(vhds.baothanhhoa.vn) - Với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày một đông của người dân, cùng sự quá tải của bệnh viện công lập, thời gian qua các phòng khám tư nhân mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, việc phân loại, xử lý rác thải y tế tại các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mập mờ trong xử lý rác thải y tế tư nhân

Với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày một đông của người dân, cùng sự quá tải của bệnh viện công lập, thời gian qua các phòng khám tư nhân mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, việc phân loại, xử lý rác thải y tế tại các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Theo thống kê từ Sở Y tế Thanh Hóa, hiện nay hệ thống khám, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.134 cơ sở (19 phòng khám xin dừng hoạt động).

Qua khảo sát, để đi vào hoạt động, các cơ sở khám, chữa bệnh này đều được cấp giấy phép hoạt động, hợp đồng ký kết xử lý chất thải, rác thải theo quy định. Nhiều cơ sở trực tiếp ký hợp đồng với các bệnh viện lớn trong việc xử lý rác thải như Bệnh viện 71 Trung ương, BVĐK tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Nhi...

Song, vừa qua, ngày 18/9 trên địa bàn TP Thanh Hóa, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, phát hiện phòng khám 360 Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) xả rác thải y tế chưa qua xử lý ra môi trường. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong túi nilon có chứa găng tay cao su, ống đựng bệnh phẩm, que test xét nghiệp bằng ống thủy tinh, lam kính soi bệnh phẩm... Được biết, Phòng khám 360 Lê Hoàn có ký hợp đồng thu gom rác thải với BVĐK tỉnh, tần suất 2 lần/tuần.

Rác thải y tế lẫn rác thải sinh hoạt, phòng khám 123, Quảng Lưu, Quảng Xương.

Tại đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Đông Vệ) xuất hiện nhiều phòng khám, cơ sở tư nhân hoạt động suốt ngày đêm. Chưa kể hàng chục phòng khám nằm rải rác khác trên khắp các phường. Trong đó có không ít phòng khám phần xây dựng, cải tạo dựa trên cơ sở nhà dân, hệ thống xử lý rác thải còn sơ sài, cẩu thả.

Đơn cử, phòng khám 246 Hải Thượng Lãn Ông (trước cổng BVĐK tỉnh), đi vào hoạt động từ năm 2000, đến nay đã hơn 18 năm, hiện có 16 phòng, với 20 nhân viên. Bình quân có khoảng 15 - 20 bệnh nhân đến khám/ngày. Quý III/2018 phòng khám này xả hơn 12,1kg rác thải y tế (trung bình 4kg rác/tháng). Rác thải y tế được cơ sở này xử lý sơ sài, hời hợt, rác được tập kết vào chiếc thùng nhựa, không bọc túi nilon. Phòng vệ sinh cá nhân với nền nhà ẩm thấp được tận dụng làm nơi tập kết rác thải y tế. Ngoài ra, chậu ống nghiệm cũng được đặt ngay cạnh thùng rác thải y tế. Quan sát bằng mắt thường, rất nhiều người dễ nhận nhầm đây chỉ là thùng đựng rác sinh hoạt bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Huấn, Phụ trách phòng khám cho biết: “Việc thu gom rác thải được cơ sở ký hợp đồng với Bệnh viện Phổi, thường thì tùy vào lượng rác, trung bình nhân viên thu gom rác xuống bệnh viện 2 - 3 lần/tháng”.

Đáng chú ý, do diện tích phòng khám nhỏ, hẹp, lượng rác y tế thải ra ít, một số cơ sở khám bệnh không ngần ngại bỏ chung rác thải y tế với rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, tại các phòng khám y tế nằm ở vùng sâu, vùng xa, cộng thêm địa điểm xử lý rác thải tại các bệnh viện xa, lượng rác thải ít, dẫn đến tình trạng nhiều phòng khám “chây ì” trong khâu thu gom, xử lý.

Theo Khoản 1, Điều 16 (Nghị định 176 của Chính phủ ban hành ngày 14/11/2013) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh không xử lý chất thải y tế theo quy định có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng...

Thiết nghĩ, rác thải y tế là hiểm họa khôn lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe người dân. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm...

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]