(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo Quyết định 155/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dầu nhớt khi không còn tác dụng, cần thay thế là chất thải nguy hại, phải được xử lý, tiêu hủy theo một quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế, chất thải này đang được hô biến thành dầu Diezen.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hô biến nhớt thải thành dầu Diezen

Theo Quyết định 155/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dầu nhớt khi không còn tác dụng, cần thay thế là chất thải nguy hại, phải được xử lý, tiêu hủy theo một quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế, chất thải này đang được hô biến thành dầu Diezen.

Dầu nhớt thải đang đi đâu?

Đi một vòng qua các vùng quê, huyện, thị, thành phố, ghé vào một số cửa hàng sửa xe máy, trò chuyện với những người chủ cửa hàng này về cách giải quyết số dầu nhớt dư thế nào, chúng tôi gặp chung câu trả lời: Dầu thải xe máy được gom lại, rồi bán cho những người chuyên đi thu mua hàng ngày.

Cũng qua tìm hiểu được biết, hiện nay giá thu mua dầu nhớt phế thải ở mức 2.000 đến 2.500 đồng/ lít. Giá này cũng "nhảy múa” theo giá thị trường xăng, dầu. Các chủ gara, tiệm sửa xe bán dầu thải như một thứ hàng hóa trôi nổi, không bán cho riêng ai, hễ ai đến thu mua là bán.

Câu hỏi đặt ra là khối lượng lớn dầu nhớt phế thải đi đâu, để làm gì và có thể gây nguy hại cho cuộc sống?

Phải mất rất nhiều thời gian theo dõi, lần theo dấu vết của những chuyến xe thu mua, chúng tôi mới phát hiện ra một khu nhà xưởng không tên, không biển hiệu nằm ẩn mình dưới chân núi Long, Mật Sơn 3, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa là đích đến của khối lượng dầu nhớt phế thải. Nhà xưởng này được bao bọc bởi một bên là dãy núi đá vôi, bên là hàng rào cao, cắm gai nhọn. Phía bên trên là một căn nhà nuôi chim Yến, cộng thêm cánh cổng bằng sắt lúc nào cũng đóng kín, đường vào thì hun hút, tạo nên thế biệt lập của khu xưởng này với xung quanh. Nhưng mấy ai biết được một khối lượng lớn dầu Diezen lại được "sản xuất" từ dầu nhớt thải chính tại nơi này.

Ông Nguyễn Kiên Thọ, chủ cơ sở cho hay: “Cơ sở đã hoạt động từ năm 2005, cũng có một thời bị ngừng do cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, và nay hoạt động lại. Dầu tại đây chủ yếu cung cấp cho các máy móc thô sơ, vật dụng”.

Lò than đun dầu nhờn thải của cơ sở ông Nguyễn Kiên Thọ, khu vựcnúi Long, Mật Sơn 3, P. Đông Vệ.

Biến nhớt thải thành dầu Diezen

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng, cơ sở này cứ khoảng 5 đến 6 ngày lại tái chế đầy bồn 5 nghìn lít để sẵn ở đó. Khi bồn đầy sẽ có xe tới chở đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Và điều đáng nói là sưởng chế biến dầu thải của hộ gia đình ông Thọ nằm trên đất có mục đích sử dụng làm trang trại. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động chế biến dầu thải không phép từ nhiều năm, không có cam kết bảo vệ môi trường và qua mặt được cơ quan chức năng?

Ông Lê Quang Hiển - Bí thư, Chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết: “Tôi mới chuyển công tác về đây, cũng có nghe anh em trao đổi là trên địa bàn tồn tại một cơ sở chế biến dầu thải nhưng đã bị xử lý lâu rồi. Qua thông tin báo chí cung cấp, chúng tôi sẽ xuống cơ sở xác minh và nếu đúng sẽ xử lý ngay”.

Nhiều năm qua, tại khu vực núi Chân Thần (Đông Tân - TP Thanh Hóa) một cơ sở tái chế dầu thải của hộ gia đình ông Trịnh Văn Hùng không được cơ quan nhà nước cấp phép nhưng vẫn hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân nơi đây. Cơ sở này có quy mô lớn, nhưng vẫn phải đi men theo những con đường ngoằn ngoèo của khu vực núi Chân Thần mới vào đến nơi. Xung quanh khu vực lò nấu luôn nhớp nháp, trơn trượt vì dầu mỡ.

Một công nhân của lò nấu gạch gần cơ sở tái chế dầu thải cho biết: “Khu vực tái chế dầu thải này họ hoạt động từ nhiều năm qua. Khói từ nấu dầu bốc lên hôi nồng nặc. Nước thải, chất thải không biết xử lý thế nào mà họ xả thẳng ra mương, ruộng. Dầu mỡ, chất bẩn chảy lênh láng khắp nơi, nhất là vào mùa mưa. Những con cá, con lươn bắt được khu vực này không dám ăn vì có mùi dầu.”

Theo như anh Nguyễn Văn An (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) là công nhân ở cơ sở này cho biết: Cơ sở mỗi ngày tái chế thành phẩm khoảng gần 5 nghìn lít dầu Diezen, giá bán ra một thùng phi 217 lít khoảng 3 - 4 triệu, giá thu mua dầu nhớt thải vào là 900.000 đồng/ thùng phi lớn.

Xưởng tái chế dầu lại khu vực núi Chân Thần (Đông Tân - TP Thanh Hóa) của ông Trịnh Văn Hùng.

Qua tìm hiểu, được biết quy trình chế biến dầu Diezen từ dầu nhớt thải, đã qua sử dụng ở đây cơ bản như sau: Dầu nhớt phế thải được cho vào thùng rồi nấu lên. Khi đạt đến nhiệt độ nhất định, dầu nhớt bắt đầu loãng ra, các loại tạp chất và cặn bị chìm xuống đáy. Dầu loãng bốc hơi tràn vào ống dẫn, chạy vào một hệ thống làm mát rồi đổ vào những thùng phi có khối lượng 200 lít. Người ta pha vào một loại hóa chất trông giống như xút, rồi thêm bột tạo màu theo ý muốn.

Qua theo dõi được biết, mỗi mẻ nấu là 18 thùng phi nhớt thải, chưng cất xong sẽ thu về được 15 phi dầu Diezen thành phẩm. Chất rắn, cặn bã thải ra ngoài chỉ khoảng một xe rùa nhỏ.

Đem thông tin trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Thanh Hóa, ông cho biết: “Sẽ phối hợp với PC46, xác minh, nắm tình hình những hành vi hoạt động sai phạm tại các cơ sở này để tiến hành kiểm tra, xử lý”.

Câu hỏi đặt ra là đã có bao nhiêu dầu Diezen không đảm bảo chất lượng được tái chế từ dầu nhờn ở xưởng của ông Nguyễn Kiên Thọ và ông Trịnh Văn Hùng được đưa ra thị trường? Điều đáng nói là, khi các phương tiện trên cạn gặp sự cố máy móc do nhiên liệu có thể khắc phục được, nhưng đối với tàu thuyền ở ngoài khơi xa thì sẽ ra sao khi sử dụng nhầm loại nhiên liệu này? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa.

Doãn Tài


Doãn Tài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]