(vhds.baothanhhoa.vn) - Người dân ở thị trấn Bút Sơn và các xã Hoằng Lộc, Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Đồng đang gặp nhiều phiền phức do ô nhiễm môi trường từ dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông ngã tư Gòng đến ngã tư Quăng, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoằng Hóa: Ô nhiễm môi trường từ công trình đang thi công

Người dân ở thị trấn Bút Sơn và các xã Hoằng Lộc, Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Đồng đang gặp nhiều phiền phức do ô nhiễm môi trường từ dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông ngã tư Gòng đến ngã tư Quăng, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Dự án triển khai với mục tiêu nâng cấp, mở rộng nhằm tăng khả năng lưu thông cho tuyến đường huyết mạch kết nối các xã Đông Nam của huyện Hoằng Hóa với thị trấn Bút Sơn. Nâng cao năng lực vận tải hàng hóa của các nhà máy, cụm công nghiệp trong khu vực. Đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH chung của huyện, đảm bảo QP-AN, an sinh xã hội...

Dự án có tổng mức đầu tư trên 86 tỷ đồng, với tổng chiều dài khoảng gần 3,5km, qua địa phận thị trấn Bút Sơn, Hoằng Vinh, Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Thịnh, Hoằng Thành, Hoằng Lộc do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư, nguồn vốn ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác...

Do đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong quá trình thi công kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo phản ánh cùa người dân các xã Hoằng Thịnh, Hoằng Đồng, thị trấn Bút Sơn... nguy cơ ô nhiễm môi trường từ dự án này là rất đáng lo. Lại thêm, người dân dọc tuyến đường này chủ yếu buôn bán, kinh doanh nên việc thi công, xây dựng khiến công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Hàng quán thưa khách, kinh doanh gặp bất lợi do đường bụi mù mịt, hai bên đường những lớp đất thải được đào lên, nhưng không có nơi tập kết, đắp cao chắn ngang nhiều nhà dân.

Chưa hết, tại các điểm công nhân đào ống cống có nơi sâu tới hàng mét nhưng không hề có hàng rào che chắn, rất nguy hiểm bởi tuyến đường có nhiều người và phương tiện qua lại.

Mặc dù quy hoạch bãi thải tại xã Hoằng Thắng, nhưng do quãng đường xa, để tiết kiệm chi phí, nhà thầu tận dụng khu đất tại thôn Thịnh Hoằng, xã Hoằng Thịnh để làm nơi tập kết đất phục vụ công trình xây dựng. Đáng nói, vị trí bãi thải không đúng quy định cũng chẳng có biển báo, hàng rào thông báo.

Một số người dân xã Hoằng Đồng cho hay, họ (công nhân) đào cống, đất đá thải được đắp chắn ngang lối đi vào nhà dân, nhiều nhà phải đóng cửa kín mít cả ngày để tránh bụi, giao thông đi lại khá khó khăn.

Anh L.V.T (xã Hoằng Thịnh) bức xúc: Nhà làm ăn buôn bán, nhưng cả ngày phải đóng cửa thì khách nào họ đến, những bãi đất thải, vật liệu xây dựng đá, xi măng, gạch cứ án ngữ lối ra thế này sao buôn bán được”.

Em N. L. M, học sinh Trường THPT Hoằng Hoá 4, cho biết: “Ngày nào đi học em cũng phải qua tuyến đường này, bụi lắm, đi đường rất sợ ngã vì đất đá nằm ngay sát mép đường, ô tô chở vật liệu qua lại rất đông...”.

Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) cho biết, dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư, chúng tôi sẽ nhắc nhở nhà thầu đảm bảo môi trường tại khu vực thi công.

Thực tế, mỗi lúc gió lên, những đoàn xe chở vật liệu chạy qua, những lớp bụi mù mịt được cuốn theo, bay vào nhà hàng chục hộ dân sinh sống ven đường, tại đây bụi phủ trắng nhà dân, cây cối, đồ dùng sinh hoạt.

Người dân bức xúc, không biết nhà thầu có thường xuyên tưới nước chống bụi hay không, nhưng chỉ cần một cơn gió khe khẽ là bụi bay tứ tung mù mịt.

Quan sát công trường, không thấy bóng dáng lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông, biển báo lắp đặt cho có hình thức. Những chỗ nguy hiểm như khu vực đào đắp cống rãnh tuyệt nhiên không thấy biển báo nào...

Một vị lãnh đạo huyện Hoằng Hóa cho biết, dự án này chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chủ yếu đầu tư, hoàn thiện phần nền, mặt đường, công trình thoát nước, và hệ thống an toàn giao thông; giai đoạn 2 đầu tư các hạng mục còn lại gồm vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện nút giao ngã tư Quăng và một số hạng mục khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Nhất - Chuyên viên Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết, đơn vị cũng vừa nhắc nhở nhà thầu đảm bảo một số yêu cầu như xe chở vật liệu tham gia công trình phải che chắn, tưới nước đầy đủ, thường xuyên. “Biên bản bãi đổ thải các anh bên đó chưa cung cấp lại được cho phòng”, ông Nhất cho biết thêm.

Vẫn biết công trình xây dựng nào cũng không tránh khỏi bụi bặm, ô nhiễm, tuy nhiên chủ đầu tư, nhà thầu cũng cần quan tâm đến yếu tố môi trường, đảm bảo cuộc sống cho người dân không bị xáo trộn bởi công trình thi công.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]