(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 289 ngày 27/5/2016 về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nhiều kết quả dần được ghi nhận song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp chính quyền, đoàn thể đổi mới hơn nữa về nội dung lẫn phương cách thực hiện để giảm nghèo không chỉ nhanh mà còn bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để giảm nghèo không chỉ nhanh mà còn bền vững

Sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 289 ngày 27/5/2016 về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nhiều kết quả dần được ghi nhận song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp chính quyền, đoàn thể đổi mới hơn nữa về nội dung lẫn phương cách thực hiện để giảm nghèo không chỉ nhanh mà còn bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh bậc nhất cả nước

Xác định giảm nghèo là một trong 5 chương trình trọng tâm để phát triển KT-XH của tỉnh, những năm qua công tác triển khai thực hiện chương trình được tiến hành đồng bộ, rộng khắp, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức cũng như hành động của các cấp, các ngành và người dân. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã giảm được 47.135 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,08%, bình quân giảm 2,54%/năm (vượt mục tiêu đề ra 2,5%/năm). Khu vực 11 huyện miền núi giảm 7,68%, trong đó riêng 7 huyện nghèo giảm tới 9,28%. Toàn tỉnh có 15 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân cao hơn chỉ tiêu khu vực, một số huyện có tốc độ giảm nghèo vượt cao như: Như Xuân, Như Thanh, Quan Sơn, Đông Sơn, Triệu Sơn, TP Sầm Sơn... Thanh Hóa được xếp vào là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước.

Kèm theo đó, thu nhập bình quân đầu người và mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo từng bước được nâng lên qua các năm. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục cho học sinh, sinh viên; việc thực hiện BHYT toàn dân, nâng cấp chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế hay chính sách cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi làm nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn II... đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của hộ nghèo.

Kể từ khi thực hiện Chương trình trọng điểm này, tổng nguồn vốn huy động đến nay đạt khoảng 16.513 tỷ đồng, bao gồm vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, kinh phí ngân sách Trung ương và địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển KT-XH và nguồn xã hội hóa... Sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội đã và đang là động lực lớn để công tác giảm nghèo thu về thêm nhiều kết quả.

Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 2,54%/năm.

Để giảm nghèo không chỉ nhanh mà còn bền vững

Tuy là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh song với điều kiện là một tỉnh đông dân với 11 huyện miền núi, đến nay số lượng hộ nghèo của Thanh Hóa vẫn cao với 81.758 hộ. Qua 2 năm thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tại vùng đồng bằng, có những địa phương gặp khó trong việc thực hiện các tiêu chí.

Trước thực trạng trên, những giải pháp cụ thể để giảm nghèo được các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm hoạch định. Theo đồng chí Lại Thế Nguyên - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng đối với nghèo đa chiều cần phân tích cụ thể để xác định nghèo về mặt nào để tìm hướng giải quyết. Ngoài ra, cần thay đổi tư duy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính người nghèo.

Trong 2 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ban hành nhiều chính sách, cơ chế có tác động mạnh mẽ tới khu vực nông thôn. Công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng được đẩy mạnh đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất ngành truyền thống chủ lực này. Thông qua nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo đã có hàng chục nghìn lượt hộ nghèo được tạo điều kiện phát triển sản xuất. 115 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và 22 mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư tại các huyện nghèo, các xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện. Các mô hình này được xây dựng dựa trên đề xuất của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả. Cùng với công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm, những cách làm trên đã từng bước tạo nên động lực để công tác giảm nghèo đạt kết quả bền vững.

Song trên hết, để khơi dậy trách nhiệm và ý thức của người dân mà chủ thể chính là những hộ nghèo, các cấp chính quyền, đoàn thể ngoài việc trao cho người dân sinh kế đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, động viên để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Nguyễn Xuân Phi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa cho rằng: Việc giao chỉ tiêu cho từng địa phương là rất hiệu quả. Song để giảm nghèo thì hộ nghèo phải thực sự muốn thoát nghèo đồng thời phải phân tích nguyên nhân nghèo để tăng cường hỗ trợ sản xuất.

Thông qua nhiều kênh như truyền thông đại chúng, các hội nghị đối thoại, công tác thăm hỏi, gặp gỡ trực tiếp của các đoàn thể chính trị, xã hội và việc phát động các phong trào thi đua sản xuất, công tác giảm nghèo dần trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Vai trò chủ thể của người nghèo được đề cao để từ đó phát huy tính tự chủ, tinh thần, nghị lực vươn lên thoát nghèo. Đây có lẽ phải xem là động lực của mọi giải pháp, là điều kiện để giảm nghèo không chỉ nhanh mà còn bền vững.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]