(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhu cầu, khát vọng lập thân, lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên xứ Thanh đã và đang trở thành phong trào sâu rộng, mạnh mẽ, được cả xã hội quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên khởi nghiệp: Quyết chí ắt thành công

(VH&ĐS) Nhu cầu, khát vọng lập thân, lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp trong thanh niên xứ Thanh đã và đang trở thành phong trào sâu rộng, mạnh mẽ, được cả xã hội quan tâm.

Gian nan không nản

Sinh năm 1988 anh Nguyễn Tuấn Anh được bà con thôn Mơ, xã Minh Dân (Ngọc Lặc) gắn cho biệt tài “chuyên gia trồng mộc nhĩ”, bởi anh đã tự xây dựng cho mình một cơ sở sản xuất nấm có tiếng trong vùng. Sau khi tốt nghiệp THPT dù làm nhiều nghề khác nhau như đi buôn trâu bò, nuôi lợn hay buôn gỗ với gia đình nhưng anh vẫn không thể “ưng” bởi công việc không ổn định, thị trường tiêu thụ bấp bênh, trong khi không tận dụng được những lợi thế địa phương mình. Cũng từ đó ý tưởng khởi nghiệp luôn nung nấu trong anh.

Khó khăn là vậy, nhưng khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm do Huyện đoàn Ngọc Lặc tổ chức, nhận thấy trồng nấm không cần nhiều kỹ thuật phức tạp, vốn đầu tư ban đầu vừa phải, anh lập tức lên kế hoạch. Không những thế anh còn thuyết phục vợ đồng hành trên con đường khởi nghiệp.

Khu sản xuất nấm của gia đình anh đến nay đã được mở rộng lên 1.000m2, không những thế, để đảm bảo chất lượng nấm tươi ngon anh mua máy tời mùn, tự sản xuất mùn cưa tại nhà. Hiện nay, mỗi lứa gia đình anh thu hoạch 40.000 bịch, thu được 1,2 tấn khô. Mỗi chu kỳ trồng thu được 3 đợt, bình quân thu khoảng 3 tấn mộc nhĩ khô, cho lợi nhuận 270 triệu đồng/ năm.

Nguyễn Tuấn Anh - thanh niên tiêu biểu vươn lên lập nghiệp.

Còn với anh Lê Hồng Ngọc (Nga Trường, Nga Sơn) thì con đường gian nan mà anh phải vượt qua lại đến từ thử thách gia đình. Hai vợ chồng anh chỉ vẻn vẹn có trong tay 100 triệu đồng, anh đã vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả việc thế chấp ngân hàng với tổng số tiền hơn 1 tỷ để đầu tư kinh doanh dịch vụ bán lẻ và quán cà phê. Anh Ngọc chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ lại tôi không hiểu sao mình liều lĩnh như vậy, gia đình hai bên đều ngăn cản. Nhưng qua gần 1 năm đi vào hoạt động đến nay việc kinh doanh của gia đình đã đi vào ổn định và mang lại nguồn thu nhập ổn định”.

Anh Lê Hồng Ngọc.

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.500 doanh nghiệp do doanh nhân trẻ quản lý, và hàng trăm mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên đứng ra làm chủ. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội do thanh niên đứng ra quản lý là 650 tỷ đồng cho trên 24.000 hộ vay. Những con số này cho thấy, thành công dù lớn hay nhỏ đã đến với những thanh niên có ý chí, khát vọng làm giàu.

Vẫn còn những trăn trở

Ở nhiều vùng nông thôn, tình trạng thanh niên ly hương đang trở nên phổ biến. Như xã Nga Trường, Nga Sơn có hơn 1.000 người trong độ tuổi thanh niên nhưng gần 70% trong số đó đã lên đường “Nam tiến” trở thành công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc lên các đô thị lớn làm những công việc tạm bợ. Số còn lại, trừ thanh niên khối trường học thì đa phần làm công nhân, là ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ...

Anh Bùi Văn Cao - Bí thư Đoàn xã Nga Trường trăn trở: “Trong xã cũng đã có những thanh niên xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn các bạn trẻ đều không có hoặc rất ít vốn do vậy họ không mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mà chọn con đường an toàn hơn như đi xuất khẩu lao động hay làm thuê, nhằm kiếm nguồn vốn hỗ trợ. Còn việc khai thác tiềm năng quê hương, tìm hướng đi mới trong chăn nuôi, trồng trọt ở các bạn trẻ đang còn hạn chế”.

Thực tế, qua tiếp cận với nhiều thanh niên đã và đang trên con đường khởi nghiệp, có người đã khởi nghiệp thành công trở thành những ông chủ trẻ thì vấn đề vướng mắc lớn nhất đối với họ chính là nguồn vốn. Đặc biệt, đối với thanh niên nông thôn, khi xuất phát điểm của họ từ nông nghiệp, lại chưa có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Vì vậy, dù mang trong mình ý tưởng, khát vọng khởi nghiệp nhưng họ chỉ dám dừng chân ở đời công nhân hay lớn hơn là xuất khẩu lao động.

Theo báo cáo Tỉnh Đoàn khảo sát năm 2016, toàn tỉnh còn 34.450 thanh niên chưa có việc làm, trong đó có khoảng 25 ngàn học sinh, sinh viên ra trường chưa tìm kiếm được việc làm, đây là những bạn trẻ được đào tạo cơ bản, có kiến thức, sức trẻ và khát vọng vươn lên lập nghiệp. Vì vậy, thay vì chờ đợi cơ chế chính sách, các bạn trẻ hãy tự thân vận động, tận dụng nguồn lực của chính bản thân mình, của quê hương mình, dũng cảm đứng lên khởi nghiệp.

V.A



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]