(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong khi các dự án xử lý rác thải không thể triển khai thì mô hình lò đốt rác theo cụm xã được UBND huyện Hậu Lộc kỳ vọng và đề ra như một giải pháp căn cơ có tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, dù các mô hình lò đốt này đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã bộc lộ những hạn chế cố hữu khó có thể khắc phục, thậm chí có nguy cơ “chết yểu” gây lãng phí đầu tư nếu tiếp tục nhân rộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ô nhiễm rác thải các xã miền biển Hậu Lộc: Bao giờ đến hồi kết? (Bài cuối) Loay hoay tìm giải pháp

Trong khi các dự án xử lý rác thải không thể triển khai thì mô hình lò đốt rác theo cụm xã được UBND huyện Hậu Lộc kỳ vọng và đề ra như một giải pháp căn cơ có tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, dù các mô hình lò đốt này đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã bộc lộ những hạn chế cố hữu khó có thể khắc phục, thậm chí có nguy cơ “chết yểu” gây lãng phí đầu tư nếu tiếp tục nhân rộng.

“Chết yểu” mô hình lò đốt rác?

Theo Kế hoạch số 90/2018 của UBND huyện Hậu Lộc thì mục tiêu đến năm 2020, huyện Hậu Lộc với 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 85% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn được tập trung thu gom, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế; 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề được thu gom tái sử dụng... Xa hơn, phấn đấu đến năm 2030 tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghiệp tiên tiến, thân thiện môi trường.

Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Hậu Lộc đã đưa ra giải pháp Quy hoạch, xây dựng hệ thống lò đốt rác theo quy mô cụm xã. Cụ thể, với 27 xã thị trấn, huyện phân thành 10 cụm mô hình lò đốt, căn cứ vào địa hình và quy mô dân số, tổng lượng rác thải mà mỗi cụm sẽ gồm từ 2 đến 3 xã. Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu như giải pháp trên là hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế lại đang đi ngược với kỳ vọng trên.

Mô hình lò đốt rác tại xã Phú Lộc, một trong những xã được đầu tư xây dựng lò đốt rác theo hướng cụm xã là một thí dụ. Ông Đoàn Văn Nga - Chủ tịch UBND xã thở dài: “Lò đốt rác có công suất thấp, thủ công, không có băng truyền đưa rác vào lò, chủ yếu dựa vào sức người. Hiện, công suất của lò đốt rác tại địa phương chỉ phục vụ được cho xã với dân số gần 7 nghìn. Mặc dù UBND huyện luôn đề nghị xử lý rác cho xã Thịnh Lộc, tuy nhiên xã không chấp nhận bởi, việc vận tải rác về xã người dân không đồng tình. Thứ nữa lò đốt rác vốn từ ngân sách xã bỏ ra là chủ yếu, huyện chỉ hỗ trợ 300 triệu nên người dân không đồng tình việc bỏ kinh phí ra để xử lý cho xã khác”.

Và, thực tế khi chúng tôi mục thị mô hình này thì đúng như lời vị chủ tịch UBND xã Phúc Lộc nói, khu lò đốt được xây dựng với quy mô bề thế, khang trang với các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, khó hiểu khi nó đang trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, không hoạt động.

Ông Nga lý giải: “Lò đốt rác được đầu tư tổng thể hơn 5 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ năm 2016 và đang được giao cho HTX quản lý, hoạt động với 6 công nhân vệ sinh môi trường. Hiện tại, lò đốt chỉ phục vụ cho xã và dư thừa công suất, thời gian, nhiều ngày lò bỏ không”. Điều này mâu thuẫn với trao đổi ban đầu của ông Nga?

