(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong khi khu quy hoạch làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) đang “đắp chiếu” vì nhiều lý do thì tại các khu dân cư ở thôn 7, 8, 9, 10, hàng trăm hộ dân đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động làng nghề gây ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiệu Đô: Quy hoạch làng nghề ‘đắp chiếu’, dân kêu trời vì ô nhiễm

(VH&ĐS) Trong khi khu quy hoạch làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) đang “đắp chiếu” vì nhiều lý do thì tại các khu dân cư ở thôn 7, 8, 9, 10, hàng trăm hộ dân đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động làng nghề gây ra.

Về xã Thiệu Đô một ngày nắng nóng, có mặt tại thôn 7, phải hứng chịu mùi hôi thối đặc trưng khiến chúng tôi không khỏi đau đầu. Một người dân ngao ngán: “Nhà tôi không làm nghề, nhưng sống lâu bên các hộ ươm tơ cũng thành quen! Các anh đến chỗ đầu cống thải làng nghề là rõ mức độ ô nhiễm khủng khiếp thế nào!”.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến khu cống thải của làng nghề. Thật không tin vào mắt mình khi đây chính là nơi bắt nguồn của ô nhiễm. Một thứ nước đen kịt, đặc quánh đang bốc hơi trước cái nắng nóng 36-37OC. Đang loay hoay chụp ảnh, ông H - một hộ dân khác lại vỗ vai: “Không chỉ nước thải từ làng nghề, mà tất cả các loại nước từ sinh hoạt, chăn nuôi cũng đều thải ra đây. Môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân khiến muỗi, nhặng xuất hiện nhiều. Mặc dù, dân chúng tôi sử dụng nhiều loại thuốc diệt muỗi, côn trùng nhưng không ăn thua vì giờ mới là những ngày đầu mùa hoạt động sản xuất, phun thuốc đỡ được hôm trước thì hôm sau lại đâu vào đó! Lo cho con cháu, tuổi nhỏ thường xuyên mắc phải các bệnh về ngoài da, hô hấp”...

Khu làng nghề quy mô, hứa hẹn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Bao đời nay, làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô được xem là nguồn thu nhập chính của người dân. Đặc biệt, kể từ khi có chủ trương khôi phục làng nghề thì số hộ cũng như số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng dâu nuôi tằm càng tăng lên, làng nghề dần hồi sinh. Thiệu Đô hiện có khoảng 26 cơ sở và 1 công ty chuyên ươm tơ, dệt nhiễu. Các cơ sở này hiện đang mang lại nguồn thu nhập, giải quyết việc làm đáng kể cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, đến nay vẫn chưa hề có một quy hoạch, giải pháp cụ thể nào về vấn đề môi trường làng nghề. Trong khi, hầu như tất cả các cơ sở sản xuất, công ty đều có diện tích rất nhỏ hẹp; chưa có công nghệ xử lý môi trường; không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải... khiến hàng trăm hộ dân từng ngày vẫn phải sống chung với ô nhiễm.

Sau nhiều kiến nghị, phản ánh của nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như mong muốn về một làng nghề với hoạt động sản xuất quy mô, có đầy đủ cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải... tháng 8/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt một Khu làng nghề tập trung trên diện tích trên 25.000m2, từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh, huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Đô. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau những “kỳ vọng” là “thất vọng” đối với nhân dân khi khu làng nghề này mới chỉ hoàn thành được 50% khối lượng. Nguyên nhân được cho là thiếu kinh phí!

Có mặt tại khu quy hoạch làng nghề, theo quan sát của chúng tôi, một con đường dang dở, xe cộ đi lại mù mịt bụi bặm; hệ thống tường bao, sân bãi cỏ cây mọc um tùm; nguyên vật liệu xây dựng phơi sương, phơi gió đang dần hư hỏng... Nhiều người dân không khỏi bất bình: “Chủ trương khôi phục làng nghề với quy hoạch quy mô lớn ra khỏi khu dân cư ai cũng vui mừng, hồ hởi. Những tưởng năm 2015 hoàn thành, nhưng tới nay đã bước sang năm 2017 vẫn “đắp chiếu” một cách khó hiểu, lãng phí”.

Liên hệ nhiều lần với UBND xã Thiệu Đô nhưng không gặp, qua điện thoại thì vị Chủ tịch xã đã cáo ốm.

Theo tìm hiểu được biết, nhiều lần UBND huyện Thiệu Hóa gửi tờ trình xin chủ trương điều chỉnh dự án (Tờ trình số 731 ngày 12/9/2014), cũng như văn bản cam kết vốn đầu tư và dự kiến tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (Tờ trình số 03 ngày 07/1/2015) và gần đây là tờ trình số 255 ngày 2/7/2015 về việc xin hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô. Ngày 11/9/2015 UBND tỉnh đã có Văn bản số 9300 đồng ý chủ trương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho công trình... Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì công trình vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”?

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]