(vhds.baothanhhoa.vn) - Ứng xử văn minh trên mạng xã hội (MXH) đã và đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều người, nhất là giới trẻ - lứa tuổi sử dụng lớn nhất. Do vậy, để sử dụng MXH như một công cụ tiện ích phục vụ cuộc sống, ngoài vai trò định hướng từ gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn, mỗi người trẻ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng về hiểu biết pháp luật, quy tắc ứng xử, đạo đức… để tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc trên mạng.

Mỗi người trẻ cần tự hình thành thói quen

Ứng xử văn minh trên mạng xã hội (MXH) đã và đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều người, nhất là giới trẻ - lứa tuổi sử dụng lớn nhất. Do vậy, để sử dụng MXH như một công cụ tiện ích phục vụ cuộc sống, ngoài vai trò định hướng từ gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn, mỗi người trẻ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng về hiểu biết pháp luật, quy tắc ứng xử, đạo đức… để tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, độc trên mạng.

Mỗi người trẻ cần tự hình thành thói quenNhờ được tuyên truyền, giáo dục, đoàn viên thanh niên chia sẻ những thông tin tích cực lên trang facebook cá nhân.

Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2-2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI) của Việt Nam đứng thứ 5/25 của thế giới (chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp). Còn theo một khảo sát của Viện nghiên cứu thanh niên (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) thời gian qua cho thấy, khoảng 90% thanh niên Việt Nam có ít nhất một tài khoản MXH. Mỗi thanh niên thường dành từ 1-5 giờ/ngày để sử dụng internet, MXH. Ngày nay, MXH không chỉ là nơi giao tiếp, gắn kết mọi người, chia sẻ thông tin mà còn là một kênh thể hiện cái tôi của mỗi người. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận giới trẻ lại coi đây là “miền đất hứa” để thể hiện lối sống tiêu cực, quan điểm sai lệch, cổ vũ cho những hành vi vi phạm pháp luật…; một số bạn trẻ khác thích “sống ảo” chỉ vì những lượt thích, bình luận mà sẵn sàng nói dối, xuyên tạc nội dung về cá nhân hoặc tổ chức; số khác chủ động đăng thông tin tẩy chay, kích động, bôi nhọ danh dự người khác… Nhiều người đã mất cảnh giác, bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc này, thậm chí còn vô tình trở thành người tuyên truyền cho những nội dung sai lệch đó. Đây là thực trạng chung trong cả nước, được Bộ Thông tin và Truyền thông lên tiếng và đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Trong các giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của MXH được chú trọng thực hiện ở Thanh Hóa, thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, định hướng, hình thành ứng xử văn hóa, văn minh cho giới trẻ đang được các cấp bộ đoàn, nhà trường triển khai thực hiện. Theo đó, các đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật An ninh mạng, giáo dục về các quy tắc ứng xử văn minh trên MXH bằng nhiều hình thức; tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu chia sẻ với đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên về các nội dung ứng xử văn hóa trên MXH...

Huyện đoàn Quảng Xương đã và đang sử dụng MXH như một công cụ tuyên truyền, giáo dục hiệu quả. Hiện tại, trang fanpage của Huyện đoàn có trên 22.000 lượt người theo dõi, facebook có trên 7.000 lượt. Hai trang MXH trên được huyện đoàn bố trí người chuyên trách quản lý, phối hợp với đoàn cơ sở thông tin kịp thời các hoạt động, chương trình tại địa phương. Chị Nguyễn Hồng Anh, Bí thư Huyện đoàn Quảng Xương, cho biết: “Mỗi đoàn cơ sở đều thành lập trang facebook riêng có kết nối với trang facebook của huyện đoàn. Vì vậy, đối với mỗi hoạt động tại cơ sở, thay vì phải báo cáo bằng văn bản, giấy tờ thì nay bí thư đoàn xã, thị trấn có thể báo cáo trên MXH kèm theo hình ảnh chứng thực. Bên cạnh đó, facebook, fanpage đều kết bạn với đoàn viên thanh niên, nhất là thanh niên đi làm ăn xa để các bạn đều có thể nắm rõ các chương trình, hoạt động của đoàn. Mặt khác, đây còn là kênh tuyên dương hiệu quả cho mỗi việc làm tích cực của cá nhân, tập thể đoàn. Tôi nhận thấy, việc tốt do đoàn viên thanh niên làm hầu hết xuất phát từ tinh thần tự nguyện, không mong đền đáp, tuy nhiên việc được tuyên dương kịp thời tạo nên sức lan tỏa, cũng là động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục cống hiến cho hoạt động đoàn”.

Với Huyện đoàn Thọ Xuân, MXH không chỉ là kênh giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống mà còn là nơi kết nối, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giữa các đoàn viên thanh niên với nhau. Nổi tiếng là vùng đất có nhiều mô hình kinh tế, khởi nghiệp thanh niên hiệu quả, thông qua các trang MXH, cơ sở đoàn tự giới thiệu mô hình hiệu quả ở địa phương. Từ đó, những cách làm hay, kinh nghiệm sản xuất được chia sẻ rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên học tập, tham khảo, cũng như góp ý, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế, hoàn cảnh của mỗi người. Theo anh Lê Trọng Quý, Phó Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân: "Để MXH trở thành kênh thông tin hữu ích, điều quan trọng là mỗi đoàn viên thanh niên phải tự trang bị cho mình kỹ năng ứng xử trên mạng. Cụ thể là thường xuyên có những buổi nói chuyện, lồng ghép vào các chương trình, tìm hiểu về Luật An ninh mạng, cách nhận biết thông tin chính thống, thông tin xấu độc, cách ứng phó với thông tin xấu độc, cách phòng tránh khi bị tấn công trên mạng… Bên cạnh đó, các trang mạng của đoàn thường xuyên, liên tục đăng tải thông tin chính thống để đoàn viên thanh niên nhận biết”.

Nhằm hình thành “nếp” ứng xử văn minh trên MXH, hiện nay tất cả các trang fanpage, facebook của các tổ chức đoàn thanh niên ở các địa phương đều thường xuyên đăng tải thông tin tích cực, dẫn nguồn từ kênh thông tin chính thống, chia sẻ để lan tỏa những hành động đẹp, nhân văn trong các phong trào thi đua yêu nước, những tấm gương điển hình, bình dị trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Đồng thời, chủ động phát hiện các thông tin xấu độc, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH (theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT), nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam...Quy tắc gồm 5 nhóm quy tắc ứng xử, được áp dụng cho cả người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ. Trong đó khuyến nghị cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Hy vọng rằng, sự ra đời của Bộ Quy tắc cùng với những cách làm hiệu quả của tổ chức đoàn sẽ giúp giới trẻ dần hình thành thói quen lành mạnh trên MXH, tuân thủ pháp luật, lan tỏa cái đẹp để dẹp cái xấu, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh tốt đẹp về đất và người xứ Thanh.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]