(vhds.baothanhhoa.vn) - Vụ ép năm 2019 - 2020, do giá đường xuống thấp, dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu giảm sâu khiến người trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nông dân lao đao vì giá mía xuống thấp

Vụ ép năm 2019 - 2020, do giá đường xuống thấp, dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu giảm sâu khiến người trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Do sự bất ổn định của giá đường trong, ngoài nước đã dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh ta giảm sâu so với niên vụ năm 2017 - 2018. Ví nhưCông ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đang thu mua với giá dao động từ 720.000 - 780.000 đồng/tấn; Nhà máy Mía đường Lam Sơn thu mua với mức giá là 760.000 đồng/tấn... tùy thuộc vào chất lượng của mía. Việc giá mía nguyên liệu thấp, chi phí đầu vào và thuê nhân công thu hoạch cao, dẫn đến nhiều hộ trồng mía nói chung gặp rất nhiều khó khăn.

Giá mía nguyên liệu giảm sâu, người trồng mía gặp rất nhiều khó khăn.

Niên vụ mía 2019 - 2020, xã Thạch Cẩm (Thạch Thành) có hơn 500 ha mía, thuộc vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan. Ông Nguyễn Đăng Hải - Chủ tịch UBND xã Thạch Cẩm cho biết: Vụ ép năm nay, giá thu mua mía giảm so với niên vụ trước, việc đánh giá chất lượng mía cũng khắt khe hơn, lượng mía loại 2, loại 3 và loại 4 chiếm tỉ lệ cao. Mặt khác, chi phí thuê nhân công từ 150 - 180 nghìn đồng/người/ngày, tính ra lời lãi từ trồng mía không đáng là bao, có những hộ tiền thu về thấp hơn số vốn đầu tư, trong khi đó công sức của gia đình bỏ ra chưa được tính vào. Điều khiến cuộc sống người trồng mía trở nên lao đao, ảnh hưởng tới việc duy trì diện tích niên vụ 2020 - 2021.

Xã Thạch Tượng (Thạch Thành) cũng là một trong những địa phương có diện tích mía nguyên liệu lớn, do giá thu mua của công ty giảm nên người trồng mía cũng chẳng mặn mà, hào hứng với việc thu hoạch mía. Là một trong những hộ trồng mía nguyên liệu với diện tích lớn ở xã Thạch Tượng, gia đình anh Nguyễn Văn Thành, thôn Tượng Sơn vẫn không tin nổi mía nguyên liệu năm nay lại rớt giá thê thảm như vậy. Nói chuyện với chúng tôi anh Thành cho biết: Gia đình có 2 ha mía, vụ trước do giá mía giảm đã bị thua lỗ 30 triệu đồng. Còn năm nay, giá mía dao độngtrong khoảng 720.000 - 780.000 đồng/tấn, trong khi công thu hoạch, bốc vác cao, có lẽ năm nay gia đình thôi sẽ không trồng mía nữa.

Còn với gia đình bà Hà Thị Lý, thôn Tượng Phong, xã Thạch Tượng những năm trước giá cao làm mía có lợi nhuận cao nên gia đình đã tập trung vào trồng mía. Những năm gần đây, giá mía giảm sâu nên gia đình chị đã chuyển sang trồng cây khác, để cải thiện thu nhập cho gia đình. Bà Lý cho biết: Những năm gần đây giá thu mua mía nguyên liệu thấp, sau mấy năm đầu tư, chăm sóc và thu hoạch không có lãi, nhưng gia đình vẫn cứ tiếp tục trồng mía hy vọnggiá mía sau này sẽ tăng lên nhưng chờ đợi càng thấy vô vọng nên gia đình buộc phải chuyển sang trồng cây trồng khác. Bà con chúng tôi cũng mong sao giá mía tăng lên như trước, để bà con chúng tôi tiếp tục được quay trở lại trồng cây này, bởi lẽ cây mía đã từng giúp cho bà con chúng tôi thoát nghèo trong những năm trước.

Trao đổi với chúng tôi bà Đỗ Thị Phiến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Thành cho biết: Niên vụ 2019 - 2020, huyện Thạch Thành có 4,500 ha mía. Tình trạng giá mía giảm sâu liên tục nhiều năm liền đã và đang làm cho người nông dân ở Thạch Thành không còn mặn mà với cây mía. Tuy nhiên, hiện tại đầu ra cho cây mía hết sức dễ dàng bởi trên địa bàn huyện có Nhà máy Mía đường Việt - Đài. Vì thế, để người dân yên tâm gắn bó với cây mía về phía huyện trước mắt, chúng tôi đang yêu cầu nhà máy gắn kết, “chia khó” với người dân trên cơ sở vùng quy hoạch của mình. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để đạt năng suất cao, chi phí giảm.

Tại Cẩm Thủy, niên vụ 2019 - 2020, có hơn 2.000 ha mía, hiện nay bà con đang tiến hành thu hoạch. Vụ mía năm nay “không ngọt” khiến các hộ trồng mía gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hà Thanh Sơn - Trưởng phòng NN&PTNT Cẩm Thủy cho biết: Với giá thu mua mía nguyên liệu như hiện nay khiến cuộc sống người dân trồng mía lao đao. Có lẽ đến bây giờ người dân đang tự hỏi, mía có còn “ngọt”, để gắn bó với cây trồng truyền thống này không? Vì vậy các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần có những giải pháp hữu hiệu, biện pháp “chia khó” để người dân gắn bó với cây mía. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ có giải pháp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mía để nâng cao năng suất, chất lượng cho cây mía. Có làm được điều này, ngành mía đường của tỉnh mới phát triển bền vững.

Không chỉ chịu ảnh hưởng bởi giá thu mua thấp, niên vụ mía 2019-2020, người trồng mía trên địa bàn các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân còn phải chịu thiệt hại bởi thiên tai trong năm qua, do đó, năng suất mía ở khu vực này giảm sút. Theo tính toán của ngành chuyên môn, với giá thu mua được áp dụng trong niên vụ này thì trên diện tích có năng suất dưới 50 tấn/ha, người trồng mía không có lãi.

Có thể thấy việc giá mía giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người trồng mía. Tuy nhiên, xét về đầu ra cho sản phẩm thì cây mía vẫn là ổn định nhất bởi lẽ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 3 nhà máy đường với công suất lớn. Việc giá mía giảm sâu là quy luật của thị trường, vì thế việc làm trước mắt đối với các địa phương là đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, có thế mới tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí thì người trồng mía mới được hưởng lợi từ cây trồng này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có sự sẻ chia với những khó khăn của người trồng mía, để họ yên tâm gắn bó với cây mía.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]