(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu định hướng quy hoạch phân vùng thu gom đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn, tăng cường khả năng phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và chất lượng xử lý chất thải rắn... Đây được xem như những giải pháp cốt lõi nhằm xử lý triệt để những tồn tại, bức thiết về rác thải và môi trường lâu nay. Tuy nhiên, hiện nay một số dự án xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ hoặc “chết yểu”. Hệ lụy, không chỉ khiến việc xử lý rác thải tại các địa phương gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các dự án xử lý rác thải rắn: Vì sao chậm tiến độ? (Kỳ 1) Khốn đốn vì những “siêu dự án”

Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu định hướng quy hoạch phân vùng thu gom đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn, tăng cường khả năng phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và chất lượng xử lý chất thải rắn... Đây được xem như những giải pháp cốt lõi nhằm xử lý triệt để những tồn tại, bức thiết về rác thải và môi trường lâu nay. Tuy nhiên, hiện nay một số dự án xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh đều chậm tiến độ hoặc “chết yểu”. Hệ lụy, không chỉ khiến việc xử lý rác thải tại các địa phương gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư mới.

Khốn đốn vì “siêu dự án”

Chúng tôi tìm về xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy) là 1 trong 5 địa điểm được lựa chọn quy hoạch một “dự án” xử lý rác thải tầm cỡ của tỉnh Thanh Hóa.Khó hiểu khi ngay từ việc hỏi đường về nhà máy xử lý rác thải này, người dân ai cũng lắc đầu chối bảo: “Làm gì đã có nhà máy xử lý rác thải nào. Họ (doanh nghiệp - PV) nhiều lần về xã xúc tiến, vận động kêu gọi dân đồng tình rồi có thấy động tĩnh gì đâu?!”.

Thực vậy, ông Phạm Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu thở dài: “Xã đến khổ với dự án nhà máy xử lý rác thải này. Theo quy hoạch của tỉnh thì địa phương được quy hoạch đặt một nhà máy xử lý rác thải tầm cỡ, công suất hơn 200 tấn/ngày cho khu vực các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ. Sau khi được chấp thuận chủ trương, đã có Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH về xúc tiến, khảo sát chọn vị trí”.

Cũng theo ông Trường, phía doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH có trụ sở tại Hà Nội) đã nhiều lần về địa phương để xúc tiến, khảo sát và chọn vị trí đặt nhà máy xử lý rác. Do tính chất, cũng như yếu tố môi trường nên chính quyền xã đã phải rất nỗ lực để vận động bà con đồng thuận. Sau 3 lần di chuyển, cuối cùng đã chọn được vị trí phù hợp với 7ha. Thế nhưng, cũng từ đây, chính quyền xã rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì không biết trả lời với người dân thế nào khi không thấy doanh nghiệp về triển khai?! Việc dự án “chìm” làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như quá trình sản xuất của bà con.

Nhiều dự án xử lý rác thải được triển khai rầm rộ rồi “chết yểu” hoặc bỏ hoang.

Tương tự, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Môi trường Vạn Tiến Lộc. Với công suất 150 tấn rác/ngày đêm, dự án đủ khả năng phục vụ cho nhu cầu xử lý rác thải vốn đang rất cấp thiết của 24 xã, thị trấn chưa có lò đốt rác trong huyện. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt tay vào triển khai, dự án này vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân trong xã.

Trước việc người dân phản đối dự án một cách quyết liệt khiến chính quyền xã đã làm mọi cách để có thể tuyên truyền cho dân hiểu ý nghĩa, sự cần thiết của dự án. Trong đó, quan trọng nhất là làm cho bà con yên tâm, khi nhà máy vận hành sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, đến nguồn nước... Thậm chí có lần, theo yêu cầu của bà con, UBND huyện mời nhà đầu tư đưa băng hình, máy chiếu về để giới thiệu về dây chuyền công nghệ, hình ảnh hoạt động của hệ thống xử lý rác thải để bà con xem nhưng rồi kết cục vẫn không thể nhận được sự đồng tình, ủng hộ...

Giải pháp tại các địa phương hiện tại chỉ trông chờ vào những mô hình lò đốt rác thủ công, công suất nhỏ.

“Chết yểu”...

Theo tài liệu, tháng 12/2017, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm thu gom, xử lý chất thải rắn tổng hợp trên địa bàn thị trấn Phong Sơn, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thuỷ và 10 xã của huyện Ngọc Lặc. Dự án sử dụng 7ha đất với công suất 240 tấn/ngày đêm. Nếu theo tiến độ được phê duyệt, dự án sẽ khởi công xây dựng tháng 6/2018 và hoàn thành, đi vào hoạt động tháng 1/2020.Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện bất kỳ một công việc nào liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng. Nguyên nhân chính được cho là nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy lý giải: “Huyện cũng đã nhiều lần gặp chủ đầu tư để làm việc, bàn về phương án triển khai dự án. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không có năng lực nên dự án không được triển khai. Trước tình hình này, ngày 11/2/2020, UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị dừng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Cẩm Châu để huyện kêu gọi dự án khác mang tính khả thi hơn”.

Trong khi đó, đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc sau những nỗ lực không nhận được sự thống nhất của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng cũng rơi vào tình trạng “chết yểu”. Lý do vì người dân cho rằng vị trí đặt nhà máy không phù hợp, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Vũ Huy Cần - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc cho rằng:Ngoài việc phản đối của người dân do ô nhiễm, thì vấn đề trong khảo sát vị trí cũng chưa được ổn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là cửa ngõ dẫn vào huyện, là khu quy hoạch trung tâm, phát triển kinh tế của huyện nếu đặt ở đây về định hướng là không phù hợp. Năm 2018 UBND huyện cũng đã có báo cáo xin dừng dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Tiến Lộc để kêu gọi đầu tư mới.

Rõ ràng, nguyên nhân dẫn đến việc các dự án hoặc chậm tiến độ, hoặc“chết yểu” sau khi được chấp thuận chủ trương từ tỉnh có nhiều nguyên nhân. Song tựu chung, phần lớn do không giải phóng được mặt bằng, khảo sát lựa chọn vị trí chưa phù hợp hoặc do các chủ đầu tư chưa thực sự tập trung nguồn lực thực hiện dự án, năng lực yếu...

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]