(vhds.baothanhhoa.vn) - Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng đội ngũ nhà giáo năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong dạy và học đang là những tiền đề quan trọng để ngành giáo dục huyện Nga Sơn nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học nói chung, bậc học THCS nói riêng, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển toàn diện, vững chắc.

Nâng cao chất lượng dạy và học bậc THCS ở huyện Nga Sơn

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng đội ngũ nhà giáo năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới trong dạy và học đang là những tiền đề quan trọng để ngành giáo dục huyện Nga Sơn nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học nói chung, bậc học THCS nói riêng, từng bước đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà phát triển toàn diện, vững chắc.

Nâng cao chất lượng dạy và học bậc THCS ở huyện Nga SơnHọc sinh Trường THCS Nga An trong giờ tự học tại thư viện nhà trường.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, các trường THCS trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện nay đều được xây dựng theo hướng kiên cố hóa, khang trang, sạch đẹp với 24/26 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 92,3%. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc học này, ngành giáo dục huyện đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo. Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nga Sơn, để nhiệm vụ này đạt kết quả cao, ngành giáo dục huyện đã thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên các cấp học đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục 2019; triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng; bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Qua rà soát, đánh giá, hiện 100% giáo viên đều đạt chuẩn theo tiêu chí mới.

Cùng với hoạt động trên, ngành luôn quan tâm và thực hiện quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường dạy bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học... Chỉ đạo các nhà trường thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”...

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cũng như trên quan điểm, chỉ đạo của ngành, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của tập thể sư phạm, các trường THCS trong toàn huyện đã, đang tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Thầy giáo Lê Minh Khiêm, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, cho biết: Bám sát nhiệm vụ của ngành, các phong trào thi đua, mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường luôn tích cực trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; mỗi học sinh hình thành cho mình ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dạy và học, việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin luôn được nhà trường xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đối với việc bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường thực hiện nghiêm túc, khách quan, chính xác khâu chọn học sinh vào đội tuyển dự thi cấp tỉnh. Đồng thời chủ động phân công giáo viên có uy tín, chuyên môn giỏi để trực tiếp giảng dạy các đội tuyển; tổ chức các chuyên đề để giáo viên tham gia học tập, giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về bồi dưỡng học sinh giỏi... Từ cách làm thiết thực này, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn được bảo đảm và không ngừng nâng cao qua từng năm học. Hằng năm, học sinh nhà trường đạt từ 35 đến trên 50 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; đạt từ 130 đến 150 giải học sinh giỏi cấp huyện.

Tại Trường THCS Nga An, theo chia sẻ của thầy giáo Nghiêm Đức Hữu, hiệu trưởng nhà trường, nhằm đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu 100% giáo viên tham gia đầy đủ các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn; đồng thời khuyến khích giáo viên tự học, tự nghiên cứu; thực hiện hiệu quả sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để có nhiều giờ dạy tốt, dạy hay giúp học sinh tiếp thu được kiến thức tốt nhất. Đặc biệt, ban giám hiệu nhà trường luôn coi trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, đoàn kết, động viên, khuyến khích kịp thời những thầy, cô giáo và học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy, học tập và rèn luyện... Từ đó tạo động lực để mỗi giáo viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Minh chứng cho thấy, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024 vừa diễn ra, nhà trường có 2 học sinh đoạt giải; ở cấp huyện có 12 em đoạt giải. Cũng trong năm học này nhà trường có 4 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và 1 giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Từ sự nỗ lực của mỗi đơn vị trường, sự cố gắng, phấn đấu của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh, chất lượng giáo dục ở bậc THCS trên địa bàn huyện Nga Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như kết thúc năm học 2022-2023, 24/24 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (mức độ cao nhất hiện nay). Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được duy trì ổn định và nâng cao hơn so với năm học trước với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,88%, điểm bình quân thi vào lớp 10 THPT đạt 6,08 điểm (tăng 0,43 điểm so với năm học trước). Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh, toàn huyện có 54/90 (60%) học sinh dự thi đoạt giải. Trong đó có nhiều trường đạt kết quả cao như Trường THCS Chu Văn An, THCS Nga Thanh, THCS Nga Hải, THCS Nga Tiến, THCS Nga Thạch... Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để ngành giáo dục huyện tiếp tục phấn đấu vì sự phát triển của bậc THCS và các bậc học khác trong huyện trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]