(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong quá trình khai thác, nổ mìn, sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Inh tai, nhức óc... bên những đại công trường khai thác đá

Trong quá trình khai thác, nổ mìn, sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong cái nắng như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi có mặt tại xã Hà Tân (Hà Trung) nơi được mệnh danh là “thủ phủ đá” của huyện Hà Trung. Không khó khi nhận ra cái không khí “đông đặc” bởi khói bụi tại các mỏ đá trải dài từ đầu đến cuối xã.

Hai bên đường, bất kể ngày hay đêm, cây cối luôn được phủ một lớp bụi trắng xóa, nhiều ngôi nhà luôn “sống trong sợ hãi” suốt ngày khép mình tránh khói bụi, tiếng “gầm, rú” của những chiếc xe tải hạng nặng đua nhau ra vào chở đá, vật liệu xây dựng. Không những vậy, thời điểm các mỏ đá chuẩn bị nổ mìn, nhiều nhà dân không khỏi lo sợ...

Khói bụi từ công trường khai thác đá ảnh hưởng đến đời sống người dân thôn Nam Thôn, xã Hà Tân, Hà Trung.

Bà Nguyễn Thị T., sinh sống tại thôn Nam Thôn, không khỏi bức xúc cho biết, do các mỏ đá có vị trí khai thác gần nhà, hầu như không ngày nào gia đình rơi vào tình cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên”, lo lắng cho sức khỏe các thành viên trong gia đình bởi khói bụi phủ kín quanh tường nhà. Bà chia sẻ: Lúc nào cũng đóng cửa, nhưng không tránh khỏi khói bụi. Lại thêm tiếng ồn từ máy móc, tiếng xe ô tô gầm rú ra vào chở đá khiến chúng tôi chẳng thể nghỉ ngơi.

Được biết, toàn xã Hà Tân hiện có 12 doanh nghiệp, HTX khai thác, chế biến đá, trung bình cứ cách 500m là có một vị trí mỏ. Trong khi, riêng thôn Nam Thôn có trên 200 hộ đều sinh sống cạnh các vị trí khai thác mỏ đá.

Lãnh đạo xã Hà Tân cho biết, các mỏ đá chủ yếu khai thác đá vôi, đá silic... làm vật liệu xây dựng, do tính chất phức tạp về môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, địa phương cũng đề xuất công an huyện thường xuyên xuống tăng cường, kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, quá tải. Hàng năm, có ký cam kết giữa các chủ mỏ trong bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu nổ.

Ông Trương Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Hà Tân, cho biết, trung tuần tháng 5/2020, UBND xã phối hợp lực lượng chức năng, phát hiện, xử phạt Công ty CP Loan Dương có hành vi pha chế thuốc mìn để khai thác, nhiều bao tải (nguyên liệu pha chế nổ) không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ...

Những chiếc xe hết “hạn sử dụng” vẫn ngang nhiên tung hoành chở đá tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cũng được mệnh danh “thủ phủ đá”, thời gian gần đây, hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại xã Yên Lâm (Yên Định) diễn biến phức tạp, khói bụi, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn từ các vụ nổ mìn, tình trạng quá khổ, quá tải chở vật liệu xây dựng... đang khiến cuộc sống người dân nơi đây lao đao.

Cụ thể, tại thôn Phúc Trí (xã Yên Lâm) người dân phản ánh các doanh nghiệp khai thác và sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường, hơn nữa, theo ý kiến nhiều hộ dân, việc doanh nghiệp nổ mìn gây nứt nhà dân...

Ông Nguyễn Thế H., (thôn Phúc Trí, xã Yên Lâm) bức xúc, chỉ riêng có một thôn nhỏ nhưng có đến 3 doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá.

Ông Nguyễn Xuân Thái - Chủ tịch UBND xã Yên Lâm thừa nhận việc các doanh nghiệp khai thác đá ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở địa phương, chính quyền cũng đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng bụi phát tán tại các công trường khai thác đá trong khu dân cư.

Theo vị lãnh đạo này, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tìm giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư...

Mặc dù được cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường như nước thải, tiếng ồn trong hoạt động khai thác chế biến đá khu vực núi Vức (TP Thanh Hóa) có dấu hiệu “tăng nhiệt” khiến người dân tại đây bức xúc.

Do tập trung nhiều vị trí khai thác, chế biến đá, nên tình trạng ô nhiễm do các doanh nghiệp khai thác, nổ mìn với khối lượng lớnlàm bụi trắng xóa, không những vậy tiếng ồn, nước thải không được xử lý thải trực tiếp ra môi trường tại các cơ sở sản xuất đá này, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư, mở rộng các mặt hàng sản xuất đá ốp lát nhưng không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chưa quan tâm công tác bảo vệ môi trường. Tại một số phân xưởng sản xuất đá, hệ thống xử lý nước thải xây dựng tạm bợ, mang tính đối phó lực lượng chức năng. Bên trong khu vực khai thác, bột đá được chất cao thành đống, nằm vương vãi khắp nơi, nước thải chảy lênh láng, khói bụi bay mù mịt...

Do lượng xe ra vào nhiều, nhiều cung đường vào mỏ bị “băm nát” không thương tiếc, người dân hai bên đường hàng ngày sống chung với khói bụi, tiếng ồn. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, khói bụi theo gió phát tán trong không khí, bay vào nhà dân, gây cảm giác ngộp thở, khó chịu...

Vẫn biết, các doanh nghiệp khi khai thác, chế biến đá đang góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tuy nhiên với những gì đang diễn ra tại các đại công trường khai thác, chế biến đá, tình trạng môi trường đang trở nên báo động. Rất mong lực lượng chức năng, các sở ban, ngành, chính quyền địa phương cần sớm có những biện pháp tối ưu, xử lý triệt để các cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực môi trường...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]