Nâng cao chất lượng giáo dục từ chủ trương đổi mới
Do chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (GV) và những điều kiện cần thiết, sau 5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, toàn ngành giáo dục nói chung và mỗi đơn vị trường nói riêng đã tạo được những chuyển biến tích cực trong dạy và học, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Một giờ học của cô, trò Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn).
Đến năm học 2024-2025, tất cả các khối lớp từ tiểu học đến THPT đã áp dụng dạy và học theo Chương trình GDPT 2018. Từ những băn khoăn, lo lắng bước đầu, đến nay cả GV, học sinh (HS) và phụ huynh HS đều cảm thấy yên tâm, phấn khởi về những gì đã đạt được sau nhiều năm thực hiện chương trình. Thầy giáo Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn), cho biết: “Chương trình GDPT 2018 đã được áp dụng từ lớp 6 đến lớp 9 ở bậc THCS. Chương trình này có nhiều ưu điểm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực HS. Cấu trúc nội dung chương trình có nhiều đổi mới phù hợp với lứa tuổi HS mà chương trình cũ chưa làm được. Qua quá trình triển khai cả GV và HS Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ đều cảm thấy hào hứng, phấn khởi. Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình, chất lượng giáo dục nhà trường được nâng lên rõ rệt với nhiều thành tích nổi bật. Nhà trường đã vận hành, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Đối với HS, ngoài được học kiến thức văn hóa, các em còn được trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm, giúp các em phát triển toàn diện”.
Ghi nhận tại các trường tiểu học cho thấy, ngay khi Chương trình GDPT 2018 được triển khai, từ ban giám hiệu đến GV và cả HS đều nỗ lực để triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của chương trình đặt ra. Từ tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy được các nhà trường triển khai thường xuyên, nghiêm túc và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo chia sẻ của nhiều cán bộ, quản lý trường tiểu học trong tỉnh, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp kỹ năng dạy học, công tác kiểm tra, đánh giá. Từ đó công tác giáo dục được đổi mới toàn diện, mang lại cảm hứng, động lực cho cả người dạy và người học. Đặc biệt, những bài giảng từ chương trình giáo dục mới được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin đã tạo hứng thú, tính chủ động, tích cực của HS trong tiếp cận bài học.
Ở cấp THPT, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng phân hóa và gắn với định hướng nghề nghiệp của HS, vì vậy, các nhà trường cũng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sau nhiều năm thực hiện chương trình. Cô giáo Nguyễn Lệ Quyên, Trường THPT Bỉm Sơn, cho biết: Quá trình thực hiện chương trình GDPT mới có những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng đánh giá năng lực HS trở thành yêu cầu cấp thiết. Nếu không nắm được các kỹ thuật dạy học mới thì khó có thể tiếp cận được mục tiêu giáo dục. Chính vì vậy, ngay khi thực hiện chương trình, Trường THPT Bỉm Sơn đã động viên giáo viên đăng ký học tập nâng cao kỹ năng sư phạm. Đến nay nhà trường có hàng chục giáo viên tự nguyện tham gia các lớp tập huấn tại Hà Nội với nhiều chuyên đề như: “Các phương pháp dạy học tích cực”, “Người truyền lửa” lớp học... và đã áp dụng thành công trong quá trình giảng dạy tại trường. Nhờ đó, HS được tiếp cận với các phương pháp học tập hiện đại, phát huy năng lực và khả năng sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Cô, trò Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) trong một giờ học.
Đánh giá từ ngành giáo dục Thanh Hóa cho thấy, thực hiện Chương trình GDPT 2018, toàn ngành đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, như: Quy mô hệ thống mạng lưới trường, lớp phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, hiện đại; đội ngũ cán bộ, GV được phát triển toàn diện. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn không ngừng được nâng cao. Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học, môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tạo điều kiện cho HS được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục phát triển kỹ năng mềm...
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ, đó là: Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học; tình trạng cung ứng thiết bị, đồ dùng dạy học còn chậm so với yêu cầu. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, đặc biệt là khu vực miền núi; vẫn còn những bất cập về số lượng, cơ cấu GV, trong khi đó một bộ phận GV chậm tiếp cận với chương trình, phương pháp giáo dục mới... Thực tế này đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ ngành giáo dục cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân để Chương trình GDPT 2018 đạt được những kết quả như kỳ vọng.
Bài và ảnh: Phong Sắc
{name} - {time}
-
2025-04-10 16:07:00
Phát huy vai trò của dòng họ trong xây dựng xã hội học tập
-
2025-04-10 08:47:00
Bộ GD - ĐT: Môn xét tuyển đại học phải dựa trên yêu cầu kiến thức nền tảng
-
2025-04-07 09:11:00
Bộ Giáo dục Đào tạo thông tin việc dạy học 2 buổi mỗi ngày ở cấp THCS và PTTH
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường sau sáp nhập
Bộ GD-ĐT “điểm danh” 7 địa phương chậm báo cáo về dạy thêm, học thêm
Xây dựng môi trường giáo dục số trong thời đại số
Tuyển sinh năm 2025: Khối trường công an tuyển hơn 2.300 chỉ tiêu
Gặp gỡ nữ sinh duy nhất của Đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Toán quốc tế
Khẳng định vị thế trên “đấu trường” học sinh giỏi quốc gia
Khen thưởng đúng người, đúng thời điểm
Tấm gương tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người”
Ngẫm chuyện dạy thêm, học thêm