(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tiềm năng và những lợi thế về nông nghiệp ở Thanh Hóa, nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp và gặt hái thành công. Điểm chung của những mô hình thành công là sự đầu tư dài hơi, bài bản, đi theo hướng chuyên nghiệp, bền vững chứ không chạy theo phong trào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi người trẻ chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp

Với tiềm năng và những lợi thế về nông nghiệp ở Thanh Hóa, nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp và gặt hái thành công. Điểm chung của những mô hình thành công là sự đầu tư dài hơi, bài bản, đi theo hướng chuyên nghiệp, bền vững chứ không chạy theo phong trào.

Về làng khởi nghiệp với nghề nông

Hiện nay, với nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường, thường có xu hướng đến các thành phố lớn để lập nghiệp, nhất là sau khi tìm được một công việc ổn định, với mức lương tính bằng USD thì việc về quê thật xa vời. Nhưng với anh Lê Ngọc Đạt thì khác, tạm gác lại tấm bằng kỹ sư nông nghiệp cùng mức lương 1.500 USD/tháng ở Hà Nội, anh trở về quê - xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân khởi nghiệp từ “bờ xôi ruộng mật”. Anh nghĩ: “Quê hương mình đất đai rộng lớn, chính là “tấc đất tấc vàng” là cơ hội để những người trẻ khởi nghiệp từ đây”.

Nghĩ sao làm vậy, với vốn kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, anh Đạt mạnh dạn “dốc” tiền tỷ cho 7.000m2 đất xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, trồng dưa lưới Nhật, dưa kim hoàng hậu và hàng nông sản xuất khẩu, với sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất: nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, điều hòa không khí...

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, anh đã thành lập Công ty CP Great Farm, tự mình tìm hiểu thị trường, liên hệ với các đại lý, siêu thị giới thiệu và đến tham quan mô hình. Ngoài ra, anh còn đăng ký với Trung tâm giám định chất lượng Vinacert và Chi cục Đo lường chất lượng Thanh Hóa để kiểm định, cấp giấy chứng nhận đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, các sản phẩm của anh đã có thị trường tiêu thụ ổn định tại Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình và còn xuất khẩu sang Trung Quốc; cho thu nhập hàng năm đạt 500 triệu đồng, và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động, với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh Đạt còn thường xuyên tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nhà lưới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với thanh niên trong và ngoài tỉnh.

Anh Đạt cho biết: “Áp dụng công nghệ vào sản xuất có thể tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, giúp cho vườn rau, quả không lo mất mùa, sâu bệnh gây hại và có thể canh tác quanh năm”.

Vườn dưa lưới công nghệ cao của anh Lê Ngọc Đạt ở xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân.

Câu chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp của anh Đạt là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều thanh niên Thanh Hóa đang có ý định khởi nghiệp với nghề nông. Theo thống kê có khoảng 70% thanh niên khởi nghiệp chọn nông nghiệp, bởi đây là lĩnh vực mà Thanh Hóa có tiềm năng, lợi thế lớn, cũng là ngành nghề mà thanh niên nông thôn am hiểu và có kinh nghiệm nhất. Khởi nghiệp nông nghiệp không nhất thiết phải là nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi vốn lớn, kinh nghiệm nhiều, mà nhiều bạn trẻ đơn giản khởi nghiệp nông nghiệp là nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tận dụng triệt để lợi thế về quỹ đất để phát triển mô hình tổng hợp, để thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Đưa khoa học vào sản xuất

Với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp cũng đang tiến tới mô hình nông nghiệp 4.0. Trong đó, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là yếu tố không thể thiếu và đây cũng là yếu tố dẫn đến thành công từ khởi nghiệp nông nghiệp. Theo các chuyên gia, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí như: nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, giúp cho nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục tình trạng mất mùa.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được nhiều bạn trẻ tỉnh Thanh thực hiện thành công và nhân rộng, như vườn rau thủy canh của anh Lê Đình Quyền (xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn); mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng dưa kim hoàng hậu, cà chua ghép, hoa ly, hoa đồng tiền của anh Nguyễn Tuấn Anh (xã Đông Yên, Đông Sơn); trồng rau thủy canh ở Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong cách mới của anh Trần Văn Tân (Quảng Xương)... Những mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản sạch Thanh Hóa.

Đặc biệt, Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh phát triển diện tích các vùng rau quả an toàn, đạt tiêu chuẩn nhất là nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản phẩm địa phương sẽ là tiền đề để những mô hình nông nghiệp công nghệ cao ra đời và phát triển, cũng là cơ hội để thanh niên khởi nghiệp.

Được biết, bên cạnh nguồn vốn của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, thì tại các địa phương với các mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương về quỹ đất, nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục hồ sơ...

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]