(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người cộng sản chân chính. Và lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người cộng sản...

Một người cộng sản chân chính đã ra đi

Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người cộng sản chân chính. Và lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người cộng sản...

Một người cộng sản chân chính đã ra điTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc (12/2023). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Có một thời gian cha tôi làm hậu cần cho Ty Công an Hà Tây. Một lần ông về vùng hồ Tuy Lai, huyện Mỹ Đức mua hai sọt cá quả để liên hoan tổng kết năm của cơ quan. Ông tạt qua nhà. Ông muốn lấy một con cá cho con. Đó là những năm tháng cả nước sống trong đói khổ. Cha tôi sục tay vào hai sọt cá để tìm một con cá bé nhất cho các con. Hành động đó của ông là hành động của một con người đúng nghĩa. Nhưng ông đã không tìm được. Không phải ông không tìm được một con cá bé nhất mà là ông không tìm được bất cứ lý do nào để lấy một con cá của tập thể. Cuối cùng cha tôi lại che kín hai sọt cá quả và lặng lẽ ra đi. Đấy là lẽ sống và là một hành động rất bình thường của những người cộng sản trong những năm tháng đó. Những người cộng sản đã làm cho Nhân dân yêu thương, đặt mọi niềm tin vào họ và sẵn sàng đi theo.

Mẹ tôi nhìn theo cha tôi và khóc. Mẹ tôi khóc vì thương cha tôi và vì thương những đứa con đói rét của bà. Sau này mỗi khi kể lại chuyện đó cho anh em tôi nghe, mẹ tôi vẫn khóc. Nhưng trong nước mắt của mẹ tôi luôn tràn ngập lòng kiêu hãnh về cha tôi - một người cộng sản chân chính. Bởi thế tôi cứ nghĩ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những người cộng sản của thế hệ đó còn sống đến bây giờ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống, đã hành động, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho đất nước, cho Nhân dân, cho dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng. Đấy chính là lý do mà trong suốt những năm tháng với cương vị của người đứng đầu của Đảng, của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo Đảng tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng hay nói rộng hơn là cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù của Đảng, của dân tộc hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và thực thi công cuộc chấn hưng văn hóa. Thực tế minh chứng một điều là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi sứ mệnh trên cương vị của một người đứng đầu đất nước trong việc bảo vệ sự tồn vong và phát triển đất nước bằng hai con đường song song: luật pháp và văn hóa. Luật pháp là sự nghiêm minh và văn minh của một Nhà nước, của một quốc gia, còn văn hóa là tâm hồn và đức hạnh của một dân tộc. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng chính là cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù đối với sự tồn vong của dân tộc. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã hồi sinh niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chính quyền mà thực tế niềm tin ấy đã bị ngờ vực, bị đổ vỡ ít nhiều ở đâu đó và trong một lúc nào đó.

Rất nhiều người Việt Nam sẽ còn nhớ mãi một hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng sự chia sẻ sâu sắc, niềm cảm thông lớn lao và lòng kính trọng cùng sự tin tưởng với người đứng đầu đất nước. Đó là hình ảnh Tổng Bí thư phải rơi nước mắt, nghẹn ngào trong một hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (năm 2012) khi ông với tư cách người đứng đầu Đảng đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn Dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước. Đấy cũng là một trong những lý do mà Tổng Bí thư đã tiến hành công cuộc chống tham nhũng trong những năm vừa qua một cách đầy quả cảm, không khoan nhượng và ông đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.

Bên cạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng là công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa cùng với Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021 là hai điều cơ bản nhất đã minh chứng sự thấu hiểu sứ mệnh của văn hóa và ý chí chấn hưng nền văn hóa dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc và cao hơn là lẽ làm người của một dân tộc. Trong mọi bài viết, mọi bài phát biểu, mọi lời tâm sự, văn hóa hay lẽ sống của một con người, của một dân tộc luôn bao phủ lên toàn bộ tư tưởng, toàn bộ ý chí và toàn bộ hành động của ông.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Trong tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Khi con người sống với một tâm hồn phong phú, sống có tình thương, có lòng nhân ái, sống vì lẽ phải và sự công bằng thì con người biết sống vì người khác, vì dân tộc, có lòng tự trọng để vượt qua những cám dỗ thấp hèn. Tổng Bí thư khẳng định khi một con người sống phi văn hóa là một con người có những hành động “ti tiện, đớn hèn, phi pháp và bỉ ổi”. Khi nói đến điều đó với những từ ngữ như vậy, chúng ta nhận ra nỗi đau đớn, sự nổi giận của lương tri của người đứng đầu đất nước trước những hành động phi văn hóa, phản văn hóa trong xã hội. Và chúng ta cũng nhận ra tính hệ trọng và cấp bách của sứ mệnh văn hóa đối với sự tồn vong và phát triển đất nước mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra. Những hành động phi văn hóa, phản văn hóa chính là những hành động chống lại lương tri của con người, của thời đại và của dân tộc.

Giờ đây, một con người chân chính mang tên Nguyễn Phú Trọng, một người Cộng sản chân chính mang tên Nguyễn Phú Trọng đã về với thế giới người hiền. Ông để lại cho đất nước Việt Nam hai điều tối thượng như một chân lý: tính nghiêm minh của một thể chế, một Nhà nước và đức hạnh của một dân tộc. Ông đã yêu đất nước này bằng toàn bộ trái tim và hành động của mình. Ông đã mơ và nỗ lực thực hiện mong ước lớn về hạnh phúc của Nhân dân và Tổ quốc hùng cường. Bởi thế ông thấu hiểu con đường mà dân tộc này phải đi để đến được hạnh phúc. Điều kỳ vĩ là ông đã chiến đấu quả cảm và không mệt mỏi cho giấc mơ lớn lao ấy.

Hà Đông, 19/7/2024

Tùy bút của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]