Ngược lại, mô hình lò đốt rác tại xã Hòa Lộc hiện đang phục vụ xử lý rác cho hai xã là Xuân Lộc và Hòa Lộc. Công suất nhỏ, khối lượng rác thải 2 xã lớn nên lò đốt này luôn trong tình trạng quá tải. Ông Nguyễn Văn Tài, quản lý lò đốt xã này phân tích: “Vào mùa hè nắng nóng thì công nhân làm hết công suất có thể xử lý được khối lượng rác thải 2 xã cộng lại. Tuy nhiên vào mùa mưa, công suất xử lý rác thấp chỉ đạt 30 đến 40%. Rác ướt, không đảm bảo độ khô, khi cho vào lò đốt không sinh nhiệt, lò không nóng kéo theo rác thải lại không cháy. Và khi rác thải không được xử lý, rác tồn ứ gây ô nhiễm”.

Mô hình lò đốt rác thải xã Hòa Lộc mới đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng công nghệ thủ công, lạc hậu khiến công suất xử lý rác thấp.

Thực tế, với sự hạn chế về ngân sách nên các xã của huyện Hậu Lộc hầu như chỉ có thể tiếp cận những công nghệ lò đốt cũ, quy mô đầu tư và công suất xử lý nhỏ, trung bình 200 kg đến 500 kg/giờ. Công suất lò nhỏ, công nghệ lạc hậu, thủ công dựa nhiều vào sức người; nhiệt đốt của lò xử lý thấp, chỉ xử lý được rác thải sinh hoạt thông thường, đối với các loại rác thải rắn khó xử lý đa phần vẫn phải sử dụng hình thức chôn lấp... đó là thực tại hạn chế của các mô hình lò đốt rác. Nếu miễn cưỡng nhân rộng các mô hình lò đốt rác với công nghệ này vào xử lý ở những điểm “nóng” về rác thải như xã Ngư Lộc, Hưng Lộc hay Minh Lộc... thì hẳn sẽ không phù hợp!

Và những kỳ vọng từ dự án mới

Trước những bất cập về vấn đề môi trường, rác thải tại huyện Hậu Lộc cũng như những hạn chế từ mô hình lò đốt rác theo cụm, ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn cho biết: Về vấn đề bức thiết trong ô nhiễm môi trường từ rác thải, sau khi không thể triển khai được 2 dự án xử lý rác thải tại xã Minh Lộc và Tiến Lộc là rõ! Về lâu dài huyện đang hướng xây dựng mô hình lò đốt rác theo cụm xã!

Tuy nhiên, Văn bản số 1298 ngày 13/4/2016 Bộ TN&MT từng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải tăng cường quản lý, hạn chế sử dụng lò đốt rác thải cỡ nhỏ có công suất dưới 300 kg/giờ. Ông Long thừa nhận, mô hình lò đốt rác thải phân theo cụm xã cũng bộc lộ những hạn chế nhất định.

Song, mới đây ngày 5/4/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhận được đơn đề nghị của Công ty CP thuốc bảo vệ thực vật phụ gia xi măng 27/7 xin đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn huyện Hậu Lộc. Trước thông tin này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã có công văn giao cho các sở ban ngành, UBND huyện Hậu Lộc và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị, tham mưu UBND tỉnh.

Phía công ty này sau đó đã kêu gọi hợp tác đầu tư từ Công ty AMAZON VISION với công nghệ KNL (5 không), giúp cắt giảm 30 - 50% chi phí vận hành, đầu tư và đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định về môi trường như: Không khói, không khí thải độc hại, không mùi, không cần nhiên liệu, không cần phân loại rác. Công suất tối thiểu lò xử lý 100 tấn/ngày đêm. Hiện tại công ty này cũng đang triển khai hiệu quả công nghệ xử lý rác này tại tỉnh Thái Bình và sẵn sàng mời đoàn ban ngành của huyện ra tham quan mô hình đang hoạt động tại huyện Vũ Như, tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là chủ trương vẫn chưa được UBND tỉnh chấp thuận. Và khi được chấp thuận đầu tư, việc lựa chọn vị trí quy hoạch hẳn không phải là điều dễ dàng khi tiền lệ 2 đại dự án hàng chục tỷ đồng đều thất bại. Và như vậy, câu chuyện về ô nhiễm từ rác thải ở các huyện miền biển Hậu Lộc bao giờ đến hồi kết vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ?!

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]