cẩn thận nhất. Anh cho biết: “Ngày nay, hầu hết du khách chụp hình kỷ niệm tại điểm đến bằng điện thoại thông minh, rất ít khách cần đến thợ ảnh. Có hôm tuy không chụp được bức hình nào nhưng lại được hàng chục người nhờ chụp ảnh hộ. Buồn cho công việc của mình không còn được như trước, nhưng tôi nghĩ chụp một bức hình đẹp cho du khách, khi đăng lên mạng xã hội nhiều người thấy thích sẽ tìm đến. Như vậy mình cũng góp phần nhỏ bé quảng bá cho hình ảnh tốt đẹp quê mình”. Không những chụp ảnh giúp, anh Vinh và những thợ chụp ảnh khác, người cho thuê phao còn thường xuyên trả lại đồ nhặt được cho khách, hoặc trông đồ giùm khi khách xuống tắm biển.
Làm việc tử tế, lời nói thân thiện, cử chỉ hòa nhã cũng là điều mà chị Hà Thị Tuyến, chủ homestay Tính Tuyến ở điểm du lịch cộng đồng bản Mạ, khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân) luôn nhắc nhở mình và nhân viên phải tuân thủ. Đây là một trong những homestay “đắt khách” nhất ở huyện Thường Xuân, khi đón hơn 800 lượt khách mỗi ngày lưu trú hoặc sử dụng dịch vụ vào mùa cao điểm. Chị Tuyến cũng là một trong 4 hộ gia đình dân tộc Thái tại khu phố mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tạo cảnh quan làm du lịch cộng đồng. Ở đây, ngoài tự mình lập tài khoản trên mạng xã hội để tự quảng bá hình ảnh với những nếp nhà, hàng cau, dòng sông Chu êm đềm xanh mướt với chiếc cầu treo bắc qua... mà chị còn tạo được cảm hứng, ấn tượng tốt đẹp để du khách cùng mình giới thiệu điểm đến.
Chị chia sẻ, làm du lịch không chỉ phục vụ tốt các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ mà còn phải đáp ứng những nhu cầu bên lề như: cung cấp cho du khách câu chuyện văn hóa về dân tộc mình, đó là phong tục, tập quán địa phương, lễ hội, những món ăn đặc trưng... Những câu chuyện văn hóa sâu sắc luôn có sức hút mãnh liệt với khách nước ngoài và mỗi lần kể chuyện chị Tuyến luôn ở tâm thế tự hào và nở nụ cười thật tươi. Chị chia sẻ: “Tôi cho rằng sức hút của một điểm đến là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, những hiểu biết, trải nghiệm của người bản địa sẽ giúp những vị khách mới đến có nhiều khám phá và kỷ niệm ấn tượng. Chỉ cho họ những địa điểm vui chơi, những món ăn mới lạ, hay những phong tục đặc sắc của người dân địa phương. Chắc chắn du khách sẽ cảm thấy vô cùng thích thú và biết ơn cho những trải nghiệm địa phương”. Ngoài tiếng Thái, tiếng Kinh, chị Tuyến cũng đang học thêm tiếng Anh để phục vụ du khách được tốt hơn.
Chị Hà Thị Tuyến giới thiệu sản phẩm dệt của đồng bào dân tộc Thái.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: Hàng năm huyện đều mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân và các hộ làm du lịch. Giảng viên là những chuyên gia du lịch trên địa bàn, cung cấp thông tin, chỉ dẫn cách làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, nâng cao năng lực để các hộ tự tìm tòi, nghiên cứu cách làm hay ở các địa phương, nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”.
Anh Vinh, chị Tuyến chỉ là hai trong nhiều câu chuyện của người dân xứ Thanh đang nỗ lực để mỗi người dân trở thành một đại sứ quảng bá hình đẹp của quê hương. Với các anh chị “đại sứ” chỉ đơn giản là làm tốt vai trò của người “chủ nhà” trong đón và tiếp khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài phục vụ những nhu cầu thiết yếu, “chủ nhà” thể hiện lòng mến khách bằng những hành động tử tế, dù là nhỏ nhất như câu chào, lời mời. Theo các anh chị, chính thái độ, cách giao tiếp của người dân là cách quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người một cách chân thật và sinh động nhất.
Và chính những “đại sứ” quảng bá như chị Tuyến, anh Vinh tạo nên nội dung thông tin truyền thông hay, đặc sắc. Hình ảnh của “đại sứ” địa phương cùng với hiệu quả truyền thông trên các nền tảng số là một trong những nguyên nhân quan trọng để du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, năm 2023 được đánh giá là năm “bùng nổ” của du lịch, khi vượt chỉ tiêu đón khách chỉ trong vòng 11 tháng. Trong năm, Thanh Hóa đón khoảng 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần. Tổng doanh thu du lịch, ước đạt trên 24 nghìn tỷ đồng. Tiếp đà phát triển mạnh mẽ, trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, Thanh Hóa gây ấn tượng khi vượt qua cả TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đứng đầu cả nước về số lượt khách du lịch, với 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Những con số ấn tượng mở màn đầu mùa khiến cho mục tiêu của ngành du lịch Thanh Hóa đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng trong năm 2024 không còn là xa vời.
Để có thể thu hút hàng triệu khách du lịch đến với Thanh Hóa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chắc chắn không thể thiếu vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí Nhà nước và truyền thông cộng đồng. Trong đó, hướng đến quảng bá sâu rộng hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm trong nước, tuy nhiên sẽ mở rộng quy mô và kéo dài thời gian tại mỗi thị trường. Đồng thời sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trọng điểm cho người dân địa phương, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của họ trong quá trình phát triển du lịch bền vững, để mỗi người dân có thể trở thành một “đại sứ” du lịch.
Bài và ảnh: Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-05-19 08:25:00
Khi tinh thần “Tôn sư trọng đạo” bị xem nhẹ trên không gian mạng
Ngày ấy, chúng tôi sống, chiến đấu trên con đường huyền thoại mang tên Bác
Có một khoá học tuổi Bính Ngọ như thế
Nuôi ong rừng ngập mặn ở Nga Sơn
Cùng thanh niên “Thắp sáng đường quê”
Bài học kinh nghiệm từ phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Triệu Sơn
Khắc khoải ở “Làng Thanh Niên”
Người phụ nữ dân tộc Mường năng động, làm kinh tế giỏi
Nhà tuyển dụng mất hàng triệu đồng vì CV “ảo”
Quan Sơn chung tay chăm lo cho hộ nghèo và gia đình chính sách