Lang Chánh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Xác định, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, huyện Lang Chánh đã và đang tập trung cao độ trong tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất tre luồng tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh), do Công ty CP Bamboo King Vina đầu tư xây dựng, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy Lang Chánh đã ban hành Quyết định số 313-QĐ/HU ngày 12/9/2022 về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG huyện Lang Chánh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là chương trình), trong đó đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban. Đồng thời, UBND huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, ban chỉ đạo chương trình cấp huyện, xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần phù hợp với điều kiện từng địa phương, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng, từ đó tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho đối tượng tham gia giảm nghèo bền vững thông qua giải quyết việc làm.
Huyện cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả từng dự án, tiểu dự án của chương trình, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời từ khâu xây dựng dự án đến triển khai dự án, lựa chọn đối tượng thụ hưởng và hiệu quả của từng dự án trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định xã hội... Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần của chương trình, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành cấp tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, nhất là việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời, thông tin đến các cơ quan, đơn vị, địa phương về những khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được cấp có thẩm quyền giải quyết...
Để triển khai chương trình hiệu quả, hằng tháng ban chỉ đạo huyện cử cán bộ xuống thôn, bản để tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo, hướng dẫn sản xuất, phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, như: thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm...; tiến hành điều tra, rà soát xác định rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ, ưu tiên nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động, có đất hoặc một phần đất canh tác nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất được hỗ trợ trước. Các nhóm hộ có lao động nhưng thiếu đất sản xuất thì hỗ trợ đất sản xuất hoặc hỗ trợ công cụ sản xuất thay cho hỗ trợ đất... Hằng năm, trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương, trong đó xác minh rõ mục tiêu cụ thể và các giải pháp tác động theo từng nhóm nguyên nhân nghèo, về các chiều thiếu hụt để có giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đúng quy định, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Cùng với đó, huyện cũng đã thực hiện triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, tiểu dự án, như: Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình... Hiện các dự án, tiểu dự án đang được địa phương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành việc giải ngân theo đúng kế hoạch được giao. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 28,88 triệu đồng/người; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 49%; toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 2.075 lao động, có 105 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.
Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả cao. Hiện nay, toàn huyện có 11.581 hộ với 51.558 khẩu, trong đó, tổng số hộ nghèo 2.954 hộ, chiếm 25,27% (giảm 5,35% so với cuối năm 2021); tổng số hộ cận nghèo 4.057 hộ, chiếm 34,71% (giảm 2,77% so với cuối năm 2021), dự kiến đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,49%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 28,55%...
Có thể nói, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách và các chương trình, dự án khác... đã được đầu tư đồng bộ, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo đã được các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể quan tâm triển khai, thực hiện. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cũng như người dân nói chung và của chính người nghèo, cận nghèo nói riêng từng bước được nâng lên. Ý thức vươn lên thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo được thay đổi. Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã có cuộc sống tốt hơn, từng bước giảm nghèo bền vững. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở về công tác giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt cần tập trung thực hiện; lấy kết quả thực hiện chương trình là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân hằng năm và cả nhiệm kỳ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG cấp huyện và cấp xã. Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc để thực hiện đạt kết quả cao. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Phấn đấu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 45 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt 65%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn khoảng 13,49%.
Bài và ảnh: Trần Hằng
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:07:00
Vinh danh 19 đơn vị, tổ chức đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
-
2024-12-03 13:51:00
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
-
2023-12-09 10:21:00
Mỉm cười... sống đẹp
Thường Xuân tổ chức phiên giao dịch việc làm cho 400 người lao động
Đừng vì “yêu sớm” mà lỡ dở tương lai
Trả lại không gian thoáng đãng cho biển Hải Tiến
Cẩn trọng với “sữa cỏ”, “sữa nhái” kém chất lượng
Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống thiên tai cho người dân vùng biển
Đưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân
Mùa vàng ở bản Son
Ngày Tình nguyện viên Quốc tế - 38 năm ra đời và trưởng thành
Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn