(vhds.baothanhhoa.vn) - "Đình huyện Tống, trống huyện Nga” - câu tục ngữ ấy đã khẳng định, đất huyện Tống Sơn xưa, nay là huyện Hà Trung, là vùng đất có số lượng đình làng lớn nhất xứ Thanh. Đi cùng với đình làng là ăm ắp các lễ hội, vì thế mà “xuân thu nhị kỳ”, đặc biệt vào mùa xuân, người dân nô nức chiêng trống đến hội làng.

Mùa xuân trẩy hội đình huyện Tống

"Đình huyện Tống, trống huyện Nga” - câu tục ngữ ấy đã khẳng định, đất huyện Tống Sơn xưa, nay là huyện Hà Trung, là vùng đất có số lượng đình làng lớn nhất xứ Thanh. Đi cùng với đình làng là ăm ắp các lễ hội, vì thế mà “xuân thu nhị kỳ”, đặc biệt vào mùa xuân, người dân nô nức chiêng trống đến hội làng.

Mùa xuân trẩy hội đình huyện TốngGiã gạo, nấu cơm luôn là phần thi hấp dẫn tại lễ hội đình Cơm Thi, xã Hoạt Giang (Hà Trung).

TS Lê Thị Thảo trong cuốn “Đình làng xứ Thanh” khẳng định: Lễ hội trong các làng quê Việt Nam thường diễn ra trong không gian tâm linh, lấy các kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo làm hạt nhân, như đình làng, chùa, đền, nghè, miếu... Trong đó, lễ hội gắn với đình làng và đền thường là quan trọng nhất, thu hút nhiều thành viên nhất. Lễ hội ở đình cũng như lễ hội ở đền, thường được tổ chức vào dịp nông nhàn.

Là địa phương có số lượng đình làng còn tồn tại đến ngày nay nhiều nhất, hiện Hà Trung có 31 đình làng, trong đó 3 đình xếp hạng di tích cấp quốc gia và 24 đình cấp tỉnh. Gắn với đình làng, lễ hội là sự kiện văn hóa quan trọng nhất, thu hút người tham gia đông nhất.

Tiếng trống vang lên giữa đêm 30 tháng Chạp, người người trong làng Động Bồng (xã Hà Tiến) lại tề tựu đông đủ trước đình, họ nhìn nhau trong ánh lửa đình liệu thiêng liêng với một ước mong ánh sáng này sẽ mang đến sự đủ đầy, ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu, xua tan cái lạnh lẽo, vất vả của năm cũ. Từ ngọn lửa ở sân đình, bà con dân làng châm thành hàng trăm bó đuốc nhỏ tỏa về các gia đình vừa dùng để thắp hương cáo tế với thổ công, gia tiên; rồi nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm và giữ lửa trong suốt những ngày tết.

Cụ Bùi Văn Lô (78 tuổi), trưởng ban nghi lễ làng Động Bồng, cho biết: Đốt đình liệu không chỉ là nghi lễ, mà còn là sinh hoạt văn hóa được bà con trong làng giữ gìn và lưu truyền. Lễ tục này hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, gắn bó các thành viên trong cộng đồng làng xã, tạo nên sức mạnh để mỗi người nỗ lực phấn đấu có cuộc sống ngày càng ấm no, tươi vui và hạnh phúc.

Sau tiếng trống hội bao giờ cũng là màn rước kiệu Thành hoàng làng. Cùng là nghi thức thiêng liêng, song nếu tế lễ được làm trong không khí trang trọng thì rước kiệu lại được bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Nếu ai đã từng tham dự lễ hội đình nghè Vân Cô (xã Hà Lai) vào ngày mùng 6 tháng Giêng hẳn sẽ không thể quên phần rước kiệu sôi động, náo nức với cờ hội, múa lân, khiêng kiệu.

Được xây dựng từ thế kỷ XVI, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động bất lợi của thiên nhiên, một thời gian dài đình làng bị bỏ quên, không nhận được sự quan tâm, chỉ còn một nhà chính tẩm để thờ cúng Đại vương Hoàng Đức Toàn. Kể từ sau khi được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (1996) đình nghè Vân Cô đã được trùng tu, tôn tạo. Có một không gian khang trang, bà con càng vui vẻ, hân hoan mỗi khi lễ hội diễn ra.

