Nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp 1.714 dịch vụ công (DVC) trên Cổng DVC quốc gia, đạt 100%. Trong đó, DVC trực tuyến một phần là 724/1.714 (đạt 42,2%), DVC trực tuyến toàn trình là 990/1.714 (đạt 57,8%). Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao tỷ lệ DVC trực tuyến.
Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả huyện Triệu Sơn.
Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả huyện Triệu Sơn, toàn bộ thông tin, hồ sơ TTHC của tổ chức, doanh nghiệp, người dân đều được tiếp nhận, lưu trữ trên môi trường điện tử và chuyển liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý để giải quyết. 6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện Triệu Sơn đã tiếp nhận và giải quyết 452 hồ sơ DVC trực tuyến một phần, đạt 99,78%; tiếp nhận và giải quyết 776 hồ sơ DVC trực tuyến toàn trình, đạt 100%. UBND cấp xã tiếp nhận và giải quyết 98,9% hồ sơ DVC trực tuyến một phần và 99% hồ sơ DVC trực tuyến toàn trình, vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Ông Lê Xuân Khoa, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Triệu Sơn, cho biết: Thời gian qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản trên cổng DVC quốc gia để thực hiện TTHC trên môi trường mạng, phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng để đẩy mạnh chuyển đổi số. Cấp bổ sung máy tính, máy scan... cho bộ phận một cửa cấp xã để tiếp nhận và giải quyết TTHC. Tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC cấp huyện đạt 100% và từ 85% - 100% ở cấp xã.
Để có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Triệu Sơn trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện DVC trực tuyến; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC... Đến nay, cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở đã khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm phục vụ quản lý, điều hành, từng bước đáp ứng việc quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số. Các đơn vị từ huyện đến cấp thôn, tổ dân phố đã thực hiện trao đổi, xử lý công việc trên môi trường điện tử công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết hồ sơ, công việc, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, đổi mới căn bản phương thức, lề lối làm việc theo kiểu hành chính, thủ công, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng để phục vụ doanh nghiệp và người dân được tốt hơn.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện hợp nhất Cổng DVC tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thanh Hóa; xây dựng đầy đủ các chức năng, tính năng kỹ thuật để thực hiện tốt việc cung cấp các DVC trực tuyến.
Cùng với đó, để đánh giá, đo lường hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến, Thanh Hóa đã kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số (EMC). Kết nối hơn 500 cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã với hệ thống EMC để đánh giá, giám sát việc cung cấp thông tin và DVC trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.
Tính đến ngày 20/8/2024, trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 452.308 hồ sơ DVC trực tuyến, đạt tỷ lệ 82,08% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận; trong đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng hồ sơ DVC) đạt 33,9%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99,51%.
Tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai 53 DVC thiết yếu. Trong đó, đã triển khai đầy đủ 25 DVC trực tuyến thiết yếu của Đề án 06; địa phương có 9/28 DVC thuộc Quyết định 422/QĐ-TTg, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 3/9 DVC; còn lại 6/9 DVC chờ bộ, ngành triển khai.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã đảm bảo thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 50/NQ-TTg ngày 8/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 8 tháng năm 2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 91,31%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 50,41%; số lượt truy vấn, khai thác tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia là 941.645 lượt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến DVC trực tuyến của các cơ quan Nhà nước, đang còn phó mặc cho cán bộ, cơ quan Nhà nước tự ban hành, tự triển khai, tự thực hiện. Thêm vào đó trình độ dân trí và điều kiện sử dụng thiết bị CNTT của người dân còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận DVC trực tuyến; đa số người dân vẫn có thói quen trực tiếp đến cơ quan Nhà nước để được hướng dẫn thực hiện TTHC.
Hiện nay, đối với những TTHC nằm trong danh mục các TTHC thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Các thông tin cá nhân như: Số điện thoại, ngày cấp căn cước công dân, ngày/tháng/năm sinh của cha/mẹ chưa được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc quốc gia về dân cư khiến tổ chức/công dân khi thực hiện nộp hồ sơ TTHC trên Cổng DVC quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phải nhập thủ công các thông tin nêu trên gây mất thời gian và dễ xảy ra sai sót.
Ngoài ra, việc kết nối, đồng bộ chia sẻ dữ liệu chuyên ngành liên thông giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan còn hạn chế nên việc thực hiện DVC trực tuyến bị gián đoạn và không đem lại kết quả như mong đợi. Việc tái sử dụng kết quả số hóa ở một số đơn vị, địa phương chưa cao.
Để triển khai DVC trực tuyến toàn trình thì phải tái cấu trúc quy trình TTHC để rút ngắn quy trình thực hiện, đơn giản hóa thành phần hồ sơ theo nguyên tắc “một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”. Triển khai tốt các nội dung giúp người dân không phải nộp lại thành phần hồ sơ trực tuyến khi đã có lần nộp cho cơ quan Nhà nước, hoặc cơ quan Nhà nước đã có sẵn dữ liệu và chia sẻ cho nhau. Đồng thời, cần Mobile hóa việc cung cấp DVC trực tuyến. Khi triển khai các ứng dụng cung cấp DVC trực tuyến thì phải ưu tiên triển khai trên ứng dụng di động để tạo ra những kênh tương tác thuận tiện cho người dân, điển hình như: Thông qua các nền tảng số phổ biến, sẵn có; Thông qua ứng dụng di động để kết nối số nhanh chóng và thuận tiện giữa chính quyền với người dân... Ngoài ra cần hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến; có cơ chế, chính sách khuyến khích triển khai DVC trực tuyến...
Bài và ảnh: Linh Hương
- 2024-10-10 09:03:00
Chuyển đổi số ở huyện Yên Định: Tiến gần hơn đến “làng số”, “công dân số”
- 2024-09-27 11:10:00
Tổ công nghệ số cộng đồng - đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống
- 2024-09-12 08:21:00
Công bố Ngày hội các Nhà sáng tạo nội dung số Vietnam iContent
Số hóa di tích lịch sử: Dấu ấn của tuổi trẻ Thanh Hóa
Anh khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 11 tuổi dùng điện thoại thông minh
Nỗ lực “cán đích” xã chuyển đổi số
Lưu trữ số - hành trình bắt buộc vì Quốc gia số
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả kinh doanh
Bước tiến trong chuyển đổi số
Nỗ lực số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
TP Thanh Hóa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Tập huấn kỹ năng viết tin, bài trên trang thông tin điện tử