(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù khó khăn về quỹ đất, song không phải vì thế mà cả huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) không chọn nổi cho mình một địa điểm quy hoạch bãi rác xứng tầm. Dự án bãi rác tại xã Minh Lộc cho 5 xã miền biển hay Dự án nhà máy xử lý rác tại xã Tiến Lộc vừa qua là những ví dụ điển hình. Song, hồi kết cho những dự án trên đều trở thành những vùng bãi hoang hóa, chăn thả trâu bò, lãng phí tài nguyên...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ô nhiễm rác thải các xã miền biển Hậu Lộc: Bao giờ đến hồi kết? (Bài 3) Không có bãi xử lý rác thải đổ đi đâu?

Mặc dù khó khăn về quỹ đất, song không phải vì thế mà cả huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) không chọn nổi cho mình một địa điểm quy hoạch bãi rác xứng tầm. Dự án bãi rác tại xã Minh Lộc cho 5 xã miền biển hay Dự án nhà máy xử lý rác tại xã Tiến Lộc vừa qua là những ví dụ điển hình. Song, hồi kết cho những dự án trên đều trở thành những vùng bãi hoang hóa, chăn thả trâu bò, lãng phí tài nguyên...

Từ những dự án rác thải “đắp chiếu”

Không khó để chúng tôi tìm đến vị trí dự án đầu tư xây dựng công trình Khu bãi rác và xử lý chất thải khu vực miền biển huyện Hậu Lộc tại khu đồng Mảng Già (xã Minh Lộc). Từ con đường trung tâm xã, đi vào khu đồng Mảng Già chừng hơn 1km, trước mắt tôi là đồng đất bỏ không rộng lớn khoảng chừng 4 đến5 ha hoang hóa, cỏ cây um tùm...

Một hộ nông dân làm trang trại gần dự án cho biết, dự án bãi rác này được làm cách đây hơn chục năm rồi nhưng do nhân dân phản đối nên bỏ hoang tới bây giờ, lãng phí đồng đất bao năm không thể canh tác của bà con! Cũng theo hộ nông dân này, lý do bãi rác “đắp chiếu” bởi, người dân cũng như chính quyền địa phương không ai muốn đưa một dự án bãi rác về xã vì lo sợ ô nhiễm! Thứ nữa là một số bất cập trong việc lựa chọn vị trí, gần khu nuôi trồng thủy sản hàng chục héc ta của xã, khu trang trại và vị trí cách khu dân cư cũng không đảm bảo...

Dự án Khu bãi rác và xử lý chất thải khu vực miền biển huyện Hậu Lộc tại khu đồng Mảng Già (xã Minh Lộc) bỏ hoang?

Tìm hiểu được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình Khu bãi rác và xử lý chất thải khu vực miền biển huyện Hậu Lộc tại khu đồng Mảng Già, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2674, ngày 29/8/2008. Chủ đầu tư là UBND huyện Hậu Lộc, quy mô đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và xử lý chất thải, công suất 36 tấn/ngày đêm, với nguồn vốn đầu tư 8.965,41 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% chi phí xây dựng và chi phí thiết bị từ nguồn sự nghiệp môi trường; ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Vậy nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn dự án cuối cùng rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.

Chưa dừng lại ở đó, trước sức ép về rác thải, môi trường, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có Quyết định số 1209, ngày 18/4/2017 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tại xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Môi trường Vạn Tiến Lộc. Với công suất 150 tấn rác/ngày đêm, dự án đủ khả năng phục vụ cho nhu cầu xử lý rác thải vốn đang rất cấp thiết của 24 xã, thị trấn chưa có lò đốt rác trong huyện.

Dự án này được ví như “nắng hạn gặp mưa rào” đối với thực tại sức ép môi trường của huyện miền biển. Vậy nhưng, ngay từ khi bắt tay vào triển khai, dự án này lại một lần nữa vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân trong xã, và rơi vào tình thế không thể triển khai vì không giải phóng được mặt bằng.

Rác thải đổ đi đâu?