Sau nghi thức tế lễ, rước kiệu, bà con chờ đợi nhất là phần hội với những trò chơi, đặc biệt là trò chơi mang tính chất nghi lễ để chuyển tải ước vọng của người dân đến thần linh. Đã thành thông lệ, vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm tại làng Thanh Đớn, xã Hoạt Giang, bà con lại sôi nổi tổ chức lễ hội đình Cơm Thi. Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc gắn liền với việc tri ân danh nhân thời Lý là Tô Hiến Thành - người có công với dân, với nước, được Nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Theo thống kê, ở Thanh Hóa có trên 72 di tích thờ Tô Hiến Thành, trong đó Hà Trung có tới 20 xã thờ tự ông. Tuy nhiên, để một trò chơi trở thành một “tục hèm” gắn với Thành hoàng làng, khiến tên hội thành tên của đình thì chỉ có ở lễ hội đình Cơm Thi.

Phần nấu cơm thi do các đôi nam thanh, nữ tú đảm nhiệm từ khâu giã gạo, sàng gạo, vo gạo và nấu cơm được bà con Nhân dân cổ vũ nhiệt tình. Đội nào nấu xong cơm trước, cơm chín dẻo, thơm ngon, đơm lên dâng cúng Thành hoàng vào lúc chính Ngọ sẽ giành chiến thắng. TS Lê Thị Thảo cho rằng: “Hội thổi cơm thi gắn với đình làng xứ Thanh không chỉ gợi về các sự kiện lịch sử, đóng góp của quân và dân Thanh Hóa trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn phản ánh ước vọng cầu no đủ của cư dân nông nghiệp làng xã. Bên cạnh đó các hình thức tổ chức thi nấu cơm còn biểu hiện một số nghi lễ linh thiêng thuộc phạm trù âm dương đối đãi (cặp trai gái phối hợp nấu cơm, chày và cối giã gạo...), cầu mưa, cầu mùa”. Mỹ tục ấy, đến nay vẫn được bà con làng Thanh Đớn giữ gìn và phát triển, mỗi năm một đông vui hơn.

Nếu như người dân làng Thanh Đớn háo hức đến với lễ hội một phần có thi nấu cơm, thì người dân làng Bình Lâm (xã Yến Sơn) lại vô cùng chờ đợi thi gói bánh lá ở lễ hội truyền thống làng Bình Lâm ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm. Ông Đoàn Văn Oanh, người trông coi đình, cho biết: “Đình làng Bình Lâm là một trong những đình làng cổ còn giữ được cho đến nay không chỉ hiện thân cho những vẻ đẹp, giá trị của những mái đình làng Việt, mà còn là di sản vật thể quý giá của huyện Hà Trung cần tiếp tục được lưu giữ và phát huy. Nhờ sự đóng góp của người làng và con cháu xa quê, đình đã được trùng tu khá khang trang. Mùa xuân đặc biệt là ngày lễ hội, bà con dù ở xa mấy cũng về làng”.

“Không phải ngẫu nhiên mà các lễ hội truyền thống rất hấp dẫn người dân và khách thập phương. Ngoài việc thỏa mãn niềm tin tâm linh, quan trọng hơn hết lễ hội là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó mỗi người có thêm ý thức về tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh” - bà Phan Thị Lan, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, cho biết.

Thế mạnh của đất huyện Tống Sơn xưa là đình làng. Tuy nhiên, đến nay việc giới thiệu và quảng bá nét đẹp, nét đặc sắc trong từng lễ hội theo niên lịch, theo các tuyến du lịch chưa được huyện Hà Trung khai thác tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương.

Mùa xuân - mùa của lễ hội đang chờ khách xa gần đến tham dự. Để các hoạt động dâng hương, chiêm bái và tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm, huyện Hà Trung đã tăng cường công tác quản lý và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức lễ hội đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội; giới thiệu giá trị của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về di sản, bảo vệ di sản văn hóa và việc tham gia các hoạt động dâng hương, lễ hội.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]