(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa là tỉnh có nhiều nghề, làng nghề truyền thống, được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, lưu giữ và phát triển đến ngày nay như chiếu cói Nga Sơn, dệt nhiễu Hồng Đô, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng... Đặc biệt, đối với nghề mộc, việc duy trì và phát triển gắn với bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển nghề mộc gắn với bảo vệ môi trường

(VH&ĐS) Thanh Hóa là tỉnh có nhiều nghề, làng nghề truyền thống, được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, lưu giữ và phát triển đến ngày nay như chiếu cói Nga Sơn, dệt nhiễu Hồng Đô, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng... Đặc biệt, đối với nghề mộc, việc duy trì và phát triển gắn với bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức.

Theo thống kê từ Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) toàn tỉnh hiện có 25 làng nghề truyền thống, 155 làng nghề. Trong đó, nghề mộc có 8 làng, phân bố chủ yếu tại các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... Đến nay đã có 2 làng nghề và 2 làng nghề truyền thống được công nhận, với quy mô sản xuất gần 800 hộ, hàng năm giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Thu nhập bình quân dao động từ 3 - 4 triệu đồng/ người/ tháng. Hiện các làng nghề mộc hoạt động khá ổn định, một số cơ sở, hộ sản xuất không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để chạm khắc đồ gỗ, sản phẩm chủ yếu là nhà gỗ, bàn, ghế, giường, tủ, đồ thờ cúng...

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nghề mộc đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi bẩn...

Có mặt tại làng nghề mộc Đạt Tài (xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa), chứng kiến cảnh lao động dù trang bị những trang phục bảo hộ, khẩu trang kín mặt, vẫn không thể tránh được bụi bẩn từ những bào cưa, vỏ cây, mới biết để làm được nghề này không chỉ khéo tay, mà còn phải có niềm đam mê, động cơ kiếm tiền.

Xã Hoằng Đạt hiện có 3 làng và 4 thôn, phần lớn đều làm nghề mộc, tập trung chủ yếu ở thôn Trù Ninh, Tam Nguyên, với trên 45 hộ làm nghề, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 275 lao động với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/ người/ tháng, thậm chí những lao động có tay nghề cao còn được trả tới 9 triệu đồng/ người/ tháng. Nghề phát triển, thị trường tiêu thụ rộng lớn, sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại, vài năm trở lại đây nghề mộc phát triển, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, đến nay cả xã có 7 hộ đầu tư mua máy đục công nghệ cao. Việc xuất hiện nhiều xưởng, cơ sở chế biến, lò sấy đã vô tình ảnh hưởng đến môi trường sống.

Nghề mộc Hoằng Đạt, Hoằng Hóa tuy phát triển, song cũng kéo theo những hệ lụy khôn lường về môi trường.

Tại một số cơ sở mộc đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, theo quan sát phần lớn các hộ sản xuất mang tính chất manh mún, chưa được quy hoạch đầu tư đồng bộ. Hơn nữa, nhiều hộ còn xem nhẹ sức khỏe của lao động, không trang bị hệ thống máy hút bụi, quạt thông gió trong xưởng. Theo tìm hiểu, chế độ đãi ngộ đối với một số lao động của các chủ xưởng gỗ còn hạn chế, họ chưa hoặc không được đóng bảo hiểm y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu lao động không may xảy ra tai nạn, bệnh tật do môi trường ô nhiễm, chủ xưởng sẽ không gánh trách nhiệm.

Từ trước đến nay các hộ đều làm nghề trên diện tích đất ở của gia đình, nằm lẫn trong khu dân cư, hơn nữa nhiều hộ làng nghề vẫn ngang nhiên xả thải trực tiếp ra bên ngoài. Vào những ngày nắng nóng, bụi bẩn từ những xưởng gỗ, chế tác gỗ vẫn len lỏi, xả trực tiếp vào nhà dân.

Đã hơn 10 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Bích, người dân xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) luôn phải sống trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” bên cạnh những xưởng mộc. Bà cho biết: “Đấy các anh, chị nhìn xem cả ngày chúng tôi đóng cửa, kéo rèm nhưng vẫn không thể nào tránh khỏi bụi bẩn, cộng với những tiếng ồn ào từ những xưởng cưa, tiếng bào bên cạnh...”

Còn ông Nguyễn Viết Diện - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa), cho rằng: “Việc sản xuất nhỏ lẻ, không khép kín, lượng rác thải lại ít, nên phần lớn các hộ trong làng nghề còn xem nhẹ yếu tố môi trường, địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường tại một số xưởng mộc, thường xuyên quét dọn, thu gom các loại phế thải trong quá trình sản xuất, che chắn bụi, không sản xuất quá 22h đêm, hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng đến các hộ xung quanh...”.

“Để các làng nghề, đặc biệt là nghề mộc duy trì và phát triển, trước hết cần phải tháo gỡ những nảy sinh, hệ lụy về vấn đề môi trường, bởi nếu không giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và vấn đề môi trường thì sự phát triển làng nghề khó bền vững và người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Nguyễn Văn Tiệm - Phó phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết thêm.

Thiết nghĩ, việc bảo vệ, giảm thiểu những tác động xấu về môi trường do các làng nghề nói chung, nghề mộc nói riêng mang lại, trước mắt các địa phương cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình làm nghề. Xây dựng các mô hình thu gom rác thải tập trung, che chắn các xưởng gỗ, chế tác, tránh gây bụi bẩn ra môi trường bên ngoài...

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]