(vhds.baothanhhoa.vn) - Dân chài Vạn Ninh, xã Hoằng Đạt và các hộ chài lưới ở ven sông thường đi đánh bắt cua. Chiều tà xuôi thuyền nan theo dòng chảy thả rọ nhử cua. Buổi sáng thả dây ròng kéo rọ lên để bắt cua.

Cua nước lợ sông Bút

Dân chài Vạn Ninh, xã Hoằng Đạt và các hộ chài lưới ở ven sông thường đi đánh bắt cua. Chiều tà xuôi thuyền nan theo dòng chảy thả rọ nhử cua. Buổi sáng thả dây ròng kéo rọ lên để bắt cua.

Cua nước lợ sông Bút

Sông Mã chảy đến ngã ba Tuần Ngu chia làm hai nhánh, một nhánh đổ ra cửa Lạch Trào (Cửa Hới), một nhánh chảy qua các xã Hoằng Anh, Hoằng Minh, Hoằng Cát, Hoằng Xuyên, Hoằng Phúc, Hoằng Đức… đổ ra cửa biển Lạch Trường. Sông đi qua địa danh nào bà con quen gọi theo địa danh ấy để thêm nhớ và tự hào.

Sông đi qua thị trấn Bút Sơn - phủ lỵ của huyện Hoằng Hóa là sông Bút. Sông chảy đến đoạn này bẻ quặt theo chữ Z hướng thắng về phía huyện. Từ thời xưa, để bắt dòng chảy không xói về phía huyện người ta đã dùng một khối lượng đá hộc rất lớn kè nhiều con hàn ra đến 1/3 sông. Những mũi hàn này làm cho dòng chảy trở nên hiền hòa hơn và tạo thành những vụng sâu và lặng.

Chính việc dùng đá hộc đã tạo ra nhiều hang hốc thuận lợi cho các loài thủy sản trú ngụ. Sông Bút cách cửa Lạch Trường chừng 5 đến 7 km, bởi vậy con sông Bút trở thành sông nước lợ. Nơi đây có rất nhiều loài phù du sinh sống, tạo ra môi trường màu mỡ đa dạng thức ăn cho các loài. Các mũi hàn trở thành nơi sinh sống, phát triển của các loài cua nước lợ. Thuở còn bãi sú vẹt và chưa có nhiều thuốc sâu như bây giờ cua nhiều vô kể. Dân chài Vạn Ninh, xã Hoằng Đạt và các hộ chài lưới ở ven sông thường đi đánh bắt cua. Chiều tà họ xuôi thuyền nan theo dòng chảy thả rọ nhử cua. Buổi sáng họ thả dây ròng kéo rọ lên để bắt cua. Có rọ được một con có rọ hai ba con, cũng có rọ chẳng có con nào.

Những chàng trai sông Bút rất giỏi bơi lặn. Người lặn giỏi có thể lặn bắt cua ở các đầu mũi hàn nơi nước ngập quanh năm. Những con cua này thường rất to, thịt thơm, săn chắc.

Những kỳ nước rặc hoặc khi triều xuống người làm nghề sông nước cũng thường men theo con hàn tìm chỗ có dấu hiệu cua trú ngụ mà bắt. Cách bắt cua nữa là đi dọc bến sông, đoạn nước đến chừng ngang bụng để dậm cua. Cứ kiên trì đi sẽ dậm đúng cua.

Đem cua ra chợ bán, người bắt cua nhà nghề dùng sợi dây chuối hột đã tước sẵn phơi đã tái để trói cua. Con cua có khả năng sống khô từ 5 đến 7 ngày. Để mang cua đi xa mà không bì gãy còng hay bị chết, người bán cua chặt bẹ chuối hột cho cua đã trói vào giữa và gập lại buộc mấy khoanh như gói giò rồi làm dây xách mang đi mang lại, bảo quản dễ dàng.

Hơn hẳn các loài cua khác, cua nước lợ sông Bút thịt ngọt và thơm ngon vô cùng, khó có loài cua nào bì kịp. Không hiểu con cua đá đảo Nẹ, hay loại cua hoàng đế ngon đến cỡ nào, nhưng đã ăn cua nước lợ sông Bút thì như bị bỏ bùa mê, thuốc lú, mà gật đầu tấm tắc khen hoài.

Cua thường có 3 loại. Cua gạch là loại cua đang mang trứng toàn gộp cua, đem cua này luộc hoặc hấp sẽ được bộ gạch cua thơm bùi ăn ngon nhớ đời.

Cua thịt thì thân chắc, thịt đầy mình, đem hấp lên chấm muối tiêu ăn ngọt thơm và bổ. Đem bóc gỡ thịt cua xào cùng miến dong, rắc ít tiêu bột và mùi tàu có lẽ ăn rồi chẳng bao giờ quên hoặc làm súp khai vị sẽ chiều được lòng thực khách kể cả vị nào sành ăn, khó tính. Cũng có thể xé cua sống làm đôi đem nấu canh cùng nhiều loại rau. Đơn giản hơn chỉ cần nấu với nước cốt chanh độ chua vừa phải.

Có được con cua lột (Cua hai vỏ, cua bấy, cua cốm - tên gọi khác theo vùng) đem rán lên chấm tương ớt thì thấy như mình là thượng khách trong một bữa yến tiệc chẳng còn thể nào cao sang hơn. Loại cua này cũng có cách chế biến khác, chặt đôi ra rồi bao bột đem rán ăn cũng nhiều thi vị lắm.

Khi xưa để ăn được món cua như vậy không có gì là khó, bây giờ thì thật không dễ chút nào nếu hầu bao không dầy. Với lại, khi người ta đem con cua nuôi trong đồng triều, thức ăn công nghiệp chế biến sẵn và môi trường thay đổi thì vị cua nước lợ thơm ngon mát bổ xưa chỉ còn trong trí nhớ.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]