Một số từ thường bị viết sai chính tả
Trong tiếng Việt, những lỗi chính tả liên quan đến X và S, nguyên nhân thường do phát âm không chuẩn (không phân biệt âm X và S), không nắm được nghĩa yếu tố cấu tạo từ. Sau đây là một số trường hợp người viết cần chú ý để tránh sai sót.
“Xởi lởi”viết sai thành “sởi lởi”
Viết xởi lởi mới đúng. Nếu xem xởi lởi là từ láy, thì xởi chính là tiếng gốc. Tuy nhiên, xởi lởi là từ ghép đẳng lập: xởi = rời ra, tơi ra (chính là biến âm của “xới” trong xới xáo, xới đất, vun xới); lởi là biến âm của lơi = lỏng, không chặt. Khi hợp nghĩa, xởi lởi được hiểu là cởi mở, rộng rãi (tính xởi lởi), đối với hẹp hòi, chặt chẽ (như: Xởi lởi thì trời cởi cho, xo ro thì trời co lại – Tục ngữ). Sách Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: “xởi lởi: rời rộng”. Đây là từ rất nhiều người viết sai, và ngay như Từ điển chính tả tiếng Việt (Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018) cũng đã sai khi hướng dẫn cách viết ngược lại hoàn toàn với chuẩn chính tả “sởi: sởi lởi. → không viết: xởi”.
“Xỉa xói” viết sai thành “sỉa sói”
Phải viết là xỉa xói mới đúng. Vì “xỉa xói” là từ ghép đẳng lập: xỉa là đâm, thọc một cách nhanh, mạnh, dứt khoát, ở đây có nghĩa là gùng ngón tay chỉ thẳng vào mặt người khác mà chửi mắng, như: Chửi gì thì chửi, đừng có xỉa vào mặt người ta như thế! “Chị cán bộ vẫn xỉa tay vào mặt Đoàn quát.” (Kim Lân); xói là hướng trực diện vào với cường độ mạnh (như Đoạn đê cong bị bước lũ xói vào gây sạt lở; Nhìn xói vào mặt; Nắng xói vào nhà; “Lời trách giận, ai oán của chị dâu tôi xói tận óc và bóp nghẹt con tim của những người đang cúi đầu trước ngôi mộ của anh tôi.” (Hữu Ước)).
“Xỉa xói” là từ bị sai chính tả khá nhiều, và ngay cả cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (sách đã dẫn) cũng đã nhầm lẫn khi ở mục từ “sói”, soạn giả hướng dẫn viết là “sói: sỉa sói. → không viết: xói”.
“Sơ suất” viết sai thành “sơ xuất”
Phải viết là “sơ suất” mới đúng, vì “sơ suất 疏率 là từ ghép đẳng lập gốc Hán, trong đó sơ 疏 có nghĩa là không kỹ lưỡng (như sơ lược; làm sơ qua); suất 率 nghĩa là tùy tiện, thiếu thận trọng (trong từ khinh suất 輕率).
Nhân đây cũng cần nói thêm. Từ “khinh suất” hay bị viết thành “khinh xuất”. Phải viết là “khinh suất” mới đúng, vì đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán, trong đó, “khinh” 輕 có nghĩa là coi thường, xem nhẹ; còn “suất” 率 như đã giảng ở trên có nghĩa là tùy tiện, thiếu thận trọng.
4- “Sưng sỉa” bị viết sai thành “xưng xỉa”
Phải viết là “sưng sỉa” mới đúng, vì đây là từ ghép đẳng lập, trong đó sưng là từ Việt gốc Hán bắt nguồn từ chữ thũng 腫 (Mối quan hệ ngữ âm TH<→S (thũng→sưng), ta còn thấy trong trường hợp khác như thiết 鐵→sét (gỉ sét); thiết 切→siết (siết chặt, cắt); thiết 鐵→sắt (sắt thép), nghĩa gốc là sưng, phù, nề (như Vừa nói động đến đã sưng mặt lên; bị bệnh sưng phù); sỉa là sưng phù lên (như sỉa chân).
Như vậy, trong trường hợp người viết có thói quen phát âm không phân biệt S với X, thì có thể căn cứ vào nghĩa từ nguyên của yếu tố cấu tạo từ để viết cho đúng chính tả.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-08 08:55:00
Nghìn năm trò diễn Xuân Phả
-
2024-12-08 07:00:00
Nhà thờ Đức Bà Paris chính thức mở cửa trở lại
-
2024-11-29 14:09:00
Xác lập kỷ lục nhà sưu tầm báo giấy với số lượng nhiều nhất tại Việt Nam
Phủ Cố Đồng trên đất Thiệu Giao
Trình diễn ánh sáng, 3D mapping, kể về lịch sử Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Khai mạc Liên hoan Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
Tổng Bí thư dự chương trình biểu diễn của Đoàn Nhà hát Ballet Quốc gia Cuba
Huyền thoại nhạc rock Rod Stewart tái xuất tại lễ hội âm nhạc Glastonbury
Đề xuất áp dụng mức thuế 10% cho các cơ quan báo chí xét theo vai trò đặc biệt
Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Phát triển hoạt động văn hóa - thể thao cho người cao tuổi
Giới làm phim lo lắng khi ngành điện ảnh bị tăng thuế từ 5% lên 10%