Không có nổi một bãi rác chôn lấp thông thường, một dự án xử lý rác triệt để, vậy rác thải các xã huyện miền biển Hậu Lộc này đổ đi đâu?! Để có câu trả lời không khó! Ngoại trừ một số xã có mô hình lò đốt rác như Phú Lộc, Hòa Lộc hay Đại Lộc... thì đa phần các xã khác đều giao phó trách nhiệm cho các đơn vị doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác ra khỏi địa phương. Còn vận chuyển đi đâu, đổ thải thế nào, xử lý rác ra sao, đơn vị có chức năng xử lý môi trường hay không? chính quyền các xã không quan tâm, điều khoản hợp đồng cũng mập mờ không ràng buộc rõ ràng.

Đó phải chăng một phần nguyên nhân dẫn đến việc vì sao rác ở khắp mọi nơi, rác bị đổ thải trộm ra ven quốc lộ, ra đồng ruộng, rác trong khu dân cư không được vận chuyển thường xuyên gây ô nhiễm...

Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Công ty TNHH DV công ích Hậu Lộc, đơn vị ký hợp đồng vận chuyển rác thải với UBND xã Đa Lộc cho biết: “Hiện công ty đang vận chuyển ra bãi rác Đông Nam TP Thanh Hóa một tuần chúng tôi vận chuyển 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, do lượng rác nhiều (nhất là vào dịp tết) nên đôi khi đơn vị không thể vận chuyển hết được lượng rác tập kết trên đê”.

Thắc mắc rằng bãi rác Đông Nam TP Thanh Hóa không được phép tiếp nhận rác thải từ huyện khác, hiện một số ô chôn lấp như hố số 3 của bãi rác này cũng đang rơi vào tình trạng quá tải, ô nhiễm? Ông Nam thừa nhận thực tế dựa vào mối quan hệ để xin vận chuyển về đó tập kết chứ không có hợp đồng, ký tá gì cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Nam - Công ty TNHH MTV Đức Tâm Phát (địa chỉ xã Hưng Lộc, Hậu Lộc) đang ký hợp đồng vận chuyển rác thải với 2 xã là Ngư Lộc và Hưng Lộc, cho biết: “Trước đơn vị chở rác ra Bỉm Sơn, rồi có hợp đồng ngoài Tam Điệp (Ninh Bình). Nhưng thực tế đều không hợp đồng ký kết”.

Vậy bây giờ đơn vị mình đang vận chuyển rác thải các xã trên đi đâu? - PV. Ông Nam khẳng định, “Chúng tôi vận chuyển đi Sao Vàng (huyện Thọ Xuân), khi thì bãi rác huyện Nông Cống, bãi rác Đông Nam... không cố định”. Phóng viên hỏi tiếp: Phải chăng đó là nguyên do cho việc vận chuyển không đều, thường xuyên? Ông Nam ấp úng. Phóng viên tiếp tục hỏi: Các đơn vị trên có ký hợp đồng với công ty mình không? Ông Nam thừa nhận: “Các đơn vị không ký hợp đồng, và chuyện đó không chỉ riêng ở công ty tôi. Để được vào đổ rác ở một đơn vị nào đó, tất cả chúng tôi đều phải dựa vào mối quan hệ, xin xỏ”.

Thừa nhận bất cập trong việc xử lý rác thải và vấn đề môi trường tại huyện, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc khẳng định thực tế có một số doanh nghiệp không có chức năng về môi trường, xử lý rác thải nhưng một số xã vẫn buông lỏng, xuề xòa ký hợp đồng, là sai, là thiếu trách nhiệm. Sắp tới huyện sẽ tiến hành cho rà soát lại để chấn chỉnh.

Trong khi đó, ông Hồ Viết Lân - Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường & Đô thị Thanh Hóa tỏ rõ quan điểm, đơn vị hiện tại chỉ tiếp nhận rác thải của các xã, phường TP Thanh Hóa, không tiếp nhận rác thải của bất kể huyện nào. Tuy nhiên, ông Lân cũng thừa nhận, trước đó công ty từng phát hiện quản lý bãi có để cho một vài doanh nghiệp ở Hậu Lộc tập kết rác thải về bãi?

“Phản ánh của báo chí, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại!” - Ông Lân khẳng định.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]